Thứ Hai, 10/09/2018 13:37

Canh cánh nợ công

Trên thế giới, nước nợ công cao là nước giàu, dân số già, trong khi Việt Nam có dân số trẻ, nghèo nhưng đã phải vay nhiều và trả nợ cao.

Khi nhà nghèo đã bước vào con đường vay nợ, sẽ cần rất nhiều nỗ lực để biến tiền vay ấy đẻ ra tiền để sống được và trả được món nợ đúng kỳ hạn. Đó là lý tưởng nhất của con nợ. Nhưng nếu các khoản vay chỉ được dùng cho việc xây thêm gian nhà, cơi nới công trình phụ, đóng học cho con cái... nghĩa là biến “tài sản” thành “tiêu sản” thì chỉ còn cách bán đất đai, đồng ruộng đi mà trả nợ.

Việt Nam đang đối diện với khó khăn kép, vừa phải chuẩn bị phương án nguồn vốn ODA giảm. Ảnh: Quý Hòa

Khó khăn kép

Câu chuyện nợ của một quốc gia cũng có thể hình dung theo cách như vậy. Thế nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi mức nợ công ước tính 35 triệu đồng/người năm 2018 và tăng lên tới hơn 40 triệu đồng/người vào năm 2020, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không bị coi là mối lo ngại lớn nhất. Nói như Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, khi nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, điều quan trọng hơn cần bàn là khả năng trả nợ như thế nào?

Câu hỏi trên không dễ trả lời. Xét về quy mô nợ, theo Bản tin Tài chính số 4/2016, nợ công Việt Nam đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2010-2015. Báo cáo công bố năm 2017 của Bộ Tài chính và World Bank cho thấy, Việt Nam đang nằm trong những quốc gia có tỉ lệ nợ/GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong vòng 5 năm. Dự kiến, nợ công Việt Nam năm 2026 sẽ cao gấp 2 lần con số hơn 2 triệu tỉ đồng vào năm 2016. Như vậy, nợ công của Việt Nam cao hơn tất cả mức trung bình các nước thu nhập trung bình, ASEAN, Mỹ Latinh, châu Phi.

Có thể thấy, Việt Nam đang đối diện với khó khăn kép, vừa phải chuẩn bị phương án nguồn vốn ODA giảm, vừa đối diện áp lực trả nợ lớn khi khoảng 50% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Kịch bản phải đi vay để đảo nợ và trả nợ gốc như chúng ta đã từng làm trong nhiều năm qua sẽ tái diễn và gánh nặng nợ công lại càng thêm nặng nề.

Hy vọng lại không đến từ khả năng chúng ta vun vén, cân đối chi tiêu để tạo ra thêm nguồn trả nợ. Thứ nhất, về khả năng “thắt lưng buộc bụng”. Điều có vẻ như không khó xoay xở dưới tay một bà nội tướng đảm đang lại gần như là nhiệm vụ “bất khả thi” với quốc gia trong nhiều năm nay. Bội chi ngân sách hằng năm lên tới 3-4% GDP vẫn được coi là điều tất nhiên và những nỗ lực hiện tại chỉ nhằm tới mục tiêu không nới trần bội chi.

Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 651.700 tỉ đồng, ngân sách cũng phải chi ra 59.300 tỉ đồng để thanh toán các khoản nợ lãi vay. Tính ra, mỗi ngày ngân sách nhà nước chi 330 tỉ đồng trả lãi vay. Thực tế phải đi vay hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm để chi tiêu trong khi nỗ lực tinh giảm biên chế, giảm chi thường xuyên vẫn dừng lại ở quyết tâm phải được coi như một nghịch lý khó hiểu.

Trải lại thảm FDI

 

Giải pháp thứ 2 đến từ khả năng nuôi dưỡng, mở rộng nguồn thu cũng bị đánh giá là không khả thi. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vượt dự toán thu ngân sách năm 2016 nằm ở khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh (9,4%); thu từ nhà, đất (97,5%); lệ phí trước bạ (19,8%). Thực trạng càng ảm đạm hơn khi mức tăng thu này dường như không đến từ nội lực đang đi lên của nền kinh tế. Hệ số Icor toàn nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 cao hơn gấp đôi mức 2,8 của giai đoạn 1996-2000, dấu hiệu rõ ràng về sự đi xuống của năng lực sản xuất.

Tăng trưởng GDP chưa bằng 1/2 tăng trưởng tín dụng trong các năm 2016-2017 không chỉ khẳng định thêm về hiệu quả khiêm tốn của đồng vốn mà còn dấy lên nỗi lo về nợ xấu mới chồng lên nợ xấu cũ. Trong bối cảnh đó, phần vượt thu từ khu vực tư nhân đến từ các điều chỉnh về thuế khóa, điều tối kỵ nếu đích đến lâu dài là nuôi dưỡng nguồn thu. Bằng chứng nhãn tiền là theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng đầu năm là 7.714 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Sẽ là những gian nan trường kỳ.

Đáng lo nhất, dù xuất khẩu đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 0,5% so với dự toán. Chúng ta buộc phải thừa nhận sự thật rằng, thành tích tăng trưởng GDP chỉ có thể góp phần kiềm chế nợ công quốc gia dưới trần 65% GDP được Quốc hội đề ra. Thảm đỏ mà chúng ta đã hào phóng trải dưới chân khối doanh nghiệp này không giúp nâng cao nội lực của nền kinh tế, cũng không góp phần giúp chúng ta dễ thở hơn dưới sức nặng nợ nần.

Tưởng như phải cần một nét cọ thần kỳ để thêm màu tươi sáng cho bức tranh đang nhiều màu nâu xám hiện tại. Nội lực của nền kinh tế chỉ đến khi bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, đưa nguồn lực quốc gia đi đúng địa chỉ sinh lời và khối đầu tư nước ngoài phải mang những giá trị tương xứng với những ưu đãi họ đang được hưởng.

Hoàng Hạnh

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   7 mặt hàng nông sản xuất khẩu mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam (10/09/2018)

>   Nếu Mỹ rút khỏi WTO cũng không làm đảo lộn quan hệ kinh tế Việt Nam và Mỹ (09/09/2018)

>   Cơ cấu FDI đầu tư tại Việt Nam 30 năm qua (07/09/2018)

>   Toàn cảnh bức tranh thành lập doanh nghiệp tháng 8/2018 (05/09/2018)

>   Bức tranh kinh tế Việt Nam 2018: Dự báo nhiều gam màu sáng (05/09/2018)

>   Cạnh tranh sòng phẳng (03/09/2018)

>   Kinh tế và tri thức Việt Nam đã mang tầm vóc mới (02/09/2018)

>   Kinh tế tháng 8/2018 qua các con số (02/09/2018)

>   Mục tiêu kiểm soát lạm phát đang "đè nặng" lên 4 tháng cuối năm (31/08/2018)

>   Thủ tướng: Không lơ là, chủ quan trong thực hiện kế hoạch cả năm (30/08/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật