Đại gia dược phẩm Pfizer sẽ mất bao nhiêu vì Brexit?
Các công ty châu Âu không hề đơn độc trong nỗi đau mang tên Brexit của họ. Pfizer, đại gia dược phẩm có trụ sở tại Mỹ, vừa cho biết chi phí để đối phó với cuộc “chia tay” sắp tới sẽ lên tới 100 triệu USD.
Việc tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh đe dọa làm chậm nguồn hàng tại các biên giới vốn đang được mở rộng và buộc các công ty phải tái thực hiện những công việc về mặt quản lý một cách không cần thiết. Trong một email cho Fortune, Pfizer cho biết các chi phí mà họ sắp tốn thêm là do phải chuyển giao thử nghiệm sản phẩm và giấy phép cho các quốc gia khác, thay đổi quy trình quản lý thử nghiệm lâm sàng và các biện pháp phòng ngừa khác.
Công ty này đang làm việc "để đáp ứng các yêu cầu về pháp lý của EU sau khi Anh không còn là thành viên, đặc biệt là trong các lĩnh vực về quản lý, sản xuất và chuỗi cung ứng", theo một báo cáo đề cập tới ước tính chi phí của họ vào tháng trước cho biết.
Với khoảng 2% trong tổng doanh thu 53 tỷ USD năm 2017 từ Anh, Pfizer nhấn mạnh đến tình thế tiến thoái lưỡng nan của ngành dược phẩm khi họ chuẩn bị cho một Brexit đầy khó khăn. Sự không chắc chắn về những kết quả tệ hại đã buộc các công ty như AstraZeneca, GlaxoSmithKline và Merck phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.
“Hàng trăm triệu bảng Anh đang được chi ra cho công tác chuẩn bị sẵn sàng, mà lẽ ra số tiền đó có thể đã được dành cho việc phát triển các phương pháp điều trị mới”, người đứng đầu một nhóm thương mại công nghiệp cho biết hồi tháng Sáu.
Con người và sản phẩm
Các công ty dược phẩm trên toàn thế giới từ lâu đã phụ thuộc vào khả năng di chuyển con người và hàng hóa của họ vào ra các quốc gia, do vậy sự ra đi của Anh khỏi EU có thể làm phức tạp nhiều khía cạnh trong hoạt động của họ. Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh tháng trước đã kêu gọi các nhà sản xuất dược phẩm xây dựng kho dự trữ sản phẩm đủ dùng trong 6 tuần để chuẩn bị cho những sự chậm trễ trong vận chuyển có thể xảy ra.
Phần lớn ngành công nghiệp này bắt đầu tích trữ thuốc hoặc đầu tư vào các cơ sở mới để cung cấp thuốc. AstraZeneca cho biết không thể tăng lượng hàng trong kho của một trong những loại thuốc ung thư bởi vì các cơ sở sản xuất đã hết công suất. Theo một bài báo trên tạp chí Y khoa Anh, Brexit cũng đe dọa đến nguồn cung của các đồng vị y tế được sử dụng để chẩn đoán và điều trị khoảng 1 triệu người ở nước này mỗi năm.
Các công ty lớn và nhỏ đang liệt kê chi phí từ vụ “ly dị” này. Glaxo ước tính sẽ bị mất khoảng 100 triệu USD. Dechra Pharmaceuticals, một công ty dược phẩm thú y có trụ sở tại tây bắc Anh, cho biết có thể cần chi tới 2 triệu bảng (2,6 triệu USD) trong trường hợp Brexit “cứng”, một phần là để thực hiện lại việc kiểm tra và di chuyển các đăng ký sản phẩm cho EU để tránh những rào cản thương mại.
Theo một phân tích của UBS được công bố hôm thứ Hai, Brexit đã khiến Anh mất hơn 2% sản lượng kinh tế.
Lời cảnh báo từ những nơi cách xa hàng ngàn dặm
Các công ty chăm sóc sức khỏe có trụ sở cách Anh hàng ngàn dặm đã cảnh báo về một sự tác động đến những doanh nghiệp của họ kể từ cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016. Johnson & Johnson, McKesson Corp và Regeneron Pharmaceuticals là các công ty ở Mỹ đã đưa ra cảnh báo rủi ro.
Intercept Pharmaceuticals, nhà sản xuất thuốc Ocaliva để điều trị một bệnh gan hiếm gặp có trụ sở tại New York, đã cảnh báo trong một hồ sơ ngày 7/8 rằng Scotland và Bắc Ireland có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu về việc có nên rời nước Anh hay không và rằng các nước khác có thể theo gương nước Anh rời khỏi EU.
"Khả năng để tiếp tục tiến hành các hoạt động quốc tế của chúng tôi ngoài Vương quốc Anh, nơi đang đặt trụ sở cho các hoạt động quốc tế của chúng tôi, có thể bị ảnh hưởng về vật chất và bất lợi do Brexit", công ty này cho biết.
Pfizer bắt đầu đề cập đến Brexit như là một phần của một môi trường kinh tế toàn cầu đầy thử thách trong các hồ sơ của họ hồi năm ngoái. Công ty này cho biết đang thúc đẩy Anh và EU thực hiện một thỏa thuận để giữ cho các hệ thống quản lý của họ được điều phối sau vụ “ly dị”.
Ngoài chuyện nguồn cung cấp và các vấn đề pháp lý, Pfizer cho biết họ có thể phải tổ chức lại việc quản lý các thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm trên người của các loại thuốc và thiết bị mới được tiến hành tại EU phải được tài trợ bởi một công ty có trụ sở tại khối liên minh này, và các công ty sẽ cần phải thiết lập đại diện mới tại EU cho những nghiên cứu của họ.
"Để giảm thiểu bất kỳ tác động nào có thể xảy ra cho bệnh nhân, chúng tôi đã thực hiện các công việc cần thiết để đảm bảo rằng có thể tiếp tục cung cấp sản phẩm tại EU và Vương quốc Anh, cho dù kịch bản Brexit có như thế nào đi nữa", công ty cho biết.
Lê Thanh Hải (Theo Fortune)
FILI
|