Góc nhìn tuần 01/10 - 05/10: Tiếp tục tăng điểm?
Theo dự báo của SHS, trong tuần giao dịch tiếp theo (01/10 - 05/10), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với mục tiêu gần nhất là ngưỡng kháng cự 1,025 điểm (MA200 ngày).
Tiếp tục tăng điểm
CTCK Sài Gòn-Hà Nội (SHS): Thị trường có thêm một tuần giao dịch tích cực nữa với việc thanh khoản gia tăng tốt lên khoảng 4,800 tỷ đồng mỗi phiên trên cả 2 sàn, qua đó giúp VN-Index vững vàng trên mốc tâm lý 1,000 điểm. Đáng chú ý, trên đồ thị tuần, VN-Index đã lấy lại được tín hiệu dài hạn tích cực sau khi vượt thành công kháng cự 1,010 điểm tương ứng với đường MA50 tuần.
Bên cạnh đó, khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng trong tuần qua với khoảng 450 tỷ trên hai sàn. Tất cả những yếu tố trên cùng với việc FTSE Russell thêm Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai (secondary emerging) sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho tâm lý nhà đầu tư trong thời gian tới. Theo đó, xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về tăng nhiều hơn.
Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (01/10 - 05/10), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với mục tiêu gần nhất là ngưỡng kháng cự 1,025 điểm (MA200 ngày). Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi trong giai đoạn này và chỉ nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trên trung bình để dễ dàng phản ứng với diễn biến của thị trường chung. Nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực.
Vùng kháng cự dài hạn 1,020 - 1,030
CTCK Asean (Asean Securities): Phiên giao dịch thứ Sáu (28/09), thông tin tích cực từ GDP quý 3 nhanh chóng giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 1,020 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời tăng mạnh đã làm thu hẹp đáng kể đà tăng. Điểm nhấn của thị trường là cổ phiếu STB khi khớp hơn 27 triệu cổ phiếu và đóng cửa ở mức giá trần, trong đó nước ngoài mua hơn 9.7 triệu cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 1.76 điểm, đóng cửa ở mức 1,017.13. Thanh khoản HOSE duy trì ở mức cao với gần 250 triệu cổ phiếu, giá trị gần 6,200 tỷ đồng. Về phía nước ngoài, họ mua ròng gần 220 tỷ đồng trên HOSE.
Về kỹ thuật, Asean Securities cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự dài hạn 1,020 - 1,030 điểm (bao gồm đường MA(150) và MA(200), tương ứng với ngưỡng 1,027 điểm và 1,026 điểm), đây được coi là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Trong kịch bản tiêu cực, nếu thủng 2 ngưỡng hỗ trợ gần là 1,013 điểm và 1,007 điểm, tương ứng MA(5) ngày và MA(50) tuần, thì vùng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index được dự báo ở mức 990 - 1,000 điểm.
Vùng kháng cự 1,024 - 1,027
CTCK Bảo Việt (BVS): Diễn biến tích cực trong 2 phiên cuối tuần đã đưa chỉ số VN-Index tiếp cận vùng kháng cự 1,024 - 1,027 điểm, áp lực bán có thể gia tăng. Trong tuần tới, thị trường nhiều khả năng vẫn duy trì xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn với các phiên tăng giảm đan xen.
VN-Index tiếp tục tăng 0.21% lên 1,017.5 điểm. Đây là tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp với khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao.
Thanh khoản phiên 28/09 đạt 246 triệu cổ phiếu, tăng trở lại nhờ vào sự hấp dẫn của nhóm các cổ phiếu ngân hàng. Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng điểm. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trở lại tăng điểm, là trụ đỡ tốt giúp VN-Index có diễn biến tích cực.
Tuần tới, VN-Index sẽ tiệm cận dần vùng kháng cự 1,024 - 1,027. Áp lực chốt lời sẽ gia tăng, VN-Index có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh 15 - 20 điểm. Tuy nhiên, hiện dòng tiền đang vào thị trường khá tốt, cùng với đó là sự đồng thuận của khối ngoại nên xu hướng tăng vẫn có thể duy trì.
Tỷ trọng danh mục có thể duy trì ở mức trên trung bình và khống chế tối đa ở mức 70% cổ phiếu trong giai đoạn này. Ưu tiên các hoạt động nắm giữ cổ phiếu. Các vị thế mua chỉ nên thực hiện trong các phiên điều chỉnh và ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục. Có thể xem xét bán trading giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự BVS đề cập ở trên.
Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại 1,024 - 1,027 điểm và quanh 1,050 điểm. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 990 - 993 điểm và 980 - 985 điểm.
Nguyên Ngọc
FILI
|