Việt Nam có chịu sức ép từ sự mất giá của đồng Nhân dân tệ?
Đà suy giảm của Nhân dân tệ đã chững lại trong tuần này, sau các nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Trong ngày thứ Hai (06/08), PBoC đã nói với các ngân hàng thương mại rằng họ có các công cụ để ổn định hóa thị trường và thúc giục các ngân hàng né tránh “hành vi bầy đàn” trên thị trường ngoại hối, theo nguồn tin từ Bloomberg News. Dù vậy, sức ảnh hưởng từ đà giảm 4.7% của Nhân dân tệ trong năm 2018 có thể chỉ mới bắt đầu lan ra những quốc gia láng giềng, trong đó có cả Việt Nam.
Trong 2 tuần vừa qua, đồng Việt Nam (VND) đã dần tiến gần hơn tới mức cao nhất của phạm vi dao động 3% mỗi ngày so với USD, khi các chuyên viên giao dịch (trader) đặt cược vào khả năng suy giảm nhanh hơn của đồng Việt Nam.
Cũng như Nhân dân tệ, đồng Việt Nam được neo một cách lỏng lẻo theo USD.
Các trader tiền tệ đang đặt cược vào khả năng giảm giá thêm trong tương lai, sau khi chứng kiến những phản ứng của Việt Nam trước đà giảm của Nhân dân tệ trong quá khứ. Vào ngày 12/08/2015, một ngày sau khi Trung Quốc gây chấn động cả thị trường toàn cầu với quyết định phá giá Nhân dân tệ, Việt Nam đã phải nới rộng phạm vi dao động của đồng Việt Nam. Khép lại năm đó, tỷ giá USD/VND tăng 3% và trên thị trường tự do tỷ giá này tăng 5.1%.
Sự suy giảm của đồng Việt Nam trong năm nay chỉ mới bằng 50% đà lao dốc của Nhân dân tệ, qua đó cho thấy đồng Việt Nam có khả năng suy giảm thêm – nhất là nếu Nhân dân tệ tiếp tục mất giá.
Vẫn chưa rõ Trung Quốc nghiêm túc ra sao trong việc ngăn chặn đà giảm của Nhân dân tệ. Thay vì sử dụng dự trữ ngoại hối để ngăn chặn đà giảm, Bắc Kinh phần lớn sử dụng hợp đồng hoán đổi tiền tệ (currency swap) để ổn định tỷ giá giao ngay của Nhân dân tệ. Đây là một công cụ kém hiệu quả hơn vì các trader có thể đơn giản đặt cược vào đà giảm của Nhân dân tệ ở nước ngoài thay vì trong nước.
Các trader Việt Nam cũng có thể hoài nhi về những nhận định của Trung Quốc. Vào ngày 03/07/2018, Thống đốc PBoC, Yi Gang, nói rằng về cơ bản, Trung Quốc sẽ “giữ tỷ giá Nhân dân tệ ổn định tại mức hợp lý và cân bằng”. Nhưng đồng tiền này lại giảm thêm 2.5% trong tháng kế tiếp. Trong số 12 đồng tiền châu Á thì Nhân dân tệ đang là đồng tiền giảm mạnh nhất so với USD trong tháng vừa qua.
NHNN Việt Nam có thể bị buộc phải can thiệp vào thị trường. Trong 1 tuần của tháng 7/2018, họ đã bán ra hơn 2 tỷ USD cho các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu về đồng USD, tờ Saigon Times ghi nhận.
Việt Nam tỏ ra lưỡng lự khi hỗ trợ thị trường vào thời điểm này. Không như năm 2015, lạm phát hiện đang là một vấn đề đáng ngại. Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao nhất ở Đông Nam Á về nhiều phương diện, trong đó kim ngạch nhập khẩu chiếm gần 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Kết quả là Việt Nam dễ bị tác động trước áp lực giá cả. Theo ước tính của HSBC Holdings Plc, đồng Việt Nam giảm 1% có thể làm lạm phát tổng thể tăng 0.25%.
Hai năm trước nhờ quan điểm “bồ câu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giải phóng áp lực lên Nhân dân tệ, nay Việt Nam không thể dựa vào đó nữa. Fed giờ đã trở nên “diều hâu" hơn và quyết tâm không đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng quá nhiệt bằng cách nâng lãi suất từ từ.
Nếu áp lực thị trường tiếp tục đeo bám thì Việt Nam sẽ bị buộc vào tình thế nâng lãi suất, giống như các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia và Philippines.
Tốt hơn là hãy mong PBoC có ý định nghiêm túc như những gì họ nói.
* Bài viết dựa trên quan điểm của bình luận viên Shuli Ren trên Bloomberg Opinion
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|