Sức ép nào khiến các ngân hàng đồng loạt thoái vốn?
Ngoài thời hạn của Thông tư 36/2014/TT-NHNN đang gần kề, còn sức ép nào đang đè lên các ngân hàng thương mại dẫn đến làn sóng thoái vốn chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay trong hệ thống ngân hàng?
Nổi bật nhất thời gian gần đây là đợt thoái vốn liên hồi của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Viecombank, HOSE: VCB) khi vừa có thông báo về cuộc bán đấu giá 45.6 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) do Vietcombank sở hữu với giá khởi điểm 14,497 đồng/cp vào ngày 22/10/2018 tới đây. Nếu thương vụ này thành công, tỷ lệ sở hữu của Vietcombank tại EIB sẽ giảm xuống còn 4.5% vốn điều lệ.
Thoái vốn là một chủ thể bán hoặc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ số cổ phần mà họ đang giữ tại một doanh nghiệp/ngân hàng khác.
|
Ngoài ra, trong tháng 10/2018 tới đây, Vietcombank sẽ thực hiện đấu giá 53.4 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB), ứng với 2.47% vốn điều lệ với giá khởi điểm là 19,641 đồng/cp.
Với kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới, Vietcombank sẽ giảm lượng sở hữu tại 2 ngân hàng này xuống dưới 5% theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Trong khi mới chỉ trong tháng 9/2018 này, Vietcombank đã đấu giá thành công gần 1.5 triệu cp Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mang về hơn 30 tỷ đồng trong phiên ngày 06/09. Thương vụ này đánh dấu Vietcombank đã thoái sạch vốn tại OCB.
PGS.TS Trương Quang Thông – Trưởng Bộ môn Ngân hàng Quốc tế, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM
|
Theo PGS.TS Trương Quang Thông – Trưởng Bộ môn Ngân hàng Quốc tế, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, một số ngân hàng TMCP Nhà nước thoái vốn gần đây, đơn cử như Vietcombank ồ ạt thoái vốn ra khỏi OCB, EIB, MBB... trước hết phụ thuộc vào chiến lược của riêng họ. Vấn đề thứ hai phải kể đến là nếu tuân thủ theo Basel II thì hệ số an toàn vốn CAR có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng, hoặc thậm chí có thể rớt xuống dưới mức tối thiểu là 8%, do đó việc thoái vốn của các NHTM có thể vô hình trung giúp hệ số an toàn vốn CAR cải thiện hơn.
Sự việc trên càng đáng quan tâm hơn khi các ngân hàng TMCP Nhà nước hiện nay đang "vướng" khá nhiều vấn đề liên quan đến tăng vốn nhằm bảo đảm an toàn vốn. Có thể kể đến việc phải thanh toán cổ tức bằng tiền, không được dùng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, và đặc biệt là lộ trình giảm vốn Nhà nước tại các DNNN nói chung, trong đó có các ngân hàng TMCP Nhà nước. Việc giảm bớt đã khó rồi thì đâu là lý do giải trình cho việc tiếp tục rót vốn thêm, dù bằng cách này hay cách khác, PGS.TS Trương Quang Thông nói thêm.
Khoảng cách giữa các ngân hàng đang ngày càng lớn?
Nếu đúng theo kỳ vọng của các ngân hàng TMCP Nhà nước, thì các thương vụ thoái vốn có thể cải thiện tình hình tài chính của ngân hàng, giúp giảm bớt nguy cơ mất an toàn vốn trong khi chờ những quyết sách lớn hơn, và cần phải ráo riết hơn của Chính phủ về chính sách mới về quản lý vốn Nhà nước tại các ngân hàng TMCP Nhà nước.
Dĩ nhiên, trên những điều kỳ vọng đó, khả năng cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại sẽ tốt hơn, và do đó, hố phân cách các ngân hàng lớn-nhỏ tại Việt Nam sẽ ngày càng sâu rộng hơn. Đây là cảnh báo quan trọng đối với các ngân hàng nhỏ, tuy nhiên dư địa của các ngân hàng nhỏ trong thị trường Việt Nam vẫn còn khá hấp dẫn, PGS.TS. Trương Quang Thông nhận định.
Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN ban hành ngày 20/11/2014, Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng đó. Hiện NHNN đã đề xuất sửa Thông tư 06/2015/TT-NHNN nhằm nới thời hạn chuyển tiếp với trường hợp TCTD sở hữu cổ phần vượt giới hạn đến ngày 30/6/2019.
|
Hàn Đông
FILI
|