Dầu WTI lùi gần 1.5% do lo ngại về căng thẳng thương mại
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục giảm mạnh vào ngày thứ Năm (06/09), trong đó hợp đồng dầu WTI đóng cửa tại mức thấp nhất trong hơn 2 tuần, chịu sức ép từ những lo ngại về khả năng suy giảm nhu cầu toàn cầu do xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với sự bất ổn kinh tế tại các thị trường mới nổi, MarketWatch đưa tin.
Áp lực lên giá dầu cũng bao gồm đà leo dốc của dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất tại Mỹ, lấn át cả sự hỗ trợ từ đà sụt giảm của dự trữ dầu thô nội địa cũng như kỳ vọng nguồn cung dầu thô được thắt chặt hơn do liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 11 tới.
Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report, nhận định: “Căng thẳng thương mại cũng tác động tiêu cực đến năng lượng trong tuần này khi mối đe dọa về sự suy thoái kinh tế do các hàng rào thuế quan mới đã tạo áp lực sâu rộng lên các hàng hóa”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex lùi 95 xu (tương đương 1.4%) xuống 67.77 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 21/08/2018, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn mất 77 xu (tương đương 1%) còn 76.50 USD/thùng.
Vào ngày thứ Năm, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa sụt 4.3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 31/08/2018, cao hơn rất nhiều so với dự báo mất 1.2 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo giảm 2.5 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Bên cạnh đó, EIA cũng cho biết dự trữ xăng tăng 1.8 triệu thùng, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất vọt 3 triệu thùng trong tuần trước. Cả 2 đều trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 1.5 triệu thùng xăng và dự báo dự trữ sản phẩm chưng cất không thay đổi từ một cuộc thăm dò của Platts.
Hồi đầu tuần này, các hợp đồng dầu thô đã được nhấc bổng nhờ lo ngại rằng cơn bão Gordon có thể gây ra thiệt hại cho các hoạt động năng lượng tại Vịnh Mexico. Tuy nhiên, cơn bão đã suy yếu mà không gây ra ảnh hưởng đáng kể đối với sản xuất năng lượng trong khu vực. Từ đầu tuần đến nay, dầu WTI sụt gần 3%, còn dầu Brent mất hơn 1%.
Trong khi đó, lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn đã bao gồm những rủi ro liên tục đối với nguồn cung tại Iran liên qua đến các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, Mihir Kapadia, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập tại Sun Global Investors, lưu ý: “Giá dầu suy yếu nhằm phản ứng với đà giảm điểm của chứng khoán ở các thị trường mới nổi. Sự không chắc chắn ở các thị trường mới nổi đã gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư, vốn đã bất ổn bởi khả năng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang”.
Ngoài ra, sản lượng dầu thô của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng tăng như dự kiến, sau khi nhóm này cam kết sẽ nới lỏng cắt giảm sản lượng.
Một cuộc thăm dò của Platts cho thấy sản lượng của OPEC, không bao gồm thành viên mới nhất Congo, đã vọt lên 32.89 triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức cao nhất trong 10 tháng.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng lùi 0.7% xuống 1.951 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 10 mất 1.1% còn 2.209 USD/gallon.
Các hợp đồng khí thiên nhiên suy yếu sau khi EIA ghi nhận trong ngày thứ Năm rằng nguồn cung khí thiên nhiên tại Mỹ vọt 63 tỷ feet khối trong tuần kết thúc vào ngày 31/08/2018, cao hơn dự báo tăng 60 tỷ feet khối từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 10 giảm 0.8% xuống 2.772 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|