Lo lắng về căng thẳng thương mại và tiền tệ, thị trường mới nổi rơi xuống đáy 17 tháng
Làn sóng bán tháo trên thị trường mới nổi trở nên trầm trọng hơn vì những lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các đồng tiền tại khu vực này rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2017, khi Goldman Sachs cho biết, mô hình của họ báo hiệu tiền tệ của một số quốc gia đang phát triển sẽ còn giảm thêm. Ngoài ra, thị trường chứng khoán cũng lao dốc.
Đồng Real của Brazil dẫn đầu đà giảm trong số những đồng tiền mới nổi, giữa lúc thị trường biến động khôn lường trước một cuộc bỏ phiếu bầu cử mới. Bên cạnh đó, đồng Peso của Argentina cũng trượt dốc sau khi một số chuyên viên giao dịch (trader) cho biết, đà tăng xuất phát từ tâm lý lạc quan về việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ đẩy nhanh chuyện giải ngân gói cứu trợ đã đi quá xa và quá nhanh. Trong khi đó, dữ liệu của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, nền kinh tế nước này tăng trưởng yếu hơn dự báo, qua đó làm lu mờ những dự đoán sẽ có một đợt nâng lãi suất, đồng thời khiến đồng Lira suy giảm. Chưa hết, đồng Rupee của Ấn Độ xóa bớt đà giảm khi Chính phủ cho biết đang xem xét một kế hoạch nhờ tới những công dân Ấn Độ ở nước ngoài, sau khi đồng nội tệ lao dốc vì những số liệu tài khoản vãng lai ảm đạm.
Nhà đầu tư còn bán ra các tài sản ở các quốc gia đang phát triển khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khăng khăng cho rằng, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc làm sản xuất ở Mỹ. Trước đó, trong ngày thứ Sáu (08/09), Donald Trump đã đe dọa áp thêm thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nối tiếp sau đề xuất áp thêm hàng rào thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Việc triển khai hàng rào thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc “sẽ diễn ra rất sớm phụ thuộc vào những gì sắp diễn ra”, ông Trump nói với các phóng viên trên chiếc Không Lực Một trong ngày thứ Sáu (07/09). “Tôi ghét làm như thế này, nhưng đằng sau đó là thêm hàng rào thuế quan 267 tỷ USD sẵn sàng triển khai một cách nhanh chóng nếu tôi muốn”.
Những nhận định trên còn khiến nhà đầu tư lo ngại nhiều hơn trong lúc các thị trường mới nổi đang phải đối mặt với nhiều thách thức – bao gồm sự chấm dứt của kỷ nguyên tiền rẻ, những khó khăn của các Chính phủ từ Ấn Độ cho tới Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ để phục hồi niềm tin vào nền kinh tế của chính họ.
Và tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn từ góc nhìn phân tích kỹ thuật. Một số mẫu hình phân tích kỹ thuật cho thấy, làn sóng bán tháo 4.5 ngàn tỷ USD còn có khả năng trầm trọng hơn trước khi chạm tới điểm quay đầu. Vì bị bán tháo mạnh, hệ số P/E của chỉ số MSCI Emerging Markets Index đã rớt xuống dưới mức định giá trung bình 20 năm, và thông thường, đây là một dấu hiệu để nhà đầu tư quay trở lại thị trường.
Mặc dù làn sóng bán tháo trong năm nay đã đẩy tỷ giá hối đoái ở khu vực thị trường mới nổi vào phạm vi dưới giá (undervalue) theo ít nhất là 1 thước đo, nhưng chúng cũng không rẻ bằng thời điểm đầu năm 2016, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo. Trở về thời năm 2016, các quốc gia đang phát triển đang lao đao vì đà rớt giá không phanh của giá dầu toàn cầu.
“Dĩ nhiên, mức định giá được xem là tín hiệu trung và dài hạn về thành quả thị trường tài sản, và hiếm khi là một chất xúc tác để tạo ra thành quả cao hơn”, họ viết. “Dù vậy, việc giá tài sản trở nên rẻ hơn đáng kể có thể mang lại cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn và một tấm đệm để vượt qua bất kỳ sự biến động nào”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|