Dầu WTI giảm hơn 1.5% xuống thấp nhất trong 1 tuần
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm mạnh xuống mức đóng cửa thấp nhất trong 1 tuần vào ngày thứ Tư (05/09), khi cơn bão lớn đi qua Vịnh Mexico không ảnh hưởng nhiều đến phần lớn các hoạt động dầu mỏ và khí thiên nhiên trong khu vực, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex lùi 1.15 USD (tương đương gần 1.7%) xuống 68.72 USD/thùng – mức đóng cửa thấp nhất trong 1 tuần.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn mất 90 xu (tương đương gần 1.2%) còn 77.27 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày thứ Tư tuần trước (29/08).
Dự báo cơn bão Gordon sẽ mạnh hơn và đổ bộ vào ngày thứ Ba đã giúp giá dầu tăng hôm thứ Ba, trong đó dầu Brent tích tắc vọt lên gần mốc 80 USD/thùng. Tuy nhiên, Stephen Brennock, Chuyên gia phân tích tại PVM Oil Associates, cho biết: “Cơn bão cuối cùng đã suy yếu đáng kể và đi chệch khỏi các khu vực sản xuất dầu”.
Báo cáo của Cục An toàn và Thực thi Môi trường Mỹ vào trưa ngày thứ Tư cho biết đã có 48 giàn khoan dầu, chiếm khoảng 7% tổng số giàn khoan tại Vịnh Mexico, vẫn còn được sơ tán để tránh bão. Sản lượng dầu và khí thiên nhiên tại vùng Vịnh lần lượt mất khoảng 9.3% và 10.4%.
Giá đã được thúc đẩy trong những tuần gần đây và có khả năng vẫn được hỗ trợ trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Iran đang giảm với tốc độ nhanh hơn dự báo, trong khoảng thời gian đến tháng 11 khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này có hiệu lực.
Bên cạnh đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh như Nga đã đồng ý hồi cuối tháng 6 để bắt đầu gia tăng sản lượng dầu thô sau hơn 1 năm kìm hãm sản lượng. Một cuộc thăm dò của Bloomberg trong tuần này cho biết sản lượng của OPEC trong tháng 8 vọt 420,000 thùng/ngày lên 32.74 triệu thùng/ngày – mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, Fawad Razaqzada, Chuyên gia phân tích thị trường tại Forex.com, cho biết: “E ngại nhu cầu của Trung Quốc có thể là một yếu tố cuối cùng gây sức ép làm giảm giá dầu”.
“Một phần, điều này là do sức mạnh của đồng USD, vốn đang tạo áp lực đối với đồng tiền của các thị trường mới nổi, bao gồm đồng Nhân dân tệ”, ông Razaqzada bổ sung. Tuy nhiên, vào ngày thứ Tư, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – lùi 0.3% và gần như đi ngang từ đầu tuần đến nay.
Nhà đầu tư cũng đang hướng đến số liệu cập nhật về nguồn cung xăng dầu tại Mỹ. Cụ thể, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố dữ liệu định kỳ về nguồn cung dầu thô tại Mỹ vào thứ Năm, còn báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ (API) sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Tư. Cả 2 báo cáo này đều công bố trễ 1 ngày trong tuần này vì nghỉ Lễ Lao động (Labor Day) hôm thứ Hai.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 10 lùi 1.5% xuống 1.965 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 10 mất 0.9% còn 2.235 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 10 giảm 1% xuống 2.795 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|