Thứ Ba, 25/09/2018 09:43

Ví điện tử nở rộ nhưng tiện ích hạn chế

Chưa bao giờ thị trường thanh toán di động lại tràn ngập các loại ví, ứng dụng ngân hàng, tài chính như hiện nay

Một năm trước, khi Samsung đưa ứng dụng Samsung Pay vào Việt Nam thông qua thế hệ điện thoại mới của hãng, người tiêu dùng Việt hết sức ngạc nhiên với hình thức thanh toán một chạm nên tò mò dùng thử. Đến nay, lĩnh vực này đang thực sự bùng nổ với hàng chục ứng dụng, thượng vàng hạ cám đủ loại.

Tranh nhau "o bế" người dùng

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng (NH) Nhà nước, đến nay, đã có khoảng 30 tổ chức không phải NH được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam như Napas, Momo, Airpay, Payoo, VNPT Pay, Mobi Vi, Bảo Kim, Vimo, Moca, Ngân lượng, Viettel Pay, Zalo Pay… Theo đó, người dùng nạp tiền vào ví hoặc kết nối ví với thẻ NH để thanh toán các sản phẩm, dịch vụ.

Để thu hút người dùng, các ví điện tử này tranh nhau "bắt tay" với rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực từ mua sắm, giải trí, ăn uống, vận tải, bảo hiểm, các công ty tài chính, công nghệ… mở rộng hệ sinh thái cho khách hàng. Điển hình như Tiki kết hợp với Momo và Zalo Pay; Sendo tích hợp ví SenPay do chính hãng này xây dựng; NowDelivery (ứng dụng gọi món ăn) kết hợp với Airpay, nhiều cửa hàng, nhà hàng cũng chấp nhận thanh toán bằng ví… Hay Grab và ví điện tử Moca mới đây đã ký hợp tác chiến lược nhằm triển khai dịch vụ thanh toán tới hàng triệu người dùng Grab.

Chủ sở hữu các loại ví cũng không ngừng đưa ra các khuyến mãi, giảm giá thanh toán sản phẩm, dịch vụ nhằm thu hút khách hàng về phía mình. Cuối tuần trước, chị Hoàng Anh (ngụ quận 2, TP HCM) đặt GrabCar cho gia đình đi chơi. Quãng đường hơn 20 km, nếu thanh toán tiền mặt là 220.000 đồng nhưng bằng Grab Pay (ví điện tử của Grab) chỉ phải trả 180.000 đồng. Việc thường xuyên thanh toán ứng dụng này khi đặt xe giúp gia đình chị tiết kiệm đáng kể chi phí đi lại, so với trả tiền mặt.

Đang ngồi làm việc, anh Nguyên (ngụ quận 9, TP HCM) nhận được tin nhắn nhắc đóng cước điện thoại và điện sinh hoạt. Vài phút sau, anh thanh toán hoàn tất qua ví điện tử Momo vừa đỡ mất thời gian đi lại, đồng thời tiết kiệm cả trăm ngàn đồng nhờ chính sách hoàn tiền mà hãng công nghệ này đang áp dụng. Anh Nguyên cho biết từ ngày biết đến ví điện tử, các dịch vụ thanh toán qua ví của anh cũng như gia đình ngày càng nhiều, từ mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn; nạp thẻ cào điện thoại, đóng tiền điện, điện thoại qua ví điện tử đến cà thẻ qua POS đóng học phí cho con…

Không chỉ các công ty tài chính mà NH thương mại cũng "nhảy" vào cuộc đua cung ứng dịch vụ thanh toán di động. Điều này giúp người dùng thuận tiện trong thanh toán các hóa đơn, mua sắm hàng hóa, dịch vụ, đồng thời góp phần thúc đẩy đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.

Sức hút lớn từ thị trường thanh toán di động đang bùng nổ cũng đã kéo hàng loạt NH tham gia. NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây đã ra mắt ứng dụng "YOLO" kết hợp các dịch vụ NH với dịch vụ thanh toán giải trí, gọi taxi, đặt chỗ trước tại các nhà hàng, du lịch, theo dõi tin tức… Trước VPBank, một số NH lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank… cũng âm thầm nâng cấp ứng dụng điện thoại của mình, bổ sung tính năng ví điện tử nhằm giữ chân và gia tăng tiện ích cho khách hàng.

Trong khi đó, sau 1 năm kể từ ngày ra mắt, ứng dụng thanh toán di động Samsung Pay hiện đã có hơn nửa triệu người đăng ký sử dụng dịch vụ. Ứng dụng này đã kết nối với 17 NH thương mại và đang tiếp tục mở rộng số lượng NH trong năm nay. Tháng 9-2018, Samsung đã thêm tính năng mới Samsung Pay Card, cho phép khách hàng nạp tiền từ NH khác, giao dịch Samsung Pay tại máy POS, chuyển khoản và miễn phí rút tiền từ thẻ với hạn mức tương tự thẻ ATM.

Thanh toán điện tử bùng nổ mang lại nhiều tiện ích cho người dùng nhưng cũng khiến họ khó khăn trong lựa chọn ứng dụng phù hợp. Ảnh: TẤN THẠNH

Hệ sinh thái còn đơn điệu

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Ví điện tử Momo, thừa nhận công ty ông đã ra đời hơn 10 năm nhưng 2 năm trở lại đây, khi thanh toán điện tử bùng nổ, nhiều người mới biết và sử dụng Momo cho các hoạt động thanh toán, mua sắm của mình. Ông Diệp cho biết năm 2014, Momo chỉ có 1 triệu khách hàng thì nay đã có hơn 10 triệu người dùng. Hai, ba năm trước, các ví điện tử chỉ cung cấp những dịch vụ rất cơ bản, nay Momo đã có thể làm rất nhiều thứ, đáp ứng nhu cầu của người dùng, từ thanh toán dịch vụ, mua sắm online, ăn uống…

Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh nhận định các kênh thanh toán điện tử như NH số, ví điện tử, ứng dụng thanh toán di động sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới, không chỉ tạo thuận lợi cho người dùng mà còn góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Những dịch vụ hằng ngày từ ăn uống, mua sắm, đi lại, vui chơi giải trí… đều có thể được cung cấp và chấp nhận thanh toán qua kênh điện tử. Nhìn ở góc độ người dùng, sự thuận lợi, tiện ích và cả tiết kiệm hơn dùng tiền mặt sẽ giúp các kênh thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng số lượng ví điện tử trên thị trường rất nhiều nhưng phần lớn hệ sinh thái của các ví điện tử gần giống nhau, chủ yếu là thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại, nạp thẻ điện thoại, đóng tiền bảo hiểm…; rất ít ví có thể mở rộng hệ sinh thái để thu hút người dùng và thu được lợi nhuận. Và khi các ví điện tử không tạo ra được những tiện ích nổi trội cho người dùng thì sẽ khó tồn tại lâu dài.

Vì sao ví điện tử khó mở rộng hệ sinh thái? Lãnh đạo phụ trách trung tâm thẻ của một NH cổ phần phân tích: Ở Việt Nam, các NH thương mại đã sớm áp dụng công nghệ và triển khai ứng dụng NH điện tử (Internet Banking, Mobile Banking), QR Code (thanh toán một chạm) phục vụ khách hàng nên ví điện tử rất khó cạnh tranh. Chỉ một vài ví điện tử được NH thương mại xem như "cánh tay nối dài" để tạo thêm sự lựa chọn, đa dạng cho khách hàng.

"Nếu đặt trong bối cảnh cạnh tranh để mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, tiện ích phục vụ khách hàng, các NH thương mại sẽ có lợi thế lớn hơn nhiều so với ví điện tử. Bằng chứng là hầu hết các dịch vụ từ mua tour du lịch, đặt phòng khách sạn, thanh toán vé máy bay, trả tiền học phí, bảo hiểm, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn… đều có điểm chấp nhận thẻ, POS, QR Code của NH thương mại. Một số ứng dụng thanh toán di động cũng đều liên kết với thẻ NH nên không dễ để ví điện tử mở rộng hệ sinh thái" - vị lãnh đạo trung tâm thẻ phân tích. 

THÁI PHƯƠNG

Người Lao động

Các tin tức khác

>   Lãi suất VND “trong uống ngoài xoa” (24/09/2018)

>   Ngân hàng Thương mại Nhà nước - Tăng vốn là tất yếu (25/09/2018)

>   Cho vay lãi 700%/năm rồi dùng robot đòi nợ (24/09/2018)

>   Thống đốc ra văn bản "cảnh cáo" các công ty tài chính quấy rối người dân (23/09/2018)

>   Ngày 24/9, xử phúc thẩm nguyên Phó Thống đốc NHNN (22/09/2018)

>   Sức ép nào khiến các ngân hàng đồng loạt thoái vốn? (24/09/2018)

>   Sacombank trao xe ô tô Mercedes C200 cho khách hàng trúng thưởng khuyến mãi "Rước xe đón hè" (21/09/2018)

>   Tiếp vụ “Bầu” Kiên lại bị tố “lừa đảo… chiếm đoạt”: 158 tỉ đồng bị chiếm đoạt như thế nào? (21/09/2018)

>   SCB thắt chặt quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế (21/09/2018)

>   Giá USD và vàng SJC cùng đi lên (21/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật