Chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ sau khi hợp đồng tương lai ám chỉ Dow Jones giảm mạnh
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong ngày thứ Sáu (26/10) khi các chuyên viên phân tích hoài nghi về khả năng hồi phục của thị trường.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/10), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0.19% xuống 2,598.85 điểm, mất mốc tâm lý quan trọng 2,600 điểm. Còn Shenzhen Composite lùi 0.169% xuống 1,290.62 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 276.83 điểm (tương ứng 1.11%).
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 xóa sạch đà tăng và quay đầu giảm 0.4% xuống 21,184.6 điểm, còn Topix mất 0.31% xuống 1,596.01 điểm.
Nguồn: CNBC
|
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi sụt 1.75% xuống 2,027.15 điểm, còn Kosdaq lao dốc 3.46% xuống 663.07 điểm. Cổ phiếu của SK Hynix phục hồi 3.55%, trong khi Samsung Electronics gần như đi ngang.
Chỉ số ASX 200 của Australia gần như đi ngang tại mức 5,665.2 điểm, trong đó chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – tăng 0.35%. Cổ phiếu của nhóm Big4 ngân hàng Australia tăng giá: Cổ phiếu ANZ tiến 0.44%, Commonwealth Bank tăng 0.83%, National Australia Bank tiến 0.69% và Westpac cộng 0.46%
Các chuyên viên phân tích vẫn còn nghi ngờ về khả năng hồi phục của thị trường châu Á, mặc dù Phố Wall tăng mạnh trong đêm qua.
“Các sàn chứng khoán châu Á có khả năng bước sang giai đoạn bắt đáy trong ngày hôm nay khi tâm lý chấp nhận rủi ro trở lại”, các chuyên viên phân tích tại OCBC Bank của Singapore cho biết trong báo cáo buổi sáng.
“Tuy nhiên, chúng tôi nghi ngờ rằng nhiều nhà đầu tư có khả năng vẫn còn khá bối rối sau các phiên bán tháo gần đây, vì vậy bất kỳ đà hồi phục nào có khả năng sẽ không mạnh”, họ cho hay.
Chứng khoán Mỹ quay đầu nhảy vọt vào ngày thứ Năm (25/10), trong đó Nasdaq Composite ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2018, khi báo cáo lợi nhuận tích cực của Microsoft thúc đẩy đà phục hồi của những cái tên công nghệ và nhà đầu tư nhanh chóng mua lại các cổ phiếu đã bị bán tháo.
Nasdaq Composite vọt gần 3%, một ngày sau khi xác nhận bước vào giai đoạn điều chỉnh và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2011.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tiến 401.13 điểm (tương đương 1.63%) lên 24,984.55 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 49.47 điểm (tương đương 1.86%) lên 2,705.57 điểm và chỉ số Nasdaq Composite vọt 209.94 điểm (tương đương 2.95%) lên 7,318.34 điểm.
Hợp đồng tương lai ám chỉ đà giảm mạnh đầu phiên ngày 26/10
Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ ám chỉ các chỉ số cơ sở sẽ giảm mạnh vào đầu phiên ngày thứ Sáu (26/10).
Vào lúc 5h40 giờ ET, hợp đồng tương lai ngụ ý chỉ số Dow Jones có thể giảm hơn 300 điểm vào đầu phiên ngày thứ Sáu (26/10). Trong khi đó, hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq 100 cũng ám chỉ mức giảm mạnh vào đầu phiên.
ECB giữ nguyên lãi suất
Trong ngày thứ Năm (25/10), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất – một điều gì đó đã được dự báo từ trước.
“Đúng như dự báo, ECB giữ nguyên lãi suất và chẳng hề thay đổi dự báo tương lai. NHTW vẫn giữ ý định chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng vào cuối năm nay và lãi suất được cho là sẽ giữ nguyên cho tới mùa hè năm 2019”, Rodrigo Catril, Chiến lược gia ngoại hối cấp cáo tại National Australia Bank, cho biết trong một báo cáo.
“Đồng Euro tích tắc tăng giá sau nhận định của ông Draghi (Chủ tịch ECB), chạm mức đỉnh trong phiên ở mức 1.1432 USD, nhưng dường như thị trường vẫn không hề bị thuyết phục bởi quan điểm của ông Draghi rằng rủi ro tác động tới triển vọng vẫn khá cân bằng”, ông cho hay.
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 96.62, tăng từ mức 96.575 trước đó.
Đồng JPY dao động ở mức 112.2 đổi 1 USD, sau khi suy yếu từ mức quanh 111.85 đổi 1 USD. Đồng AUD ở mức 0.7039 USD sau khi vượt mức 0.709 USD hôm qua.
Trên thị trường năng lượng, hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 1.05% xuống 76.08 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai hạ 1.19% xuống 66.53 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|