Nikkei: Việt Nam có thể là quốc gia bị tác động mạnh nhất ở Đông Nam Á vì cuộc chiến thương mại
Việt Nam, Philippines và Indonesia có nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó Việt Nam có khả năng bị tác động nặng nhất vì kim ngạch xuất khẩu cao, dựa trên một nghiên cứu của FT Confidential Research.
Sự kiện “taper tantrum” vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Đồng tiền của các quốc gia thị trường mới nổi đã biến động mạnh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi đó là Ben Bernanke cho biết trong tháng 5/2013 rằng Fed sẽ bắt đầu giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu. |
So với giai đoạn năm 2013, thời điểm xảy ra hiện tượng "taper tantrum", năm nền kinh tế lớn nhất trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhìn chung có khả năng chống chịu tốt hơn trước các bất ổn thị trường.
Thế nhưng, họ vẫn chưa chuẩn bị cho một giai đoạn suy giảm dài của nhu cầu toàn cầu – một trường hợp có thể diễn ra vì các biện pháp bảo hộ “ăn miếng trả miếng” từ phía Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam có khả năng bị tác động trực tiếp từ sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, thì tình trạng tài khoản vãng lai “mong manh” của Philippines và Indonesia lại khiến họ dễ bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán.
Cho tới nay, Nhà Trắng đã áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và kế đó là hàng rào thuế quan lên 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 23/08. Về phía Trung Quốc, họ cũng đáp trả bằng các biện pháp thuế quan có cùng quy mô. Nếu cuộc chiến thương mại chỉ dừng lại ở đây thì 5 nền kinh tế lớn của ASEAN không cần phải lo lắng quá nhiều.
Tuy nhiên, đây có thể chỉ mới là giai đoạn khởi đầu. Chính quyền Mỹ đang xem xét áp thuế từ 10% đến 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tức hơn 500 tỷ USD. Ngoài ra, ông cũng đang xung đột với Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác của Mỹ.
Trước tình cảnh đó, khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu giờ đã được xem xét một cách nghiêm túc hơn. Rất ít quốc gia có thể miễn nhiễm trước các tác động của cuộc chiến này.
Tính cho tới nay, Việt Nam đang là quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều nhất trong nhóm 5 quốc gia trên. Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm tới 99.2% GDP.
Với tỷ trọng cao hơn rất nhiều so với những nước ASEAN, Việt Nam đã phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng trong thập kỷ vừa qua. Trong giai đoạn 2008-2017, kim ngạch xuất khẩu tăng gần gấp 4 lần. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam đạt mức 226 tỷ USD, chỉ sau Thái Lan (quốc gia đứng đầu khu vực về xuất khẩu) khoảng 17 tỷ USD.
Ở mức 43.7 tỷ USD, lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ là cao nhất trong nhóm 5 nước ASEAN, và cũng vì thế, Việt Nam khá nhạy cảm với đà giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Chính việc bán hàng hóa tới Mỹ, EU và các thị trường phát triển khác đã thúc đẩy tăng trưởng Việt Nam trong thập kỷ vừa qua.
Mối đe dọa từ cuộc xung đột thương mại đang gây thêm áp lực lên các thị trường mới nổi – vốn đang chịu sức ép từ đà tăng của đồng USD. Mặc dù nhóm 5 nước ASEAN vẫn chưa bị tác động nhiều như Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina, nhưng thị trường cổ phiếu của cả 5 nước này đều bị bán tháo mạnh, trong đó chỉ duy nhất Việt Nam giữ được phần lớn đà tăng của năm ngoái.
Đồng Peso của Philippines là đồng tiền giảm mạnh nhất trong các đồng tiền của 5 nước ASEAN, lao dốc hơn 7.3% so với đồng USD trong năm nay, kế đó là đồng Rupiah của Indonesia với 6.1%. Còn Đồng Việt Nam đã giảm 1.5% tính tới thời điểm này của năm 2018.
Đà giảm của đồng nội tệ có thể hỗ trợ cho các nền kinh kế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Chúng cũng tạo lợi ích trong dài hạn nếu như khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rút ra khỏi Trung Quốc vì họ muốn né tránh rủi ro thương mại. Ngoài ra, hàng rào thuế quan từ Mỹ còn khuyến khích Trung Quốc chuyển hướng sang các nền kinh tế ASEAN.
Tuy nhiên, đối với các nền kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn như Philippines và Indonesia, đà giảm của đồng nội tệ càng làm thâm hụt tài khoản vãng lai tăng nhanh hơn và áp lực lạm phát lớn hơn.
Philippines và Indonesia liên tục thâm hụt tài khoản vãng lai, qua đó khiến họ trở nên dễ bị tác động bởi đà giảm giá của đồng nội tệ và trong trường hợp tệ nhất là khủng hoảng cán cân thanh toán.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)
FiLi
|