Nhịp đập Thị trường 24/08: VN-Index chút nữa là có đủ 5 phiên tăng
VN-Index lại một lần nữa hồi phục trong phiên chiều nay, sớm vượt lên trên tham chiếu sau vài phút giao dịch. Dù mức tăng không lớn (so với tham chiếu) nhưng chỉ số này duy trì đa số sắc xanh trong phiên chiều, tiếc thay trong 15 phút ATC cuối cùng, chỉ số lại quay trở lại sắc đỏ, với mức giảm vỏn vẹn 0.03%. Sự sụt giảm bất ngờ và hơi tiếc nuối này đến từ nhóm largecap, trong đó đáng kể nhất là VCB, VIC, MSN…
15h: Nhóm VN30 có 14 mã tăng giá so với 11 mã giảm giá, tình thế đảo ngược so với phiên sáng, nhưng chỉ số vẫn giảm nhẹ 0.05% do các mã giảm lại có mức vốn hóa quá lớn. Tuy nhiên, nhóm midcap và smallcap vẫn có rất nhiều sắc xanh, 2 chỉ số của 2 nhóm này cũng tăng khá tốt.
Sàn HNX và UPCoM có diễn biến tốt hơn nhiều HOSE trong phiên chiều. 2 chỉ số chính 2 sàn này đều tăng hơn tham chiếu và duy trì ổn định đến cuối phiên. Trong số các largecap sàn HNX, VCG tăng đến 5.1%, thậm chí PHP tăng trần 9.1%. Tương tự, chỉ số UPCoM-Index tăng nhờ ACV, LTG, MSR, QNS, MCH…, không ít trong số các largecap đó vốn giảm giá trong phiên sáng.
Nhóm ngân hàng diễn biến cũng khá bất ngờ. VCB giảm, nhưng BID và CTG lại bật tăng. ACB tăng sớm từ nửa cuối phiên sáng và duy trì sắc xanh suốt phiên chiều. Nhìn chung số cổ phiếu tăng, vốn lưa thưa trong phiên sáng, đến cuối phiên chiều đã nhiều hơn số cổ phiếu giảm.
Nhóm dầu khí cũng chuyển biến tốt trong phiên chiều, có lẽ nhờ sức lan tỏa của thị trường. GAS tăng giá 1.1%, nhiều mã lớn khác cũng tăng theo, đáng kể nhất là PVS tăng 3% nhờ khối ngoại mua ròng mạnh 1.18 triệu cp. Tuy nhiên, cũng có một số mã giảm đáng tiếc như BSR hay OIL…
SBT lại tăng giá, hôm nay tăng gần 3% lên 19,750 đ/cp, với khối lượng khớp cũng khá khủng, gần 6 triệu cp. Điều thú vị là cổ phiếu này tăng giá ngay sau khi một số lãnh đạo cấp cao của tập đoàn mua vào thành công.
11h30: Cuộc chiến tâm lý – Chốt lời hay không khi chỉ số đang up?
Sau mô hình vai đầu vai kinh điển, VN-Index chợt giảm sâu hơn với tốc độ mạnh hơn so với đầu phiên sáng, rồi lại xuất hiện tín hiệu hồi. Dường như nhà đầu tư đang rất muốn chốt lời, nhưng cũng sợ bán sớm khi giá nhiều cổ phiếu lẫn chỉ số đang có những chỉ báo kỹ thuật tích cực.
Chỉ số kết thúc phiên sáng nay ở 985.67 điểm, giảm 0.17% nhưng là một con số khá đẹp. Thị trường lại hy vọng vào một phiên chiều hồi phục giống không ít ngày giao dịch trong tháng 8. Tuy nhiên, lưu ý rằng VN-Index đã tăng điểm 6 phiên liên tiếp, nên nếu giảm hôm nay thì cũng không có gì bất thường.
VIC giảm nhẹ, VHM đứng giá, VRE vẫn tăng nhẹ, do đó VN-Index có lẽ chịu ảnh hưởng từ nhóm VN30, mà chỉ số nhóm này lại giảm mạnh hơn chỉ số chính. Hiện có đến 22 mã giảm giá so với 6 mã tăng. KDC giảm mạnh nhất trong nhóm, gần 4% có lẽ vẫn là hậu quả để lại từ việc bị loại khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ của HOSE. Trong nhóm tăng, bất ngờ nhất lại là HSG (+1.9%), dù hôm qua ngay cả một tờ báo chuyên môn sâu như Saigon Times cũng dành 2 trang bản cứng để nhắc đến tình trạng khó khăn của doanh nghiệp này.
Nhóm ngân hàng cũng có một số chuyển biến tích cực, trong đó nổi bật nhất là ACB và BID. ACB đã bất ngờ tăng hơn 700 đồng/cp lên 38,700 đồng/cp nhờ lực cầu mạnh lên kể từ sau 11h.
BMI gây bất ngờ cho nhóm bảo hiểm khi tăng trần sáng nay lên 20,750 đồng/cp. Nhóm bảo hiểm thường ít thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, và thường coi là nhóm phòng thủ. Trong nhóm này, có lẽ BVH là nổi bật nhất, tuy nhiên sáng nay đành phải nhường “sân khấu” cho BMI.
Nhóm dầu khí có sự phân hóa, dù hôm qua giá dầu thế giới trải qua phiên giao dịch rất yên bình. GAS và một số largecap tăng giá như PVD, PVS, nhưng một số largecap khác lại giảm, như BSR hay OIL. Tăng mạnh nhất là PGD, nhưng đáng lưu ý nhất là PVD khi cổ phiếu này tự dưng tăng hơn 350 đồng trong 30 phút cuối phiên sáng, nhờ khối nội đẩy giá.
Nhóm BĐS dân dụng đang có nhiều mã tăng giá, có lẽ liên quan đến dự Luật đặc khu. Không chỉ CEO đang tăng sát trần, nhiều mã khác cũng tăng kha khá như DIG, SCR hay VCG.
KDC sau khi giảm về 28,900 đ/cp thì bắt đầu có dấu hiệu giật trở lại và đang dao động liên tục trong phạm vi 29,000-29,500 đ/cp. Có lẽ đang có tình trạng bắt đáy ở ngưỡng này.
Theo Moody's, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6.4% trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2022. Nhận định này nằm trong báo cáo tổng hợp về kinh tế và tín dụng Việt Nam (bao gồm cả việc nâng hạng tín dụng cho Việt Nam lẫn 14/16 ngân hàng trong nước). Tuy nhiên mức 6.4% cũng khá ngạc nhiên vì nó vẫn thấp hơn mục tiêu kế hoạch của Chính phủ lẫn dự báo của một số tổ chức nước ngoài khác.
Cổ phiếu YEG tăng giá nhẹ khoảng 1.7% sau khi giảm sàn ngày hôm qua. Tập đoàn Yeah1 vừa công bố BCTC hợp nhất và báo cáo riêng đã soát xét trong Q2/2018, theo đó doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm nhẹ 0.3% và 2% so với số liệu tự lập. Ngược lại, trên BCTC riêng soát xét, vì ghi nhận tăng cổ tức được chia từ công ty con cũng như điều chỉnh giảm chi phí phát triển kênh, lợi nhuận sau thuế tăng 19%. Dù vậy, có lẽ do khoản tiền “phát hành thêm” qua hình thức giao dịch thỏa thuận trong ngày thứ hai khi YEG chào sàn HOSE vẫn chưa quay lại với doanh nghiệp, nên với hiện trạng 6 tháng, có lẽ cổ phiếu YEG vẫn hơi mắc. Nhà đầu tư vẫn đặt lệnh rất dè dặt trên cả 2 bên cầu và cung, chỉ khoảng vài lô cho mỗi bước giá.
Sáng nay NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm 22,688 đồng, tăng 10 đồng so với hôm qua. Trong biên độ cho phép, USD được giao dịch quanh mức 22,007 - 23,369 đồng. Tỷ giá mua vào – bán ra tại các nhà băng cũng tăng khoảng 10-30 đồng. Mức quy đổi phổ biến của hệ thống vào khoảng 23,240 - 23,320 đồng. Tỷ giá tự do vẫn cao hơn, khoảng 23,500 đồng. Hiện giờ có lẽ chả có tổ chức nào dự báo tỷ giá sẽ quay về 23,000 đồng nữa.
10h30: Dao động “vai – đầu – vai”
VN-Index đang dao động theo hình chữ W trong hơn nửa đầu phiên sáng nay, phản ánh tâm lý muốn phục hồi, nhưng mỗi lần gần đạt tham chiếu thì bên cung lại bung hàng. “Tình trạng” đó diễn ra trên một số largecap như FPT, ROS… Ngoài ra, VIC, FPT quay đầu giảm, CTG, VCB… giảm sâu hơn cũng gia tăng áp lực lên chỉ số chính sàn HOSE.
Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc hai ngày đàm phán mà không có kết quả đột phá nào, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước tiếp tục leo thang với đợt áp thuế thứ hai nhằm vào 16 tỷ USD hàng hóa mỗi bên. Điều này dự báo cuộc “chiến” sẽ còn tiếp diễn, và tất nhiên là thông tin không tốt cho cả 2 bên lẫn các nước liên quan, trong đó có Việt Nam.
Diễn biến trên HNX có vẻ dễ thở hơn so với sàn HOSE. Chỉ số HNX-Index đã vượt tham chiếu nhờ sự giúp đỡ từ nhóm largecap như các cổ phiếu dầu khí PVS, PVI hay VCG, VNR hay HUT.
Nhóm ngân hàng vẫn ngập tràn sắc đỏ, có lẽ liên quan đến việc không được nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm nay.
Công ty chứng khoán HSC mới công bố báo cáo phân tích khá sốc về dự báo tăng trưởng tín dụng của HDB, đại ý HDB là một trường hợp ngoại lệ trong áp dụng Chỉ thị số 04 của NHNN về kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Nếu sáp nhập PGBank được thông qua trước quý IV thì việc HDbank có thể được nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 30 - 40%. Dự báo này được đưa ra trong tình hình NHNN đang giữ nguyên quan điểm tăng trưởng tín dụng năm nay bằng năm 2017, và chưa có ngoại lệ. Giá cổ phiếu HDB sáng nay vẫn giảm nhẹ 50 đồng/cp, hòa chung với nhịp giảm của cả nhóm ngân hàng.
CEO đang leo gần sát trần, nhưng lượng giao dịch cũng tăng mạnh. Ngoài ra, CEO còn đang được khối ngoại ủng hộ và mua ròng hơn 400,000 cp. Các chỉ báo kỹ thuật dường như đang phản ánh quan điểm tích cực của traders, tuy nhiên lượng giao dịch tăng mạnh sáng nay đúng hơn lại là một cảnh báo sớm.
Ngoài thép tấm mạ/tráng thiếc và crôm, sản phẩm thép tấm dẫn điện (trừ thép tấm dẫn điện có định hướng) của Việt Nam có tỷ trọng nhập khẩu vào EU gần bằng 3% nên có nguy cơ bị thị trường này áp dụng biện pháp tự vệ chính thức. Trong 6 tháng đầu năm nay, khối lượng thép tấm dẫn điện Việt Nam vào EU đạt 5,817.3 tấn, chiếm 2.35% tổng khối lượng nhập khẩu của thị trường này. Tuy nhiên, có lẽ loại thép này không có tên trong danh mục sản phẩm của các công ty tôn - thép đang niêm yết nên cũng không tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu các công ty này.
9h15: Chốt lời ngay từ đầu phiên
VN-Index giảm nhẹ 0.1% trong đợt ATO, trong đó VN30-Index giảm mạnh hơn một chút. Có tới 23 mã giảm giá trong nhóm VN30, áp đảo so với chỉ 4 mã tăng giá. ROS, SAB thay nhau đứng đầu nhóm giảm giá.
Bộ ba VIC – VHM và VRE vẫn tăng giá nhẹ, tương tự như ngày hôm qua, nhưng chưa giúp được nhiều cho Index. Thị trường có vẻ chốt lời ngay từ đầu phiên, dù các tín hiệu kỹ thuật đang ngày càng khả quan sau 6 phiên tăng điểm liên tiếp.
Các chỉ số VN-Index và HNX-Index đều đang giảm nhẹ, nhưng UPCoM Index lại bất ngờ hồi phục và vượt lên trên tham chiếu. Tuy nhiên, không có cổ phiếu vốn hóa lớn nào của sàn này tăng mạnh đẩy chỉ số, trừ ACV tăng nhẹ 0.4%.
Nhóm ngân hàng đang tràn ngập sắc đỏ, nhưng mức giảm không lớn. Các đại gia trong nhóm giảm dưới 1%, vẫn có cơ hội đảo ngược tình hình. KLB tăng giá hơn 4% chỉ với 1 lô khớp lệnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét nội dung dự kiến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (khai mạc vào ngày 22-10-2018), dự kiến xem xét thông qua 10 dự án luật, trong đó có Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu). Ngay lập tức cổ phiếu CEO của sàn HNX tăng giá hơn 3.6% đầu phiên sáng nay. Thực tế, CEO đã tăng mạnh trong phiên thứ Ba, có lẽ cũng liên quan đến thông tin này. Trong số các công ty BĐS có liên quan đến các khu vực dự kiến thành lập đặc khu, CEO có lẽ là công ty niêm yết chịu tác động mạnh nhất, khi việc xem xét luật bị hoãn lại hồi tháng 6.
POW vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7/2018 cùng kế hoạch tháng 8/2018. Trong tháng 7, sản lượng điện đạt 1,858 triệu kWh, tổng doanh thu 2,234 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu đạt 19,540 tỷ đồng, thực hiện 66% chỉ tiêu cả năm. PVPower kỳ vọng sản lượng điện tháng 8 đạt 1,320 triệu kWh và doanh thu 1,682 tỷ đồng. Tuy nhiên giá cổ phiếu POW đi ngang trong biên độ rất hẹp suốt tuần nay và đang đứng yên ở mức 13,200 đồng/cp sáng nay.
DXG công bố quyết định HĐQT triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP). Cụ thể, công ty sẽ phát hành 7.5 triệu cp ESOP, chiếm 2.19% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời điểm phát hành có thể là trong quý III. Có lẽ DXG đang tranh thủ cơ hội phát hành trước quý IV, thường là đỉnh mùa vụ của các doanh nghiệp BĐS trong năm. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này tính từ hôm qua đến sáng nay hầu như vẫn không có phản ứng gì với tin này.
Hoàng Nam
FILI
|