Động lực nào cho tăng trưởng 2019?
Nông nghiệp 2018 chắc đã đạt đỉnh cao, dịch vụ chắc cũng loanh quanh như thế, Samsung, thép chắc cũng không thay đổi gì nhiều, vậy động lực nào để tăng trưởng 2019 đạt 6,6-6,8%?
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc phiên họp.
|
Đó là vấn đề được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đặt ra tại phiên họp phiên toàn thể lần thứ 8 của uỷ ban này.
Ngày 9/10, Uỷ ban tiến hành thẩm tra các báo cáo về kinh tế - xã hội và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Vẫn còn tình trạng trục lợi chính sách
Trình bày báo cáo các nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Trung đã nêu khá nhiều kết quả nổi bật của 3 năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, ngay từ đầu nhiệm kỳ nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, duy trì đà chuyển biến tíchh cực. Năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, có 11 chỉ tiêu ước thực hiện giai đoạn 2016-2018 đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm.
Kết qủa nổi bật đầu tiên là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát, liên tiếp ba năm CPI đạt dưới 4%. Tỷ giá, lãi suất ổn định, đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng 17%), nợ công giảm còn khoảng 61,4%.
Thu ngân sách nhà nước, theo báo cáo, năm 2018 ước đạt trên 1,35 triêụ tỷ đồng, bội chi ước đạt 3,67%.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%. Nếu đạt mức này thì quy mô theo giá hiện hành ước đạt 5.555 nghìn tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD. GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.540 USD/người,tăng thêm 155 USD so với năm 2017.
Phần hạn chế, cơ quan xây dựng báo cáo đánh giá, nhữn tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế những măm qua chưa được xử lý triệt để. Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều về vốn thay vì đổi mới công nghệ. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao (trên 70%), xuất khẩu nông sản chưa thực sự bền vững...
Một số chính sách chậm được ban hành, vẫn còn tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, Thứ trưởng Trung báo cáo.
GDP 2019 tăng khoảng 6,6-6,8%
Về kế hoạch 2019, Thứ trưởng Trung nêu một số chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng khoảng 6,6-6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%, nhập siêu dưới 3%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP, CPI bnh quân khoảng 4%.
Báo cáo cũng nêu một số cân đối lớn của nền kinh tế như lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên dự kiến đạt khoảng 55,9 triệu người, tăng 1,97% so với năm 2018. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7%. Bội chi ngân sách khoảng 222 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP...
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì cần hết sức quan tâm đến động lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8 % của năm 2019.
Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy động lực tăng trưởng của 2018 đến cả từ phía cung và phía cầu, năng lực tăng thêm của các ngành, lĩnh vực ngày càng được mở rộng.
Còn theo nhấn mạnh của một số vị chuyên gia thì tăng trưởng của năm nay có đóng góp đáng kể của Samsung, của ngành thép, trong đó có Formosa.
Qua làm việc với Samsung vừa qua, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết năm sau thì đóng góp từ doanh nghiệp này chắc cũng như 2018, ngành thép và Formosa chắc cũng vậy. Nông nghiệp năm nay tăng khoảng 3,31% chắc cũng là đỉnh cao, còn dịch vụ dự báo cũng loanh quanh như thế... vậy động lực nào cho tăng trưởng 2019, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu và các yếu tố tích cực nội tại.
Như, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ít nhiều được củng cố, vị thế của một nước thu nhập trung bình và ưu tiên thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ này cũng nêu những thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế, như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biển nhưng chưa thực sự đột phá, trong khi những lợi thế so sánh truyền thống của Việt Nam có xu hướng giảm dần.
Từ 2019 Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là các cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, sở hữu trí tuệ...mang lại cơ hội thu hút các nguồn lực từ nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với khu vực kinh tế trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.
Nguyên Vũ
VNEconomy
|