Thủ tướng: Không lơ là, chủ quan trong thực hiện kế hoạch cả năm
Từ nay đến cuối năm còn 4 tháng nữa, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được lơ là, chủ quan, tổ chức thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Chiều nay, 30/8, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có thể đánh giá sơ bộ tình hình cả năm 2018 dự báo đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó, tăng trưởng GDP ước đạt 6,7%, tăng CPI dưới 4%, nợ công giảm, thu ngân sách thu vượt dự toán… Có nhiều điểm mới trong điều hành, thực hiện kế hoạch và có nhiều xu hướng tốt như chi thường xuyên giảm xuống, chi đầu tư tăng lên… Niềm tin xã hội, niềm tin thị trường gia tăng. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được bảo đảm, các cân đối lớn của nền kinh tế được tăng cường.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục, nhất là vướng mắc trong đầu tư kinh doanh, một số vấn đề xã hội bức xúc cần tập trung giải quyết.
Từ nay đến cuối năm còn 4 tháng nữa, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được lơ là, chủ quan, tổ chức thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các mặt công tác của bộ, ngành, địa phương.
Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ thường xuyên đặt ra. Tuy nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao về khả năng ứng phó của Việt Nam trước biến động tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực trong thời gian qua, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất, nhưng Thủ tướng nêu rõ, các ngành kế hoạch và đầu tư, tài chính, công thương, Ngân hàng Nhà nước phải có những giải pháp đối với các lĩnh vực còn dư địa điều hành chính sách vĩ mô, đồng thời vận dụng các chính sách vĩ mô linh hoạt, ứng phó tốt nhất với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, khu vực.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và định hướng chính sách hỗ trợ ổn định lạm phát, thị trường tài chính, duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tín dụng vào bất động sản. Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, phấn đấu giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước ở dưới mức 3,7% GDP. Thủ tướng cho biết, đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa chấp nhận bất cứ địa phương nào hụt thu, trừ trường hợp đặc biệt.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là mua sắm, hội họp, quản lý hiệu quả hơn tài sản công, đất đai, tài nguyên.
Trong tháng 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đầy đủ, cụ thể tình hình giải ngân của từng bộ ngành, địa phương; có giải pháp mạnh, trong đó kiên quyết cắt giảm để bố trí cho các công trình quan trọng, cấp bách khác theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chú trọng tiêu thụ sản phẩm, không để người nông dân chịu thiệt như đối với một số sản phẩm thời gian qua. Cần tăng năng lực hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ uy tín nông sản. Giám sát, ngăn ngừa đánh bắt cá trái phép.
Triển khai các giải pháp để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Có giải pháp cụ thể phòng, chống thiên tai, bão lũ trong mùa mưa bão này, đặc biệt, lũ đang lên rất cao ở miền Tây Nam Bộ, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, tính mạng của người dân, nhất là trẻ em.
Về công nghiệp và thương mại, cần tập hoàn thành những công trình trọng điểm và then chốt nhằm gia tăng năng lực sản xuất, chế biến chế tạo, điện lực, giao thông vận tải, hóa dầu. Phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng đề nghị chuẩn bị tổ chức tốt Hội nghị thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong tháng 9/2018.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương, các ngành rà soát, đánh giá, báo cáo cụ thể tình hình thực hiện các FTA, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn, đề xuất giải pháp phù hợp để hướng tới cân bằng thương mại bền vững.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Những dự án trọng điểm quốc gia về giao thông vận tải như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam... cần quan tâm chuẩn bị công tác đầu tư kịp thời hơn, tốt hơn. Phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2018 - 2019.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu năm nay phấn đấu, lượng khách quốc tế đạt trên 15 triệu lượt. Thủ tướng đã biểu dương thành tích xuất sắc của Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chuẩn bị tốt công tác tổ chức khai giảng năm học 2018-2019 theo tinh thần không để thiếu phòng học, thiếu giáo viên, đặc biệt là bảo đảm các nhà vệ sinh trong trường học hợp vệ sinh.
Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại cần tiếp tục tăng cường, làm tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, đặc biệt chú trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối dịp Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và Hội nghị WEF ASEAN sẽ diễn ra trong tháng 9.
Về các báo cáo, đề án trình Trung ương, Quốc hội tại kỳ họp tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chủ trì tập trung hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, yêu cầu thời gian.
Đức Tuân
Chính phủ
|