Loạt lý do vì sao PNC vẫn bị kiểm soát đặc biệt
Sở GDCK Tp.HCM vừa thông báo tiếp tục duy trì diện kiểm soát và chuyển từ diện tạm ngừng giao dịch sang kiểm soát đặc biệt đối với PNC. Nguyên nhân mặc dù 6 tháng 2018, PNC đã bắt đầu có lãi nhưng khoản lãi này đến từ thu nhập khác (công ty vẫn lỗ từ hoạt động kinh doanh chính 10 tỷ đồng) và công ty vẫn còn lỗ lũy kế lớn.
Trước đó, Sở có quyết định đưa cổ phiếu PNC vào diện kiểm soát kể từ ngày 27/02/2018 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 âm 39.35 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2017 âm 66.51 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2017 âm tới 105.86 tỷ đồng.
Tiếp đó, căn cứ trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2018 của PNC thì lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2018 là 7.76 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2018 vẫn âm 98 tỷ đồng (vốn góp của chủ sở hữu 110.4 tỷ đồng). Mặc dù Công ty đã bắt đầu có lãi nhưng khoản lãi này đến từ thu nhập khác (Công ty vẫn lỗ từ hoạt động kinh doanh chính 10 tỷ đồng) và Công ty vẫn còn lỗ lũy kế lớn.
Theo đó, Sở tiếp tục duy diện kiểm soát do kết quả kinh doanh đối với cổ phiếu PNC chiếu theo quy định “Trong những trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, Sở GDCK có thể xem xét duy trì diện kiểm soát đối với chứng khoán của tổ chức niêm yết”.
Ngoài ra, Sở cũng nhấn mạnh về hoạt động công bố thông tin của PNC. Cụ thể, ngày 13/07/2016, Sở có quyết định chuyển cổ phiếu PNC từ diện tạm ngừng giao dịch sang kiểm soát đặc biệt do Công ty đã công bố thông tin đầy đủ BCTC Hợp nhất kiểm toán năm 2015, Báo cáo thường niên năm 2015 và các giải trình có liên quan.
Tuy nhiên, do PNC trước đây liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin trong thời gian dài, vì vậy Sở tiếp tục duy trì diện kiểm soát đặc biệt đối với cổ phiếu PNC.
Sở GDCK TPHCM cho biết hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu PNC sẽ căn cứ vào BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2018 của Công ty cũng như tình hình công bố thông tin đến khi PNC công bố BCTC quý 3/2018.
Được biết, trong báo cáo bán niên 2018, khoản thu nhập khác giúp PNC thoát lỗ là khoản tiền mượn để góp vốn vào Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam theo thỏa thuận thanh lý hợp đồng ngày 23/11/2015 giữa Công ty và Envoy Media Partners Ltd. Cụ thể, PNC sẽ thoái 12.5% vốn tại Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam với giá trị 160 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Kim Cương Đen, một công ty mới được thành lập từ ngày 26/4/2018 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng.
Trong khi đó, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam nhấn mạnh việc PNC thoái vốn tại Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam với mức giá chưa đến 60% mức định giá cách đây 7 năm trong khi quy mô của hệ thống CGV đã tăng lên gấp 3 lần sau thời gian này.
Vậy câu hỏi đặt ra là dù PNC thoái vốn thành công tại Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam với giá trị 160 tỷ đồng thì cổ đông PNC có cảm thấy thỏa đáng và CTCP Đầu tư Kim Cương Đen mới thành lập từ ngày 26/4/2018 hiện tại đang do những cổ đông nào sở hữu?.
Giá cổ phiếu PNC trong 4 năm gần qua
Đvt: VNĐ
|
Vận động giá cổ phiếu PNC từ năm 2014 đến quý 3/2017 dao động quanh biên độ khá rộng ở mức 10,000-20,000 đồng/cổ phiếu nhưng thanh khoản gần như không có. Chỉ từ sang quý 4/2017 giá cổ phiếu mới bắt đầu tăng mạnh nhưng cũng không duy trì được lâu sau khi đạt mức đỉnh 38,000 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/07/2018 rồi bắt đầu giảm nhiệt và quay về vùng giá như trước đó.
Chốt phiên giao dịch 12/09/2018 giá cổ phiếu PNC đóng cửa ở mức 15,000 đồng/cổ phiếu, tăng 2.74% và đạt khối lượng giao dịch 2,830 cổ phiếu.
Dương Lâm
FILI
|