Dầu giảm nhẹ trước lo ngại về thương mại Mỹ - Trung
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm nhẹ trong ngày thứ Hai (17/09), tìm thấy một số hỗ trợ từ mối đe dọa gián đoạn nguồn cung liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, nhưng cũng chịu sức ép bởi khả năng nhu cầu toàn cầu suy giảm do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, MarketWatch đưa tin.
Dự đoán cho rằng một số nhà sản xuất dầu chủ chốt sẽ thảo luận về việc gia tăng thêm sản lượng tại một cuộc họp vào cuối tháng này cũng giúp kìm hãm biến động của giá dầu trong phiên ngày thứ Hai.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex lùi 8 xu (tương đương 0.1%) xuống 68.91 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn hạ 4 xu (tương đương 0.05%) xuống 78.05 USD/thùng.
Những người tham gia thị trường dự đoán các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), có thể sẽ trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu dầu thô toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, tại một cuộc họp với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ở Moscow hôm thứ Sáu (14/09), Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Rick Perry, cho biết Ả-rập Xê-út và Nga là một trong những nhà sản xuất dầu được ngưỡng mộ và đánh giá cao vì đã giúp đảm bảo thế giới sẽ không phải thấy sự tăng vọt của giá dầu, Reuters đưa tin vào ngày thứ Sáu.
Trong khi đó, ông Novak lại nói với hãng tin CNBC rằng các lệnh trừng phạt nhắm đến dầu mỏ của Iran là “không hiệu quả” và “sai trái”.
Nhà đầu tư cũng tập trung chú ý đến mối đe dọa về thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, vốn có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu.
Chính quyền ông Trump dự định áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, qua đó làm giảm hy vọng rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại một cách thiện ý và xoa dịu lo ngại của thị trường rằng xung đột thương mại có thể leo thang đủ để ảnh hưởng đến sức khỏe kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, một báo cáo từ Reuters cho biết rằng một cuộc họp của Ủy ban Kỹ thuật chung các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC có thể được tổ chức vào ngày thứ Hai và rằng chủ đề quan trọng của cuộc họp là thảo luận về sự gia tăng sản lượng.
Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung (JMMC), vốn có nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu của thỏa thuận cắt giảm sản lượng được đáp ứng, dự kiến diễn ra tại Algiers vào ngày 23/09/2018.
Ông Novak cho biết trong ngày thứ Hai rằng các thành viên thuộc JMMC có thể sẽ thảo luận về khả năng gia tăng sản lượng dầu thêm hơn 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp này.
Tại cuộc họp hồi tháng 8/2018, JMMC cho biết mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước thành viên giảm từ 121% trong tháng 6 xuống 109% trong tháng 7.
Bên cạnh đó, cơn bão Florence tiếp tục gây mưa liên tục ở Carolina và dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng, qua đó làm ảnh hưởng đến các giao dịch năng lượng, ngay cả khi cơn bão này đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Sản lượng dầu tại Mỹ đã là điểm sáng đáng chú ý, khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) gần đây dự báo rằng Mỹ có khả năng vượt qua Nga và Ả-rập Xê-út để trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới hồi đầu năm nay.
Trong một báo cáo định kỳ hàng tháng công bố vào ngày thứ Hai, EIA dự báo sản lượng dầu từ 7 mỏ dầu đá phiến chủ chốt tại Mỹ sẽ tăng 79,000 thùng/ngày lên 7.59 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2018.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 10 tiến 0.3% lên 1.977 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 10 mất 0.1% còn 2.206 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 10 vọt 1.7% lên 2.814 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|