"1 triệu doanh nghiệp" vì sao khó thành?
Chất lượng và quy mô của doanh nghiệp tư nhân cần được quan tâm hơn con số 1 triệu doanh nghiệp.
Gánh nặng đặt lên vai các doanh nghiệp tư nhân quá lớn nhưng chính sách hỗ trợ lại không tương xứng.
Nhìn thẳng sự thật
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa đưa ra đánh giá, về phát triển doanh nghiệp, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao.
Sự chậm chạp trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đến mức qua non nửa năm 2018 chỉ cổ phần hóa chưa được 1/10 kế hoạch đề ra là một thực tế không mới nhưng lại chưa thể tìm được lời giải. Chưa tính tới sức khỏe nội tại của khối doanh nghiệp tư nhân, sự trì hoãn cổ phần hóa khối doanh nghiệp “con cưng” nói trên cũng đã tác động xấu tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Có thể viễn cảnh còn ảm đạm hơn thế.
Số doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng tới 32,1%; tính riêng quý III/2018, mức tăng là 49% so với cùng kỳ năm 2017, theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thực trạng này không chỉ nên coi là một trong những hòn đá tảng cản bước vạch đích 1 triệu doanh nghiệp năm 2020. Đặt trong tương quan với mức tăng trưởng GDP kỷ lục 6,98% trong quý III này, chúng ta buộc phải đối diện với câu hỏi, tại sao kinh tế tăng trưởng tốt nhưng doanh nghiệp vẫn phá sản hàng loạt? Nhìn ngược lại, phải thừa nhận thêm rằng, mức tăng trưởng 6,81% năm 2017 đã không tạo nên những động lực cần và đủ cho khối doanh nghiệp được định danh là động lực của nền kinh tế.
Lúc này, lời đáp về cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào khối FDI là chưa đủ. Khi chìa khóa của sự thần kỳ GDP chỉ nằm ở Samsung, Formosa..., mức tăng trưởng tín dụng 18,15% năm 2017 phải được xem là một sự bất thường, có thể là lạc hướng khi doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn than khó tiếp cận vốn.
Đến hết tháng 8.2018, lượng tín dụng đẩy ra nền kinh tế mới chỉ ở mức 8,18%, đặt khả năng tín dụng sẽ được bơm ra ồ ạt trong những tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Nếu điều đó xảy ra, kịch bản dồn vốn vào khối bất động sản sẽ lập lại, đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thế khó chồng khó trong tiếp cận vốn.
Việc khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp 50% GDP cả nước chỉ có thể vui gượng vì sự đóng góp quá sức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng buồn nhiều hơn bởi gánh nặng đặt lên vai các doanh nghiệp này quá lớn. Xu hướng nhỏ hóa, li ti hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được cảnh báo và nếu điều này không thay đổi, mức đóng góp 50% nói trên chỉ khả thể trong hiện tại.
Cú hích không hề khó
Trong bối cảnh này, nút thắt tiếp theo cần được hóa giải là làm thế nào để doanh nghiệp Việt tăng về số lượng, mạnh về chất lượng? Sẽ là lý tưởng nếu được như mong đợi và đề xuất của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn khi trao đổi với NCĐT về một nền kinh tế thị trường lành mạnh khi toàn bộ khối doanh nghiệp, không phân biệt là doanh nghiệp nhà nước, nhỏ và vừa, tư nhân lớn mới nổi hay FDI đều cạnh tranh sòng phẳng và minh bạch.
Trong môi trường đó, chỉ cần thêm những cú hích kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ sẽ có thể đàng hoàng đua tranh với các khối doanh nghiệp khác, kích thích sự hoàn thiện và lớn mạnh về chất của toàn bộ khối doanh nghiệp. Có thể sẽ không đủ 1 triệu doanh nghiệp nhưng mức đóng góp vào nền kinh tế của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa là không thể hồ nghi.
Về vấn đề vốn, nếu chấp nhận bàn tay “siêu ngân hàng thương mại” vẫn chi phối toàn hệ thống tín dụng thương mại, chính bàn tay đó phải biết từ chối những ưu đãi phi lý cho khối doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại phải dần tiến tới mối quan hệ sòng phẳng doanh nghiệp - doanh nghiệp.
Về thị trường tiêu thụ, rõ ràng, những thông tin nhiễu loạn về thị trường thanh long thời gian vừa qua đã chứng tỏ, còn một khoảng cách khá xa giữa các nhà điều hành với nhà sản xuất. Sức ép sẽ nặng nề hơn khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trở nên gay gắt hơn và khi đó, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối diện với đối thủ mạnh hơn gấp nhiều lần từ nước láng giềng. Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng và đáp ứng ngày càng sâu rộng thị trường tiêu thụ phải là mục tiêu hàng đầu của các ngành nông nghiệp, công thương... Chúng ta đã nói rất nhiều về nhiệm vụ này và người dân kỳ vọng, sẽ có những hành động và kết quả thiết thực.
Hoàng Hạnh
Nhịp cầu đầu tư
|