Dầu vọt gần 1.5% nhờ dấu hiệu OPEC không nâng sản lượng
Các hợp đồng dầu thô tương lai đảo chiều tăng hơn 1% trong ngày thứ Ba (18/09), khi các rủi ro tác động tới nguồn cung dầu thô toàn cầu leo thang trước khi dữ liệu định kỳ công bố được kỳ vọng cho thấy dự trữ tại Mỹ giảm 5 tuần liên tiếp, MarketWatch đưa tin.
Những nhận định gần đây từ các quan chức Ả-rập Xê-út thể hiện tâm lý thỏa mái đối với đà tăng của giá dầu trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có thể làm gián đoạn sản lượng toàn cầu.
Fiona Cincotta, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại City Index, chia sẻ: “Nếu Ả-rập Xê-út cảm thấy thoải mái với đà tăng của giá dầu, điều này có nghĩa là Ả-rập Xê-út có khả năng không gia tăng sản lượng ngay lập tức để cân bằng sự thiếu hụt nguồn cung”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex tiến 94 xu (tương đương 1.4%) lên 69.85 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn cộng 98 xu (tương đương 1.3%) lên 79.03 USD/thùng.
Một báo cáo từ Bloomberg đưa tin các quan chức Ả-rập Xê-út cho biết họ không có ý định đẩy giá dầu tăng cao nhưng đang dần quen hơn đối với triển vọng tương lai giá dầu leo dốc, vốn có khả năng là kết quả từ các lệnh trừng phạt đối với Iran – dự kiến có hiệu lực trong chưa tới 2 tháng nữa. Trước đó, Ả-rập Xê-út, nhà sản xuất hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đã dường như thuận theo những lời phàn nàn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng giá dầu thô đang quá đắt đỏ.
Những nhận định từ Ả-rập Xê-út được đưa ra trước khi cuộc họp của Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung (JMMC) diễn ra vào ngày 23/09/2018 tại Algiers. Ủy ban này có nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu của thỏa thuận cắt giảm sản lượng được đáp ứng. Hồi tháng 6, OPEC cho biết các thành viên cùng với các nhà sản xuất đồng minh đã đồng ý gia tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày để kìm hãm cắt giảm sản lượng và tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Bên cạnh đó, căng thẳng leo thang giữa Nga và Israel cũng góp phần vào đà tăng của giá dầu trong ngày thứ Ba.
Ngoài ra, như dự kiến, chính quyền ông Trump đã tuyên bố áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế này sẽ được áp dụng từ ngày 24/09 và tăng lên 25% cho đến cuối năm nay. Trung Quốc đáp trả ngay khi áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Xung đột thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với lo ngại rằng căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe kinh tế toàn cầu. Nếu căng thẳng leo thang, thị trường càng lo ngại về nhu cầu dầu thô.
Nhà đầu tư cũng đang hướng đến số liệu cập nhật về nguồn cung xăng dầu tại Mỹ. Cụ thể, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố dữ liệu định kỳ về nguồn cung dầu thô tại Mỹ vào thứ Tư, còn báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ (API) sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Ba.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 10 tiến 1.4% lên 2.005 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 10 cộng 1.3% lên 2.236 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 10 vọt 4.2% lên 2.933 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|