Thứ Sáu, 14/09/2018 08:45

Bỏ lại những tháng ngày tươi đẹp, cổ phiếu HSG đang quay về vạch xuất phát

Thị trường thép ngày càng có nhiều rào cản, gây ra nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành. Một trong những ông lớn từng báo lãi hàng trăm tỷ đồng như Tập đoàn Hoa Sen ở 2 năm về trước đến nay “ngậm ngùi” với vài chục tỷ đồng. Điều đáng nói hơn, sau thời gian dài thăng hoa, giá cổ phiếu HSG nay cũng quay lại thời điểm trước lúc bứt tốc.

Khó khăn chung của ngành thép

Theo đánh giá chung, các doanh nghiệp trong ngành thép tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2018 với nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, giá thép biến động liên tục và khó giữ được đà ổn định, có khả năng tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Thứ hai, việc các thị trường lớn trên thế giới có xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo hộ nền sản xuất nội địa sẽ tạo ra những thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt.

Cụ thể, vào ngày 26/03/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 23/28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu vào những quốc gia này. Biện pháp tự vệ dự kiến có thời hạn hiệu lực trong 200 ngày (từ 19/07/2018 đến 03/02/2019). Theo đó, Việt Nam có 03 nhóm sản phẩm bao gồm thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.

Bên cạnh đó, tôn mạ màu nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc cũng bị Indonesia áp thuế chống bán phá giá từ 12.01% tới 28.49% trong 5 năm. Hai doanh nghiệp tôn mạ niêm yết của Việt Nam là Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Thép Nam Kim (NKG) chịu mức thuế lần lượt là 12.01% và 19.16%.

Thứ ba, nguồn cung trên thị trường có khả năng dư thừa khi các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công suất sản xuất. Chính điều này tạo sức ép về hàng tồn kho và gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Doanh thu cao kỷ lục, lợi nhuận chạm đáy 5 năm

Được biết, năm 2018 là năm khởi đầu nhiệm kỳ mới của HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG). Do đó, Công ty chú trọng vào công tác tái cấu trúc đối với hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh trung tâm cấp tỉnh, nhằm đảo bảo sự tinh gọn, hiệu quả, song song với việc phát huy lợi thế cạnh tranh của hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, HSG sẽ tập trung phát triển thị trường nội địa thông qua việc mở rộng, phát triển nhanh hệ thống phân phối bán lẻ, dự kiến đạt 500 chi nhánh đến cuối năm 2018. Mục tiêu đến năm 2020, toàn hệ thống phân phối của Tập đoàn đạt từ 1,000-1,200 chi nhánh/cửa hàng bán lẻ.

Ngoài ra, HSG cũng có kế hoạch nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm dựa trên nền tảng nhóm sản phẩm tôn-thép-nhựa chủ lực của Tập đoàn. Trong năm 2018, Tập đoàn sẽ cho ra mắt ống thép mạ kẽm nhúng nóng cùng nhiều sản phẩm, phụ kiện mới trong mảng nhựa.

Đối với hoạt động đầu tư, HSG sẽ nhanh chóng hoàn thiện các dự án công nghiệp đang triển khai như dự án nhà máy Hoa Sen Nghệ An, dự án nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội-Bình Định, dự án nhà máy Vật liệu xây dựng Hoa Sen Yên Bái, dự án nhà máy Ống thép mạ kẽm nhúng nóng Hoa Sen Phú Mỹ.

Mặc dù vậy, ở HSG đang xuất hiện tình cảnh nghịch lý là dù doanh thu tiếp tục tăng trưởng mạnh nhưng lãi ròng lại có xu hướng đi xuống trong thời gian qua.

Thậm chí quý 3/2018 (niên độ 01/10/2017-30/09/2018) vừa rồi, doanh thu HSG lập kỷ lục từ khi thành lập với hơn 10,000 tỷ đồng. Song, một điều trái khoáy khi nhìn về lợi nhuận, con số thu về ngày một teo tóp, rơi vào mức thấp nhất trong 5 năm qua khi báo lãi chưa tới 83 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của HSG giai đoạn Q1/2014 – Q3/2018. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: BCTC hợp nhất các quý của HSG

Không chỉ riêng quý 3/2018, kết quả kinh doanh của HSG nhiều quý gần đây cũng đã sụt giảm đáng kể trước áp lực giá vốn và lãi vay tăng vọt đã “ăn mòn” lợi nhuận. Về giá vốn, vấn đề như đã nêu ra ở phần đầu, khi giá nguyên liệu đầu vào là HRC tăng mạnh sẽ khiến biên lãi gộp của HSG sụt giảm.

Đáng chú ý hơn, gánh nặng tài chính của HSG ngày càng “oằn” hơn khi nợ phải trả tăng dần đều qua các năm. Tính đến quý 3/2018, tổng dư nợ vay của HSG đã lên đến gần 16,000 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 12,000 tỷ đồng, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản lên gần 78%.

Nợ vay của HSG giai đoạn Q1/2014 – Q3/2018. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất các quý của HSG

Chi phí lãi vay của HSG giai đoạn Q1/2014 – Q3/2018. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất các quý của HSG

Trước đó, dự báo được thị trường ngành thép sẽ có những diễn biến phức tạp trong năm 2018 nên HSG đã đặt kế hoạch kinh doanh cho niên độ tài chính 2017-2018 một cách thận trọng. Chỉ tiêu về sản lượng tiêu thụ và doanh thu thuần tăng trưởng 15%, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch chỉ tăng 1% so với niên độ 2016-2017.

Kế hoạch kinh doanh hợp nhất niên độ 2017-2018

Nguồn: Báo cáo thường niên 2017 HSG

Cách đây nhiều năm, cổ phiếu HSG có giá dao động quanh 10,000 đồng/cp và nó kéo dài trong một thời gian dài. Rồi từ năm 2016, cổ phiếu này bắt đầu tăng mạnh, có lúc cao gấp 3 lần mệnh giá. Thế nhưng đến nay, HSG lại có mức giá cũng đâu đó bằng với thời điểm trước khi tăng tốc.

Cụ thể, mục tiêu của HSG đạt 30,000 tỷ đồng doanh thu thuần trong niên độ tài chính 2017-2018, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng ở mức 1,350 tỷ đồng, sản lượng phấn đấu đến năm 2020 đạt 5,000 tấn/tháng.

Nhìn vào kết quả kinh doanh trong 3 quý đầu năm của HSG, kế hoạch trên khó mà hoàn thành khi đến nay dù thực hiện được 86% kế hoạch doanh thu nhưng chỉ mới 38% chỉ tiêu lợi nhuận.

Không chỉ kết quả kinh doanh lao dốc, cổ phiếu HSG cũng đổ đèo một cách đáng ngờ, rơi về vùng mệnh giá 10,000 đồng/cp, ghi nhận giảm gần 80% so với mức đỉnh 52,100 đồng/cp vào cuối tháng 5/2017.

Biến động giá cổ phiếu HSG kể từ khi lên sàn đến nay

Nguyên Ngọc

FILI

Các tin tức khác

>   BED bán lô đất tại Bình Thạnh cho 1 cá nhân với giá 27.5 tỷ đồng (13/09/2018)

>   VDSC: Nghị quyết HĐQT về việc sửa đổi Điều lệ công ty (12/09/2018)

>   VIG: Nghị quyết HĐQT (13/09/2018)

>   BED: Giải trình số liệu báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2018 (13/09/2018)

>   VMS: Giải trình chênh lệch LNST BCTC 6T2018 (VP Công ty) (13/09/2018)

>   VNC: Giải trình chênh lệch LNST trên 10% tại báo cáo kết quả kinh doanh tổng hợp bán niên 2018 (13/09/2018)

>   ALT: Giải trình kết quả kinh doanh Công ty mẹ soát xét 06 tháng 2018 (13/09/2018)

>   BID: Báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất bán niên năm 2018 (12/09/2018)

>   HTC: Công ty Cổ Phần Đầu tư Toàn Việt - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT - đăng ký bán 874,700 CP (13/09/2018)

>   Kiểm toán toàn bộ tài sản Nhà nước tại Tập đoàn Dầu khí (13/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật