Hàng loạt ông lớn Trung Quốc bán tài sản sau thâu tóm ở nước ngoài
Gần đây, các ông lớn là công ty có nhiều tài sản ở nước ngoài nhất của Trung Quốc đã và đang rao bán hàng chục tỷ USD. Bloomberg dự đoán xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Từ năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh giảm nợ trong nền kinh tế để giải quyết mối nguy từ hệ thống tài chính. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ làn sóng mua lại ở nước ngoài khiến các doanh nghiệp Trung Quốc nợ nần chồng chất.
Chương trình của Bắc Kinh khiến các công ty trong nước phải bán bớt tài sản đã thâu tóm ở nước ngoài, trong đó, không loại trừ cả những doanh nghiệp vốn là ông lớn của kinh tế Trung Quốc.
HNA có kế hoạch bán hơn 17 tỷ USD tài sản để trở về với nguyên thủy một hãng hàng không. Ảnh: Reuters .
|
Cụ thể, HNA, Dalian Wanda và Anbang vốn là những tập đoàn Trung Quốc có nhiều tài sản nhất tại nước ngoài cũng đang dẫn đầu trong việc bán tài sản.
Theo Bloomberg, một công ty con của HNA Group vừa trễ hạn thanh toán một khoản vay 44 triệu USD vào tuần trước. Điều này cho thấy công ty từng dẫn đầu làn sóng thâu tóm ở nước ngoài của Trung Quốc cần phải bán thêm tài sản để vượt qua thách thức về thanh khoản.
Hiện công ty này cũng rao bán cổ phần trong ngân hàng Deutsche Bank, công ty Seaco, 8 tầng cao ốc văn phòng ở Hong Kong và một số công ty tại đại lục.
Ngoài ra, tập đoàn chuyên về hàng không, bất động sản, tài chính, du lịch HNA cũng đang được cho chào bán nhiều tỷ USD bất động sản tại Mỹ, Anh và ngay Trung Quốc trước những đối tác tiềm năng.
Đến nay, 8,5 tỷ USD bán lại cổ phần trong tập đoàn khách sạn Hilton là thương vụ giá trị nhất của HNA trong việc bán bớt tài sản ở nước ngoài.
Bloomberg ước tính công ty này đã và đang có kế hoạch bán hơn 17 tỷ USD tài sản để trở về với nguyên thủy của mình là một hãng hàng không.
Tính đến cuối tháng 6 năm nay, HNA đã nợ tổng cộng gần 80 tỷ USD, con số cao gấp 3 lần Tập đoàn Fosun International của Trung Quốc đang nợ.
Núi nợ khổng lồ này được coi là một trong những mức nợ cao nhất đối với một công ty phi tài chính tại châu Á. Cùng với đó, công ty cũng sẽ phải trả một số chi phí lãi vay cao nhất thế giới.
HNA hiện còn đối mặt với thách thức sau cái chết bất ngờ của ông Wang Jian cách đây 2 tháng do tai nạn. Vị cố chủ tịch công ty chính là người mở đầu chiến dịch thâu tóm khối tài sản mà HNA hiện rao bán.
Ngoài HNA, tập đoàn bất động sản, bán lẻ và giải trí Dalian Wanda Group của tỷ phú từng giàu nhất Trung Quốc - Wang Jianlin, cũng đã cắt giảm cổ phần từng thâu tóm trong chuỗi rạp chiếu phim AMC Entertainment (Mỹ).
Thương vụ này chỉ vừa được thực hiện vào hôm thứ sáu. Dalian Wanda đã bán 600 triệu USD cổ phần AMC cho công ty đầu tư cổ phần tư nhân Silver Lake. Năm 2012, tỷ phú Trung Quốc từng chi 2,6 tỷ USD để giành quyền kiểm soát công ty giải trí nước Mỹ.
Tuần trước, Tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc cũng đã bán lại công ty chứng khoán Century Securities với giá hơn 500 triệu USD.
Phúc Minh
ZING.VN
|