Góc nhìn về GDP và triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Nhiều yếu tố để kỳ vọng cho đà tăng trưởng tiếp tục của GDP, mặc dù nhiều chỉ báo kinh tế cho thấy nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu của nửa sau giai đoạn hưng thịnh như: tín dụng tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng, lãi suất tăng trở lại…
Tăng trưởng GDP Việt Nam đang hạ nhiệt?
Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng quan trọng, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP: Gross Domestic Product) quý 3/2018 ước tính tăng 6.88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7.45% của quý 1 nhưng cao hơn mức tăng 6.73% của quý 2. Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, GDP ước tính tăng 6.98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây. Trước đó, trong năm 2017, theo niên giám thống kê quy mô GDP của Việt Nam tính theo giá hiện hành đạt gần 5,006 nghìn tỷ đồng và GDP bình quân đầu người đạt 53.4 triệu đồng.
Nói về tăng trưởng kinh tế nước ta trong quý 4/2018 và 2019, nhiều dự báo thiên về hướng suy giảm, trong đó mức tăng GDP quý cuối năm sẽ bằng hoặc thấp hơn quý 3. Điển hình như dự báo vĩ mô của Công ty Chứng khoán HCM cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu của nửa sau giai đoạn hưng thịnh do tín dụng tăng trưởng chậm lại, lạm phát đã tăng trở lại kể từ năm 2015, lãi suất cũng tăng trở lại cho thấy chính sách tiền tệ đã ngừng mở rộng.
Nguồn: HCM tổng hợp
|
Một nguyên nhân khách quan nữa cho dự báo chững lại trong tăng trưởng kinh tế đó là sự đồng điệu của Việt Nam trước triển vọng kinh tế thế giới năm 2018 trong bối cảnh kinh tế các nước có sự phân hóa cao. Trong đó, Việt Nam đang cùng nhóm với một số nước khác như Brazil, Tây Ban Nha, … thuộc nửa sau giai đoạn hưng thịnh.
Nguồn: Fidelity phân tích, HCM biên dịch
|
Quy mô kinh tế phi chính thức tại Việt Nam là bao nhiêu?
Chỉ số GDP chưa phải là một thước đo hoàn hảo ở khía cạnh đo lường về phúc lợi của nền kinh tế, bởi nó đo lường theo giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định [1]. Dù vậy, GDP là một chỉ số hàn lâm được sử dụng toàn cầu để phản ánh về mức độ giàu có của một đất nước, đặc biệt là chỉ số GDP thực (Real GDP) phản ánh sâu sắc mức độ tăng trưởng của số lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra, hay GDP bình quân đầu người thể hiện sâu sắc mức sống của một người dân trong một xã hội cụ thể.
Một điều đặc biệt khi nói về GDP đó là nó không ghi nhận nền kinh tế phi chính thức (Informal economy), kinh tế ngầm (Underground economy), kinh tế xám (Grey economy), kinh tế ẩn (Shadow economy), bao gồm cả những giao dịch trong nền kinh tế một cách hợp pháp mà không được báo cáo hoặc không được ghi lại [2]. Là một nước đang phát triển, cũng như một số nước trong khu vực Asean, theo báo cáo kinh tế & tài chính quốc tế (Vol.6, No.10; 2014) thì Việt Nam có khu vực kinh tế phi chính thức rất lớn, mà nếu tính được sự đóng góp của toàn bộ khu vực này vào có thể làm cho GDP tăng lên thêm khoảng 30% [3]. Chính vì thế, việc chưa thống kê chính xác được hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức đã bỏ sót một khoản tiền không nhỏ khi tính toán quy mô GDP của toàn nền kinh tế.
Khu vực kinh tế phi chính thức (theo % GDP) ở một số nước thuộc Asean [3]
|
Chỉ số GDP Việt Nam có cơ hội để tiếp tục giữ đà tăng trưởng?
Trong năm 2018, nền kinh tế chứng kiến nhiều cải cách của Chính phủ, trong đó có cả phương pháp tính GDP trong thời gian tới. Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành quyết định 1121/QĐ-TTg 2018 về kế hoạch xây dựng đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát [4]. Điều này sẽ làm thay đổi cục diện về GDP của Việt Nam trong thời gian tới, khác đi so với dự báo của các chuyên gia trước đây và tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng về mặt con số, và về mặt thu ngân sách của Chính phủ.
Cũng trong tháng 9 vừa qua, thị trường Việt Nam đón nhận tin vui từ việc được FTSE đưa vào danh sách theo dõi nâng nạng từ thị trường cận biên (Frontier) sang mới nổi loại 2 (Secondary Emerging). Dự báo nguồn vốn ngoại sẽ đổ vào thị trường Việt Nam từ trước khi thị trường Việt Nam được chính thức nâng hạng và kể cả sau thời điểm đó. Đặc biệt, các chuyên gia đánh giá khả năng Việt Nam thực sự được nâng hạng là rất cao, một phần dựa vào dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi mà Chính phủ sẽ gấp rút thông qua trong quý 4/2018 này nhằm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam hội nhập thế giới.
Minh chứng cho những thành công tiềm năng, thị trường UPCoM tháng 9 chứng kiến nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 83 tỷ. Trong tuần cuối cùng của tháng 9 - thời điểm tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, kết quả khối ngoại mua ròng 450 tỷ đồng trên thị trường Việt Nam.
Phát triển kinh tế thần kỳ có quá khó?
Nói đến phát triển kinh tế thần kỳ, hiệu ứng đuổi kịp (Catch-up effect) đã cho thấy một đất nước đang phát triển có thể đuổi kịp một đất nước phát triển chỉ trong vòng một đời người [1]. Một ví dụ cho điều này là giai đoạn kinh tế thần kỳ của Nhật Bản 1951 - 1973, đứng dậy từ tro tàn của chiến tranh, Nhật Bản đã trở thành cường quốc kinh tế. So với năm 1950, năm 1973 giá trị GDP của Nhật tăng hơn 20 lần, từ 20 tỷ USD lên 402 tỷ USD, vượt Anh, Pháp, CHLB Đức.
Mới đây, trên trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tác giả Peter Vanham đã có một bài viết mang tựa đề “The story of Viet Nam's economic miracle”, tạm dịch là “Câu chuyện về điều thần kỳ của kinh tế Việt Nam” [5].
Nói đến thần kỳ có phải quá khó, cần nhiều may mắn hay không? Thực sự thì yếu tố thần kỳ hiện tại của Việt Nam đang rất đơn giản mà nhiều thành phần kinh tế có thể đóng góp. Ví dụ câu chuyện của Vinfast, doanh nhân Phạm Nhật Vượng, người đầu tiên đưa Việt Nam bước vào ngành ô tô thế giới. Ra mắt những chiếc xe đẹp lộng lẫy tại Paris Motor Show với hình ảnh đại diện là ngôi sao David Beckham, Vinfast trở thành hiện tượng trên mạng truyền thông thế giới và Việt Nam. Phỏng vấn sơ người tiêu dùng tại Việt Nam, có người thực sự tôn trọng gọi tỷ phú Vượng là “hào kiệt vài trăm năm có một người”, có người bảo rằng “đâu có sản xuất được cái bánh xe… cũng mua đồ về xào xáo lắp ráp…”, có người chỉ đơn giản trả lời “không” khi được hỏi về việc có đổi xe hiện tại để mua xe Vinfast hay không.
Câu chuyện Vinfast đưa Việt Nam bước bàn chân đầu tiên vào bản đồ ô tô thế giới rõ ràng là thần kỳ. Câu chuyện thần kỳ của kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục cần sự thổi lửa của người tiêu dùng Việt Nam. Trong câu chuyện tăng trưởng GDP và nâng cao mức sống người dân của một quốc gia, việc người dân sử dụng hàng ngoại nhập không đóng góp cho GDP của đất nước.
Ví dụ bạn mua chiếc xe Volvo, thì bạn đóng góp cho GDP của quốc gia xuất khẩu xe Volvo, đối với GDP Việt Nam, yếu tố tiêu dùng (Consumption) tăng lên bị triệt tiêu đúng bằng con số giảm đi của xuất khẩu ròng (Net Export). Ngay cả trường hợp đầu tư từ nước ngoài như Samsung sản xuất ngay tại lãnh thổ Việt Nam, thì GDP của Việt Nam dù được tăng lên nhờ đóng góp của Samsung, đồng thời tiền lương của Samsung trả cho lao động Việt rõ ràng là hữu ích trong phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng phần lợi nhuận chính của Samsung vẫn chuyển ra khỏi Việt Nam. Cho nên so với việc tiêu dùng một chiếc điện thoại Iphone thì việc chúng ta chọn mua chiếc Samsung sẽ hữu ích với đất nước hơn vì Apple không đầu tư sản xuất vào nước ta như là Samsung.
Trong câu chuyện Vinfast thì còn hơn như thế, nếu chúng ta mua một chiếc BMW, Volvo, Audi thì tăng trưởng GDP Việt Nam không hưởng gì trong khi mua một chiếc xe Vinfast thì không những người lao động Việt được trả lương mà phần lợi nhuận đó cũng ở lại với đất nước của chúng ta.
Câu chuyện đáp ứng cung cầu trong kinh tế không hề đơn giản như cách mô tả về nó, sự dẫn dắt từ bàn tay vô hình của thị trường chi phối mạnh bởi tập quán tiêu dùng không dễ thay đổi. Nhưng nếu Việt Nam làm được điều thần kỳ để bước vào ngành ô tô, thì có thể người tiêu dùng Việt cũng có thể làm được điều thần kỳ tiếp nhận nó. Việc thị trường tiềm năng nâng hạng, cũng là một cơ hội cho những công ty niêm yết lớn như VIC của Vinfast huy động vốn tạo nên những bước ngoặt kinh tế thần kỳ cho Việt Nam.
Đối với dự báo trong kinh tế, bởi vì kinh tế là vấn đề khoa học xã hội, nó phản ánh cách con người ra quyết định, cách họ tương tác với nhau và cách nền kinh tế vận hành, các dữ liệu lịch sử đóng vai trò quan trọng giống như muốn biết bạn có thể đi bao xa, người ta nhìn xem bạn đang đứng ở đâu, đã làm được gì. Những dự báo này mang tính chu kỳ, dữ liệu lịch sử thường cần phải điều chỉnh khi có những biến đổi trong chính sách hoặc thay đổi về thành phần kinh tế.
Với việc ghi nhận dữ liệu từ khối kinh tế phi chính thức của Chính phủ Việt Nam, việc Việt Nam được FTSE đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng thành thị trường mới nổi loại 2, và được MSCI xem xét nâng hạng vào tháng 3 năm 2019... việc thu hút được nguồn vốn ngoại vào thị trường Việt Nam là cơ hội để tác động vào những yếu tố giúp tăng năng suất của nền kinh tế. Ví dụ như tăng vốn vật chất trên mỗi công nhân (Physical Capital per Worker) hoặc kiến thức công nghệ (Technological Knowledge). Các tác động tăng năng suất trong sản xuất này chính là một nguyên nhân trực tiếp cho tăng trưởng GDP Việt Nam.
Bên cạnh đó là sự chờ đợi vào những điều thần kỳ trong kinh tế như ví dụ về Vinfast, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển thần kỳ nếu doanh nghiệp Việt sản xuất hiệu quả, tạo động lực cho toàn dụng nhân công, và người tiêu dùng Việt thổi lửa cho sự kỳ diệu qua sự tiếp nhận hàng Việt như một sự theo đuổi lợi ích của chính bản thân mình và quốc gia của mình.
ThS. Đinh Hạ Vân
FILI
Tài liệu tham khảo:
- Mankiw, N. G. (2010). Principles of macroeconomics (6th ed.). Cengage Learning.
- [Schneider, Friedrich and Williams, Colin, The Shadow Economy (June 1, 2013). Friedrich Schneider & Colin C. Williams, The Shadow Economy, Institute of Economic Affairs, 2013. Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=2286334
- Vo, Duc & Ly, Thinh. (2014). Measuring the Shadow Economy in the ASEAN Nations: The MIMIC Approach. International Journal of Economics and Finance. 6. 10.5539/ijef.v6n10p139.
- Luật Việt Nam, “Quyết định 1121/QĐ-TTg”, 2018 <https://luatvietnam.vn/dau-tu/quyet-dinh-1121-qd-ttg-2018-ve-de-an-thong-ke-khu-vuc-kinh-te-chua-duoc-quan-sat-166939-d1.html>
- Peter Vanham, “The story of Viet Nam's economic miracle”, World Economic Forum, 2018 <https://www.weforum.org/agenda/2018/09/how-vietnam-became-an-economic-miracle/>
|