Nhịp đập Thị trường 23/08: Thị trường nóng lên trong phiên chiều
Sau khi giảm nhẹ về gần 950 điểm thì VN-Index bỗng dưng tăng mạnh lên gần 990 điểm, rồi lại lùi một chút về 987.36 điểm lúc đóng cửa (+0.5%). Như vậy chỉ số chính của TTCK Việt Nam tăng 6 phiên liên tiếp. Diễn biến tích cực của chỉ số này cũng lan tỏa khắp thị trường niêm yết, trừ UPCoM.
14h45: Bộ ba VIC – VHM – VRE vẫn tăng khá và có công tiếp lửa không nhỏ trong phiên sáng, nhưng trong phiên chiều có sự góp mặt thêm của các cổ phiếu ngân hàng và những largecap khác như VNM, FPT, GAS, PLX…, riêng BVH tăng tới 4%.
Ngân hàng, BĐS, dầu khí và khá nhiều nhóm ngành khác dù vẫn có những mã giảm, nhưng nhìn chung đều diễn biến tốt hơn nhiều so với phiên sáng. Than có lẽ là số ít ngành có đa số cổ phiếu vẫn giảm giá.
Chỉ số UPCoM-Index không ngờ vẫn loanh quanh dưới tham chiếu và đóng cửa ở 51.42 điểm (-0.36%), chịu tác động từ một số mã vốn hóa lớn nhất sàn này nhưng giảm giá như LTG, HVN, ACV, BSR, QNS…
Thị trường bước vào mùa hậu BCTC 6T với giai đoạn “soát xét hóa” BCTC. Có rất nhiều doanh nghiệp phải thay đổi lợi nhuận sau soát xét, kể cả “chuyển đổi” từ dương sang âm. Một số “ca” nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Thị trường hồi phục cũng giúp nhóm chứng khoán trở nên xanh mướt, ngược lại so với phiên sáng. Trong đó, VIX bốc trần 8.8% lên 7,400 đồng/cp, với lượng giao dịch lên đến hơn 1 triệu cp.
DRC bắt đầu tăng mạnh sau khi phiên chiều “chạy” được chừng 30 phút, và đến khoảng 14h15 thì leo lên sát trần. Thị trường đang chờ thông tin liên quan đến doanh nghiệp, tuy nhiên có thể tạm thời dự đoán cổ phiếu tăng mạnh có một phần công lớn từ khối ngoại, họ mua ròng gần 230,000 cp và quan sát giao dịch, chính khối ngoại đã rải lệnh mua ở các mức giá rất cao. Hôm thứ Ba vừa qua, cổ phiếu này cũng tăng trần nhưng khối ngoại cùng mua cùng bán chỉ có 10,000 cp.
Hôm qua CTD công bố trúng thầu và ký hợp đồng thi công xây dựng Phân khu 2 (Vincity Athena) tại dự án VinCity Gia Lâm của Tập đoàn VinGroup, tuy nhiên cổ phiếu chỉ tăng chưa đến 2%. Hôm nay CTD dẫm chân tại tham chiếu, thực tế có nhiều thời điểm giảm giá. Có lẽ thông tin trên không thực sự tác động lên giá cổ phiếu, dù là thông tin tích cực, bởi việc CTD “bao thầu” các dự án Vincity là điều đã được nói rất nhiều từ trước.
KDC tiếp tục giảm giá phiên thứ 5 liên tiếp, riêng hôm nay giảm gần 2.9%, có lẽ vẫn chịu tác động từ việc bị loại khỏi danh mục ký quỹ của loại giao dịch margin.
11h30: Bộ ba VIC – VHM – VRE lại tiếp lửa cho thị trường
Đến gần 11h, VN-Index đã lùi sát về tham chiếu, cùng lúc đó VN30-Index đâm thủng tham chiếu và chuyển sang đỏ. Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index thì đã đỏ trước đó vài chục phút. Lực chốt lời đang diễn ra. Tuy nhiên sau đó, chỉ số chính của thị trường chứng khoán bỗng tăng trở lại và đến cuối phiên sáng đã quay lên mức 985.01 điểm, tăng 0.29%. VN30-Index cũng quay lên và chốt ở 960.69 điểm, tăng 0.11%. Các chỉ số chính và phụ khác cũng có diễn biến khá tương tự, trừ UPCoM-Index đi ngang và vẫn thấp hơn tham chiếu đến 0.33%. Thị trường dường như được “tiếp lửa” vào phút cuối với sự tăng giá của bộ ba VIC – VHM – VRE, cũng như một số mã large cap khác cũng hồi lại vào phút chót như CTG, HPG, ROS, MWG, VCB…
Số cổ phiếu tăng và giảm giá trên HOSE đang khá cân bằng, nhưng trong nhóm VN30 vẫn khá vênh, cụ thể số giảm giá (16 mã) vẫn nhiều hơn số tăng giá (9 mã). Trong nhóm này, VIC và VRE tất nhiên hỗ trợ nhiều nhất đến chỉ số nhờ trọng số lớn. Cũng trong VN30, REE bỗng dưng thành cổ phiếu tăng giá mạnh nhất (+2.6%). Sau khi tăng nhẹ kể từ đầu tháng 8 đến nay, có vẻ như REE lại muốn bứt tốc, giống như trong tháng 7.
Nhóm ngân hàng sáng nay phân hóa, nhưng cũng có vài diễn biến khá thú vị. Các mã vốn hóa nhỏ dường đang tăng giá mạnh hơn các mã vốn hóa lớn, ví dụ như KLB hay NVB. BID vẫn tăng, kể cả mức % sáng nay hay xu hướng gần đây. Khối ngoại mua ròng có lẽ cũng giúp BID tăng giá. CTG đang quay về tham chiếu, sau khi giảm nhẹ trong suốt phiên sáng. TCB tăng giá nhẹ gần 1% nhưng vẫn hiện diện 1 cây nến đỏ phiên thứ 8 liên tục. Sáng nay cũng có thông tin Deutsche Bank đã bán 8.75 triệu cổ phiếu này. Một số mã đang có hiện tượng nén giá (kỹ thuật) như EIB, MBB, STB…
VGC đang được khối ngoại mua ròng gần 100,000 cp và tăng giá 1.2%, có vẻ như muốn bứt phá khỏi dải biến động giá khá hẹp kéo dài trong tháng 8. Công ty mới đây tuyên bố vẫn kiên định với mục tiêu lợi nhuận ròng gần 1,000 tỷ, dù 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt chưa đến 40%.
Tập đoàn Xiaomi (Trung Quốc) vừa công bố kết quả kinh doanh Q2/2018 với doanh thu đạt 6.5 tỷ USD, lợi nhuận 2.1 tỷ USD, bán được 23.1 triệu chiếc smartphone, tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điều này có lẽ sẽ còn tác động tích cực lên cổ phiếu DGW, vốn là nhà phân phối lớn của Xiaomi tại Việt Nam. Giá cổ phiếu DGW nhìn chung tăng khá tốt trong tháng 8 này, sáng nay giảm nhẹ 0.6% nhưng chưa hẳn là tín hiệu chốt lời đỉnh.
10h30: Có dấu hiệu điều chỉnh
Tăng tiếp ngay sau ATO, nhưng đến lúc này VN-Index có dấu hiệu điều chỉnh, chỉ số đang lùi dần về tham chiếu, trong đó VN30-Index đang lùi nhanh hơn. Trong nhóm VN30 đã có đến 17 mã giảm giá, so với chỉ 9 mã tăng. Bộ ba VIC – VHM – VRE vẫn tăng giá hơn 1% đỡ chỉ số, nhưng GAS và một số largecap khác đang giảm đà tăng. Nhiều khả năng điều chỉnh đang diễn ra vì VN-Index đã tăng liền 5 phiên vừa qua. BVH là một ví dụ, hôm qua tăng 4.8%, cổ phiếu này cũng tăng 13% trong tháng 8 này, nhưng sáng nay đã giảm nhẹ 0.6%.
Rất nhiều nhóm ngành đang có sự phân hóa, chốt lời, bao gồm cả ngân hàng, dầu khí, BĐS, chứng khoán… Một số nhóm đã tràn sắc đỏ như mía đường, thủy sản…
HNX-Index và UPCoM-Index đã lùi xuống dưới tham chiếu, tác động chủ yếu đến từ nhóm midcap và smallcap. HNX30 vẫn xanh cho thấy nhóm largecap sàn này khá lạc quan.
Lùi một chút so với đầu phiên sáng, VIC đang tăng trở lại lên 105,200 đồng/cp (+1.5%). Đang có một số so sánh hết sức tích cực giữa Vingroup hay công ty con Vinfast và những tên tuổi lớn của thế giới như Samsung (Hàn Quốc) hay Proton (Malaysia). Tuy nhiên, lưu ý sáng nay VIC đang bị khối ngoại bán ròng.
Dù kết quả 6 tháng khả quan, nhưng HVN và VJC đều giảm giá 2 phiên gần đây, có lẽ là chốt lời.
9h15: “Mở bát” phiên thứ 6 tích cực
VN-Index mở cửa sáng nay tăng gần 2 điểm, khởi đầu cho phiên thứ 6 tăng liên tiếp của sàn HOSE. Tuy còn sớm để dự báo điểm số VN-Index cuối ngày, nhưng rõ ràng đây là khởi đầu thuận lợi, trong bối cảnh chỉ số đã xanh 5 phiên và có thể có hiện tượng chốt lời dẫn đến giảm điểm bất cứ lúc nào. VIC, GAS đang là các mã tăng giá tích cực trong số largecap hỗ trợ chỉ số. Ngân hàng, dầu khí và nhiều nhóm khác đang tràn đầy sắc xanh.
Giá dầu gần đây đang hồi phục trở lại, dầu Brent đã lên trên 74 USD/thùng và WTI quay lại gần 68 USD/thùng, điều này đang dẫn tới tâm lý lạc quan cho nhóm cổ phiếu dầu khí. Có vẻ như ngày càng có nhiều người tin rằng giá dầu Brent bình quân năm 2018 sẽ vào khoảng 70 USD/thùng. Lưu ý đây cũng là điểm hòa vốn mà một số công ty dầu khí trong nước chia sẻ với các chuyên gia phân tích ở các công ty chứng khoán lớn. Đa số cổ phiếu dầu khí từ midcap trở lên đang xanh, trong đó có cả GAS, PVD, PVS, POW…
VIC tiếp tục “in giấy” nhưng tất nhiên giấy này có giá, không so sánh được với những đại gia in giấy khác. Trong giai đoạn hiện nay, VIC có vẻ như ngày càng giống một startup hơn là một đại gia BĐS lâu năm. Do đó, việc phát hành tăng vốn cũng không hẳn là pha loãng và ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu, dù P/E VIC cũng thuộc nhóm khủng so với các largecap còn lại trên sàn chứng. Cổ phiếu này sáng nay tăng nhẹ hơn 1.3% lên 105,000 đ/cp.
VGC có dấu hiệu tăng tốc. Sau khi đi ngang cả tháng qua, VGC đang có dấu hiệu bứt lên xa trên 17,000 đ/cp. Công ty cũng vừa công bố kế hoạch 6 tháng cuối năm, và vẫn giữ nguyên mục tiêu lợi nhuận ròng 950 tỷ, dù 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 361 tỷ.
HVA tăng khoảng 9% phiên thứ 6 liên tiếp. Cổ phiếu này đã bứt tốc từ hơn 4,000 đ/cp lên 7,200 đ/cp sáng nay, bình quân mỗi phiên hơn 9%. Không loại trừ khả năng giá cổ phiếu đang phục vụ mục đích phát hành thêm của doanh nghiệp cho các cổ đông hiện hữu, vốn có giá phát hành 10,000 đ/cp. Rõ ràng nếu thị giá nhỏ hơn giá phát hành, nguy cơ bán ế sẽ hiện hữu.
Cá tra Việt Nam sẽ gặp áp lực cạnh tranh lớn, đến từ thị trường nước ngoài. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp” mới đây, một số nước đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư phát triển loại thủy sản này, tạo áp lực cạnh tranh khá lớn đối với Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, xuất khẩu cá tra có thể đạt hơn con số 2 tỷ USD bởi chưa có quốc gia nào có lợi thế như Việt Nam để phát triển ngành hàng này. Tính đến hết tháng 7, xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng 19% và đạt gần 3.2 tỷ USD. Sáng nay nhiều mã cổ phiếu nhóm này bất động, ngoại trừ ANV, VHC… đang giảm nhẹ.
Hoàng Nam
FILI
|