Cần tăng 'chất' cho GDP
Các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng, đời sống của người dân tương xứng với tốc độ tăng GDP.
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong phiên làm việc ngày 23.10, các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng, đời sống của người dân tương xứng với tốc độ tăng GDP.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đánh giá cao những thành tựu về kinh tế - xã hội (KT-XH), khi bối cảnh thế giới phức tạp nhưng Chính phủ vẫn giữ được ổn định và phát triển, kiềm chế được lạm phát.
Tuy nhiên ông Nghĩa cho rằng, vấn đề chất lượng tăng trưởng cần được cải thiện nhất là tăng trưởng xanh. Điều đó phản ảnh qua số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể còn nhiều, đời sống người dân còn khó khăn, giáo dục có nhiều khủng hoảng gây ra nhiều bất an trong phụ huynh, học sinh...
Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho biết, Chính phủ báo cáo thu nhập bình quân đầu người sau 3 năm (2015 - 2018) tăng 440 USD nhưng đời sống ở nhiều nơi chưa đi theo chiều thuận. Kinh tế phát triển nhưng người dân còn khó khăn.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá, có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt, dự trữ ngoại hối 60 tỉ USD, xuất siêu… là tín hiệu khả quan, GDP năm nay hoàn toàn có thể cán ngưỡng 6,8% cao hơn mức 6,7% được giao.
Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ. Song, nếu nhìn lại mục tiêu dài hơi đến 2020 thì vấn đề không chỉ nằm ở con số của 2018 mà nằm ở chất lượng và mô hình tăng trưởng. Điều này lại chưa đạt được khi tốc độ tăng năng suất thấp hơn tốc độ tăng GDP, kết quả khiến giá trị gia tăng thấp.
Nguyên nhân chính theo ĐB Cường do VN chủ yếu gia công sản phẩm. Do đó, cần phải có giải pháp tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao, chất lượng để gia tăng năng suất.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) bổ sung, thể chế tuy có cải thiện nhưng vẫn còn gây khó dễ cho DN và cho người dân. Luật Đầu tư công có bước đột phá xây dựng thể chế nhưng cũng rất nhiều người kêu ca. Rất nhiều nơi xây dựng công trình kém, trong khi đó thủ tục ra được công trình thì lại rất phức tạp. “Có nhiều chính sách ban hành mà chúng ta không thực hiện, không cẩn thận lại ban hành những chính sách làm mất niềm tin, các thế lực thù địch lợi dụng, khoét sâu mâu thuẫn”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nói.
Tiếp tục phân tích về chất lượng GDP, ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng dù tăng trưởng cao, nhưng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nguồn lực bên ngoài. Số lượng DN thành lập mới lớn, nhưng số DN chờ phá sản cũng khá cao, chứng tỏ hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh ở nhiều nơi còn chưa đạt hiệu quả cao. Điều này một phần phản ánh tình hình khó khăn trong môi trường kinh doanh. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, thứ bậc về môi trường cạnh tranh của VN bị giảm đi do chúng ta chưa kịp theo các nước trong đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, chưa thích nghi kịp với các nước trong khu vực. Nếu không nâng cao, đổi mới năng lực sáng tạo thì không cạnh tranh được. Một số các chi phí không được cải thiện như chi phí logistics, chi phí “không chính thức”, làm cho các DN rất khó khăn trong việc hạch toán các chi phí này trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công trung hạn, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn hiệu quả của nguồn lực ngân sách. Đối với nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đây là vốn đi vay, nhưng khi phân bổ lại chú trọng nhiều hơn ở cách chia tiền mà chưa giám sát được dự án, kiểm soát được tính hiệu quả. Bên cạnh đó, chất lượng công trình dự án hiện nay cũng đang là vấn đề nổi cộm. ĐB Vũ Thị Lưu Mai viện dẫn, gần đây nhất là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa đưa vào sử dụng đã hỏng. Lý giải việc này thì Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho rằng hỏng do mưa. “Đó chỉ là một ví dụ, còn bao nhiêu công trình khác chúng ta không nhìn thấy như công trình thủy lợi, nạo vét lòng sông thì có những ý kiến cho rằng chúng ta đem tiền đổ xuống sông, xuống bể. Tiền đi vay thì thế hệ sau phải trả, nên phải sử dụng một cách hết sức thận trọng”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói.
Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông với ông Trương Minh Tuấn
Tại phiên họp chiều 23.10, QH cũng đã bỏ phiếu kín phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đối với ông Trương Minh Tuấn. Với kết quả 473 trên tổng số 477 ĐB tán thành (97,52% tổng số ĐBQH), QH đã chính thức phê chuẩn việc miễn nhiệm đối với ông Trương Minh Tuấn.
Trước đó, ngày 12.7, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2016 - 2021 do những sai phạm của ông Tuấn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai dự án Tổng công ty MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG. Bộ Chính trị cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Trương Minh Tuấn bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật của Đảng theo quy định. Đến ngày 18.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định kỷ luật đối với ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT-TT, bằng hình thức cảnh cáo theo đề nghị xử lý kỷ luật của Bộ Chính trị. Tới 23.7, Chủ tịch nước đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT đối với ông Trương Minh Tuấn. Ngày 27.7, Bộ Chính trị có quyết định phân công ông Trương Minh Tuấn về giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư.
Cũng trong chiều 23.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Tiếp đó, QH thảo luận ở đoàn về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT. Theo dự kiến, sáng nay 24.10, QH sẽ bỏ phiếu kín để thông qua việc phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng.
|
A.Vũ - V.Hân - L.Hiệp -C.Hiếu
Thanh Niên
|