Trợ giá... suốt đời!
Trong 143 tuyến xe buýt của TP HCM hiện nay, có 105 tuyến có trợ giá. Chính sách trợ giá được vận hành đã 16 năm qua và tiền trợ giá mỗi năm một tăng nhưng sau chừng ấy thời gian, xe buýt vẫn… lòng vòng, luẩn quẩn!
Năm 2002, các tuyến xe buýt phổ thông được chính quyền TP trợ giá gần 40 tỉ đồng; đến năm 2012, tăng đến 1.290 tỉ đồng/năm, hơn 30 lần! Hai năm 2017 và 2018, mức trợ giá đều là 1.000 tỉ đồng/năm. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải lại đề xuất bổ sung tiền trợ giá thêm 330 tỉ đồng vào dự toán ngân sách TP HCM năm nay.
Đề xuất trên cơ bản xuất phát từ lý do các doanh nghiệp vận tải phản ánh mức trợ giá được áp dụng từ năm 2009 đến nay đã quá cũ trong khi giá xe, nhiên liệu, tiền bến bãi, lương nhân viên… đều tăng. Có doanh nghiệp kêu ca đã 8 tháng qua họ chưa nhận được tiền trợ giá của năm 2018.
Xe buýt là phương tiện chủ lực trong vận tải hành khách công cộng, trợ giá xe buýt là chính sách ưu việt của TP HCM nhằm phát triển loại hình vận tải này, khuyến khích tư nhân cùng tham gia với nhà nước trong việc đầu tư và vận hành phương tiện chuyên chở, đồng thời tạo điều kiện để người dân ưu tiên lựa chọn đi xe buýt, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông và bớt ùn tắc giao thông triền miên.
Thế nhưng, thực tế đã bộc lộ quá nhiều bất cập, không chỉ là những vấn đề nhỏ cần phải chấn chỉnh mà ngay cả chính sách vĩ mô cũng phải xem xét lại.
Trước hết, hãy tìm cho ra lý do vì sao người dân ít đi xe buýt. TP có khoảng 15 triệu người mà chỉ trên dưới 2 triệu người đi lại bằng xe buýt thì quá ít. Có phải vẫn còn tình trạng xe cũ kỹ, hôi hám, tài xế ẩu, nhân viên phục vụ mất lịch sự, móc túi như rươi, nhà chờ mất vệ sinh? Đi một hai lần là tởn! Từ đây mới thấy chính sách hai mặt của trợ giá: vé dẫu có đắt mà xe ngon lành thì người ta vẫn chọn; giá dù rẻ mà bết bát như trên thì người ta vẫn chê; đâu phải người nghèo nào cũng muốn đi xe buýt. Ở TP này, chắc chắn có rất nhiều người chưa từng bước lên xe buýt, thậm chí cả đời không dùng tới dịch vụ này.
Tỉ lệ trợ giá xe buýt hiện đạt khoảng 40% (tính trên mức chi phí). Nhiều doanh nghiệp vận tải lấy lý do mức này thấp nên bỏ chuyến, báo lỗ, nợ lương nhân viên… để đòi được trợ giá nhiều hơn. Đòi hỏi của doanh nghiệp là có lý nhưng nếu TP HCM cứ đáp ứng, vẫn chi 1.000 tỉ đồng/năm, thậm chí tăng thêm, thì rõ ràng là đi ngược lại mục tiêu ban đầu: tiến tới bỏ hẳn trợ giá khi người dân đi xe buýt nhiều lên, doanh nghiệp có nguồn thu tốt.
Thực tế đã diễn ra trái với mục tiêu. Chi phí đầu vào của hoạt động vận tải luôn có xu hướng tăng chứ không giảm trong khi nhiều tuyến buýt đã bão hòa về lượng khách, thậm chí ít khách hơn trước, thì sẽ phải trợ giá dài dài để "cứu" các doanh nghiệp. Nhưng công khố nào chịu cho nổi! Hãy ra đường quan sát, dễ dàng bắt gặp nhiều chiếc xe buýt trợ giá to đùng chỉ chở 1-2 người mới thấy xót tiền và từ đó hình dung ra tương lai mơ hồ của vận tải hành khách công cộng.
A.Q
Người lao động
|