Thứ Năm, 02/08/2018 10:23

Mất cân bằng toàn cầu quá mức: Rủi ro hay cơ hội?

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) cuối tháng 7 vừa qua đưa ra phát hiện quan trọng về sự thay đổi mức độ mất cân bằng toàn cầu (Global imbalances), trong đó đặc biệt 40% - 50% tình hình số dư tài khoản vãng lai (Current account) của các quốc gia đang ở tình trạng được đánh giá là mất cân bằng quá mức (Excessive imbalance) [1]. Chỉ số về mất cân bằng toàn cầu đã duy trì không thay đổi trong nhiều năm qua, gần đây chỉ số này mới dao động vượt ngưỡng mất cân bằng phù hợp (Appropriate imbalance) và dấy lên nhiều lo ngại cho nền kinh tế toàn cầu.

Sự mất cân bằng quá mức ở nhiều quốc gia đã gây nên sự mất cân bằng quá mức toàn cầu. Trong đó dẫn đầu nhóm có số dư tài khoản vãng lai thặng dư quá mức so với mức phù hợp và quá mức so với mong đợi của chính quốc gia đó là các quốc gia trong khu vực châu Âu (Đức và Hà Lan), tiếp theo là các nước có nền kinh tế tiên tiến (Advanced economies) (Hàn Quốc, Singapore và Thụy Điển) và dĩ nhiên có sự đóng góp to lớn của Trung Quốc. Nhóm có tài khoản vãng lai thâm hụt quá mức kỳ vọng là Mỹ, Anh, một số nước đang mang nợ lớn ở khu vực EU, và một số quốc gia thuộc nhóm thị trường mới nổi (Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ).

Tình trạng mất cân bằng tài khoản vãng lai tính theo % GDP toàn cầu. Nguồn: Báo cáo của quỹ tiền tệ quốc tế IMF, tháng 7 năm 2018 [2]

Tình trạng mất cân bằng tài khoản vãng lai của Mỹ và Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc đang trong tâm bão của “cuộc chiến thương mại” khi chính quyền Trump vừa đe doạ đánh thuế thêm 200 tỷ USD lên hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy sự thay đổi lớn ở tài khoản vãng lai Trung Quốc khi lần đầu tiên kể từ năm 2015 con số này đổi chiều từ thặng dư sang thâm hụt vào năm nay 2018, lần đầu tiên sau một thời gian dài bền vững thặng dư.

Tình trạng tài khoản vãng lai của Trung Quốc từ 2008 đến 2018. Nguồn: Trading Economics [3]

Ngược hoàn toàn với Trung Quốc, số dư tài khoản vãng lai của Mỹ luôn luôn duy trì ở dạng thâm hụt.

Tình trạng tài khoản vãng lai của Mỹ từ 2008 đến 2018. Nguồn: Trading Economics [4]

Tình hình nước ta 10 năm trở lại đây, tài khoản vãng lai của Việt Nam có giai đoạn thặng dư, có giai đoạn thâm hụt.

Tình trạng tài khoản vãng lai của Việt Nam từ 2008 đến 2018. Nguồn: Trading Economics [5]

Mất cân bằng toàn cầu là gì?

Một quốc gia có tài khoản vãng lai thâm hụt (Current account deficit) khi họ chi tiêu nhiều tiền để mua hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu hơn so với lượng tiền họ thu được từ xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Nói một cách đơn giản nghĩa là lượng tiền chi ra khỏi quốc gia đó nhiều hơn so với lượng tiền thu về.

Tài khoản vãng lai ở trạng thái thặng dư hay thâm hụt là do tiền quốc gia đó chi trả cho hàng hoá, dịch vụ, các khoản đầu tư, tiền lương, các khoản trợ cấp cho lao động nước ngoài và cả những khoản tiền người dân gửi ra nước ngoài cho người thân, bạn bè...  ở nước ngoài. Nguồn tiền cho tài khoản vãng lai được trích từ tài khoản tài chính (Financial account) nguồn tiền quốc gia chi trả ra ngoài nước và tài khoản vốn (Capital account) là nguồn tiền quốc gia thu về trong nước thông qua việc mua bán những tài sản, hàng hoá hữu hình, mua bán ngoại tệ và từ nguồn vốn đầu tư FDI (Foreign Direct Investment).

Tình trạng thâm hụt hay thặng dư của tài khoản vãng lai được đánh giá tốt hay xấu dựa vào nguyên nhân vì sao nó thâm hụt/thặng dư và cách thức làm sao để thanh toán cho khoản tiền đó. Ví dụ như một quốc gia có thể có tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai ở một thời điểm nào đó, mà nguyên nhân là do họ nhập khẩu hàng hoá là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hoá để xuất khẩu sau này, và cuối cùng lại tạo nên thặng dư tài khoản vãng lai. Hoặc một tình trạng thâm hụt cũng có thể xảy ra đối với một quốc gia hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, dòng tiền đổ vào đầu tư cho sản xuất kinh doanh trong nước, thặng dư kinh doanh sinh ra chi trả cho lãi suất cho các nhà đầu tư nước ngoài và đồng thời làm cho kinh tế nội địa phát triển. Hoặc một quốc gia chi tiêu nhiều để tạo ra hàng hoá xuất khẩu có giá trị cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Tuy nhiên, thâm hụt tài khoản vãng lai trong dài hạn để lại gánh nặng về nợ và lãi vay cần chi trả trong tương lai, và làm cho quốc gia đó đối mặt với áp lực tài chính và chính trị từ nhà cung cấp nước ngoài.[6]

Vì sao mất cân bằng toàn cầu quá mức là một mối lo ngại?

Khi đánh giá sức khoẻ nền kinh tế, một quốc gia có tài khoản thâm hụt không đồng nghĩa với việc sức khoẻ nền kinh tế đó không tốt, kể cả ngân sách thặng dư cũng vậy, mà điều cần hướng tới là tình trạng cân bằng phù hợp thực sự đối với bối cảnh kinh tế riêng của từng quốc gia. Một quốc gia vay mượn quá nhiều, hay thặng dư quá lớn đều không bền vững (Unsustainable), dưới góc nhìn kinh tế học đều là tình trạng quá mức (Excessive). Khi tình trạng mất cân bằng quá mức (Excessive imbalance) xảy ra ở quy mô toàn cầu thay cho cân bằng phù hợp (Appropriate imbalance) thì hệ lụy của nó là căng thẳng thương mại, điều đó có thể làm cho các quốc gia cho vay muốn rút vốn dẫn đến mối quan ngại cho các nước có ngân sách thâm hụt và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng rủi ro.

Điều lo ngại nhất khi tình trạng mất cân bằng toàn cầu quá mức một khi diễn ra trong một thời gian dài và liên tục sẽ gây tổn thương cho những nền kinh tế của những nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, chủ yếu do nguyên nhân dòng tiền khối ngoại có thể đột ngột rút vốn khi bối cảnh kinh tế gây cho họ cảm giác bất ổn và không chắc chắn.

Giải pháp nào cho những quốc gia đang phát triển?

Theo quan điểm của Cố vấn kinh tế kiêm Giám đốc Nghiên cứu của IMF, ông Maurice Obstfeld, tất cả các quốc gia cần phải hợp tác để đưa sự mất cân bằng về mức phù hợp. Những nước có thặng dư lớn nên tăng chi tiêu, chẳng hạn như chi tiêu vào cơ sở hạ tầng, trong khi các nước đang thâm hụt lớn cần chủ trương thắt lưng buộc bụng hơn. Bởi vì một tình trạng cân bằng giữ ở mức phù hợp trên toàn cầu sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế của tất cả mọi quốc gia.

Đối diện với tình trạng vượt ngưỡng trong cân bằng toàn cầu này, các quốc gia có thặng dư lớn đang có những khoản đầu tư, cho vay lớn ở những nước đang phát triển có thâm hụt vượt ngưỡng phù hợp sẽ có tâm lý lo ngại về tính an toàn cho khoản đầu tư của họ và xem xét phương án rút vốn để bảo toàn. Việt Nam và các quốc gia đang phát triển muốn tránh những tổn thương cho thị trường nội địa gây ra từ việc rút vốn này, cần có những động thái chiến lược để trấn an tâm lý. Cần chủ động vạch ra những phương án, chủ động trình bày với đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Công tác trấn an cần thực hiện ở cấp độ quốc gia, một cách chủ động từ chính phủ và Nhà nước, các ban ngành để chứng minh sự ổn định vĩ mô và đường hướng phát triển cụ thể. Công tác trấn an đồng thời cần phải thực hiện ở cấp độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các thị trường thặng dư lớn nên chủ động đối thoại, thoả thuận, cam kết, thảo luận càng chi tiết, càng trực tiếp càng tốt để dòng vốn ngoại không cảm thấy bất an.

Tại khu vực Châu Á, Việt Nam là quốc gia vừa được Fitch nâng lên hạng BB [7], là một trong số ít các quốc gia đang phát triển còn duy trì được tốc độ tăng trưởng hơn 6% một năm, cùng nhóm với Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines [8]. Chúng ta đang là một điểm đến hấp dẫn so với các nước trong khu vực, tiềm năng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong tương lai gần. Trong bối cảnh dòng vốn rút ra từ nhiều thị trường thâm hụt lớn tiềm ẩn rủi ro, họ sẽ cần tìm ra một điểm đến mới, và đó là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta nắm bắt được thời cơ và biết cách để đón mời nguồn vốn. Cần có những bước đi thông minh và đầy tính cạnh tranh, vừa để phòng vệ rủi ro, vừa nhằm tận dụng bất ổn chung của thế giới để thu hút đầu tư nước ngoài, tìm ra cơ hội phát triển kinh tế trong nước. Rủi ro bản chất luôn luôn tồn tại, mọi lúc, mọi nơi, quan trọng nhất là chúng ta có thể nhận thấy rủi ro và đưa ra phương án quản lý thông minh để biến rủi ro thành cơ hội phát triển.

Dữ liệu trích dẫn trong bài viết:

[1] Trading Economics, “United States Current Account,” 2018 <https://tradingeconomics.com/united-states/current-account>.

[2] Trading Economics, “Vietnam Current Account,” 2018 <https://tradingeconomics.com/vietnam/current-account>.

[3] Trading Economics, “China Current Account,” 2018 <https://tradingeconomics.com/china/current-account>.

[4] Trading Economics, “Vietnam Current Account.”

[5] Reem Heakal, “Exploring the Current Account in the Balance of Payments,” Investopia, 2018 <https://www.investopedia.com/insights/exploring-current-account-in-balance-of-payments/>.

[6] IMF, “World Economic Outlook: Less Even Expansion, Rising Trade Tensions,” 2017, 1–9 <http://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2018/07/02/world-economic-outlook-update-july-2018>.

[7] Fitch, Fitch Upgrades Vietnam to “BB”; Outlook Stable, 2018 <https://www.fitchratings.com/site/dodd-frank-disclosure/10030629>.

[8] Nguyen Dieu Tu Uyen, “Global Trade Risks Cloud Vietnam’s Outlook as GDP Grows 6.8%,” Bloomberg, 2018 <https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-06-29/vietnam-s-economy-expands-6-8-in-second-quarter-from-year-ago>.

ThS. Đinh Hạ Vân

FILI

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới trồi sụt sau cuộc họp của Fed (02/08/2018)

>   Dầu giảm mạnh khi nguồn cung tại Mỹ bất ngờ tăng gần 4 triệu thùng (02/08/2018)

>   Vàng thế giới giảm liền 4 tháng bất chấp đà tăng trong phiên (01/08/2018)

>   Dầu giảm mạnh và sụt hơn 5% trong tháng 7 (01/08/2018)

>   Vọt hơn 2%, dầu WTI vượt mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên trong gần 3 tuần (31/07/2018)

>   Nga bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ, giảm 84% trong 2 tháng (30/07/2018)

>   Nội tệ rớt giá, Tổng thống Indonesia kêu gọi doanh nghiệp chuyển ngoại tệ về nước (28/07/2018)

>   Facebook bị kiện vì giá cổ phiếu rớt thảm (28/07/2018)

>   Những lần cổ phiếu Facebook mất giá thảm (28/07/2018)

>   Vàng thế giới giảm 3 tuần liên tiếp (28/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật