Nhịp đập Thị trường 16/08: Nỗ lực được đền đáp
Chỉ số VN-Index đi ngang chừng 30 phút đầu phiên chiều rồi đột nhiên tăng mạnh và gần như là liên tục cho đến cuối phiên, tạo cú hích về tâm lý rất tốt cho nhà đầu tư. Đóng cửa, VN-Index lên 964.28 điểm, tăng 0.3%. Như vậy nỗ lực phục hồi đã được đền đáp xứng đáng. Tất nhiên nhóm Large Cap luôn đóng vai trò chính, trong đó đáng kể nhất là BID, CTG, MWG, PLX…
Trong nhóm VN30, đã có đến 16 mã tăng giá, so với 8 mã giảm, tình thế đảo ngược rất lớn so với cuối phiên sáng. Tuy vậy, quan sát diễn biến bất ngờ trong 2 ngày hôm qua và hôm nay, có thể nói “đánh chứng” bây giờ rất khó khăn, thị trường rất khó dự báo (về mặt kỹ thuật).
Cục diện đảo chiều trên HOSE cũng lan tỏa sang HNX và UPCoM, tiếc thay vào phút chót, HNX-Index vẫn thấp hơn 0.1% so với tham chiếu. Dù vậy, sàn HNX cũng có 80 mã tăng giá so với 65 mã giảm. Ngoài ra, có vẻ các cổ phiếu Mid Cap và small cap sàn này cũng chạy nhanh hơn Large Cap.
Nhóm ngân hàng đến cuối phiên chiều đã có rất nhiều sắc xanh. BID, CTG và thậm chí VCB đã có khoảng thời gian khá dài tăng giá, đáng tiếc là VCB cuối phiên quay về tham chiếu. Dù vậy, có thể nói rằng ngân hàng đã hỗ trợ rất nhiều cho chỉ số chính của TTCK Việt Nam. Điểm đáng lưu ý duy nhất là khối ngoại bán ròng khá lớn trên một số mã.
Nhóm dầu khí cũng có một số tiến triển khá tốt trong phiên chiều, cho dù kết thúc phiên vẫn có nhiều sắc đỏ. GAS, PVD, PVT, BSR hay POW vẫn giảm giá, nhưng một số mã đã quay lên như PVS, PVB. PVC tăng trở lại hơn 6% như lúc sáng.
Quỹ VCBF thông báo bán nốt hơn 90,000 cp PVD trước 15/09. So với thanh khoản hiện nay, việc bán hoàn toàn dễ dàng và tất nhiên, cũng khó mà tác động nhiều đến giá cổ phiếu PVD. Tuy nhiên, triển vọng giá cổ phiếu PVD sẽ còn chịu tác động rất lớn từ hoạt động của doanh nghiệp, sau kết quả làm ăn không hề tốt chút nào trong quý 1 và quý 2 năm nay.
Còn hơi sớm để có số liệu thống kê chính thức về giao dịch khối ngoại trên thị trường, nhưng có vẻ họ vẫn bán ròng. Một số mã bị bán ròng lớn như ITA, SSI, VCB, HAG, PVS hay VCG… ngược lại họ bất ngờ mua mạnh trên SBT.
Hợp đồng tương lai tháng 8 VN30F1808 đã kết thúc “sứ mạng” của mình chiều nay với giá khớp cuối cùng 947 điểm/HĐ, thấp hơn 1 chút so với điểm số VN30. Như vậy những ai mua hợp đồng này mà chưa đóng vị thế vẫn hoàn toàn yên tâm vì có lời.
Nhóm thủy sản bất ngờ có nhiều mã tăng mạnh trong phiên chiều như ICF, AGF.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm nay, xi măng và clinker là nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng 63.2% về lượng và tăng 73.4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, đạt 17.65 triệu tấn, tương đương 656.3 triệu USD. Giá xi măng, clinker xuất khẩu tăng 6.3%, đạt trung bình 37.2 USD/tấn. Tuy vậy, cổ phiếu xi măng nhìn chung vẫn chưa có phản ứng gì. Có thể là còn hơi sớm để khiến NĐT quan tâm, vì xi măng vốn là nhóm có rất nhiều mã thị giá rất thấp (chừng vài ngàn đ/cp), thanh khoản thấp và có vẻ như bị lãng quên, ít tạo sóng trong thời gian dài.
Phiên sáng: Nỗ lực hồi chưa đủ
Những diễn biến tích cực của nhóm Large Cap trong khoảng thời gian giữa phiên sáng là chưa đủ để giúp bản thân cổ phiếu đó lẫn VN-Index hồi lại. Sau khi lên đến gần 960 thì VN-Index lại quay đầu giảm, và chốt phiên sáng nay ở 950.06 điểm, giảm 1.18%. Chỉ số nhóm VN30 cũng giảm 1.2% về 936.49 điểm. diễn biến 2 chỉ số chính sàn HNX và UPCoM tương tự.
Đa số nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ, nhưng cũng có vài của hiếm đi ngược, ví dụ như điện lực và đến cuối phiên sáng nổi lên nhóm săm lốp. Ngoài ra, 1 số cổ phiếu “họ” Vinachem bỗng dưng có dấu hiệu tăng giá khá lạ, thậm chí có mã tăng cao như NET (+6%), không rõ có liên quan đến những đề xuất của Vinachem lên Chính phủ vừa qua hay không.
Nhóm dầu khí tiếp đà giảm theo giá dầu. PVC giữa phiên sáng tăng hơn 6% nhưng đến giờ chỉ còn tăng 1.6%. Đa số các mã lớn trong ngành đều giảm suốt phiên. Nhóm trio BSR – OIL – POW tiếp chuỗi giảm 5 phiên gần nhất. Khối ngoại đang bán ròng khá mạnh trên những mã này, và cả GAS, PVD hay PVS.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm nay thông báo một phái đoàn do Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen sẽ tới Mỹ đàm phán về thương mại vào cuối tháng 8. Vòng đàm phán thương mại mới được tổ chức theo lời mời từ phía Mỹ. Đại diện của Mỹ tham gia là Thứ trưởng Tài chính phụ trách vấn đề quốc tế David Malpass. Đây là thông tin rât tích cực liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mở ra cơ hội giải quyết giữa hai bên, thậm chí ngăn chặn khủng hoảng đang lan ra rất nhiều quốc gia. Nếu đàm phán thành công, không nghi ngờ gì đó sẽ là tin giúp chứng khoán Việt Nam tăng điểm trở lại.
Theo Reuters, cơ quan Phúc thẩm của WTO giữ nguyên phán quyết 1 năm trước cho rằng việc Indonesia áp thuế lên sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và Đài Loan đã vi phạm quy định của Tổ chức này. Có lẽ đây là tin tốt đối với các cổ phiếu tôn mạ như NKG hay HSG. Sáng nay 2 cổ phiếu này vẫn giảm giá, nhưng có thời điểm 2 cổ phiêu này tăng giá. Có lẽ tin tốt chưa đủ giúp cổ phiếu đi ngược thị trường.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố nâng tỷ giá trung tâm thêm 7 đồng lên 22.691 đồng. Với biên độ +/-3%, tỷ giá được phép giao dịch trong khoảng 22,010 – 23,372 đồng. Tuy nhiên ngoài thị trường tự do, tỷ giá đang vượt quá trần, có lúc vượt 23,700 đồng.
SBT giảm suốt đến 11g thì bỗng dưng hồi trở lại. Khối ngoại cũng đang mua ròng hơn 300,000 cp tại đây. Thanh khoản nhìn chung khá ổn, lượng khớp lệnh tuy mới chỉ đạt 1/3 cả ngày hôm qua, nhưng tương đương với mức bình quân 2 tháng gần đây.
Giá hợp đồng tương lai tháng 8 giảm nhưng vẫn cao hơn điểm số VN30. Lưu ý hôm nay là ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng này, do đó lời lỗ sẽ được so với điểm của chỉ số. Có vẻ như nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng lạc quan về diễn biến chỉ số VN30 trong phiên chiều nay.
10h30: Nỗ lực phục hồi
VN-Index vẫn giảm 0.68%, khá sâu dưới tham chiếu, nhưng đang có dấu hiệu phục hồi. VIC, VRE, FPT… đã xanh trở lại. Số cổ phiếu giảm giá trong nhóm VN30 vẫn đứng yên ở con số 24, nhưng hiện đã có 4 mã xanh. Nhóm ngân hàng cũng có dấu hiệu hồi, ví dụ như tại VCB hay BID. Các chỉ số bên sàn HNX và UPCoM cũng diễn biến tương tự.
Thanh khoản thấp, có khi lại chính là yếu tố đỡ giá lúc này. Thậm chí còn đi ngược chỉ số, ví dụ như KLB trong nhóm ngân hàng đang tăng tới 3% chỉ với 1 lô khớp lệnh.
Hôm nay là ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng tương lai tháng 8. Giá hợp đồng đang dao động trên điểm số VN30 một chút, cho thấy tâm lý người chơi, nhất là những ai “đánh intraday”, đang khá lạc quan.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) hôm qua tổ chức Họp báo về hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018 sẽ diễn ra từ ngày 5 – 7/9 nhằm mở ra sân chơi lớn cho các nhà đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế. Bất động sản là một trong những ngành lớn nhất ở Việt Nam, cũng như thu hút được rất nhiều đồng vốn FDI lẫn FII trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên lúc này cổ phiếu bất động sản niêm yết vẫn đang đỏ lòe.
Nhóm điện bất ngờ đi ngược thị trường khi có nhiều mã tăng giá như SBA, TBC, BTP, SHP…
PVC bất ngờ tăng giá tới hơn 6%, lấy lại phần nào những gì đã mất ngày hôm qua (giảm sàn 10%). Nhóm dầu khí nhìn chung vẫn có diễn biến tiêu cực, nhưng đâu đó cũng có những thời điểm hồi. GAS từng quay lên gần 94,000 đ/cp lúc 10h trước khi quay lại dưới 93,000 đ/cp.
NNC sẽ trả cổ tức 7,000 đ/cp cho cổ đông. Mức cổ tức cao này không tác động lên giá cổ phiếu sáng nay, nhưng có lẽ đã phản ánh từ trước đó. Trong tháng 8 này, NNC rõ ràng đã tăng giá 14-15% trước khi đạt đỉnh 59,000 hôm qua (đi kèm với khớp lệnh khủng).
Chịu tác động từ nhiều thị trường, nhưng sáng nay HSG lại sớm hồi phục trong nhóm sắt thép. HPG vẫn giảm giá nhẹ 100 đ/cp đi kèm với khối ngoại bán ròng 1 ít.
KHA tăng trần 14.8% chỉ với 110 cp được khớp. Mới đây chứng khoán Bản Việt (mã VCI) thông báo chưa bán được cổ phiếu KHA nào như đăng ký vì “chưa được giá”. Có lẽ thanh khoản thấp mới là vấn đề chính khiến VCI gặp khó.
OGC giảm tiếp phiên thứ 2 sau chuỗi sự kiện nóng từ hôm qua đến sáng nay, nhưng mức giảm chỉ còn vỏn vẹn 10 đồng, thậm chí có lúc cổ phiếu này tăng trở lại.
Mở cửa: Tiếp nối cú gãy trend chiều qua
Sau phiên chiều qua gãy trend, đa số cổ phiếu trên cả 3 sàn chứng khoán Việt nam sáng nay mở đầu trong sắc đỏ. HNX-Index đã giảm ngay từ khi khai cuộc, còn VN-Index sau khi kết thúc đợt ATO cũng đã giảm ngay và nhanh. Ngân hàng và đồng loạt các Large Cap khác giảm, khiến chỉ số không thể cứu. Trong nhóm VN30, không có mã nào tăng giá, ngược lại có tới 24 mã giảm giá.
Còn hơi sớm để nói thông tin từ sàn Mỹ đã ảnh hưởng đến sàn Việt nam sáng nay, nhưng dù sao đó cũng là thông tin quan trọng. Hôm qua chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên sụt giảm mạnh nhất về phương diện phần trăm kể từ cuối tháng 6/2018, khi nhà đầu tư chuyển sang né tránh rủi ro vì báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng và lo ngại ngày càng tăng về hàng rào thuế quan toàn cầu.
Thông tin Moody’s nâng cấp xếp hạng của 12/14 ngân hàng Việt không giúp được cổ phiếu ngân hàng. Sáng nay 1 số mã cổ phiếu nhóm này trên sàn HNX đã giảm giá ngay từ những phút đầu tiên, tiếp đến 9h15 là các mã bên HOSE giảm giá, trừ EIB và KLB tăng giá.
Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex giảm khoảng 3% còn 65.01 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 06/06/2018. Tương tự, giá dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn cũng giảm 2.4% xuống 70.76 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 09/04/2018. Lưu ý, 70 USD/thùng dầu Brent là mức bình quân năm 2018 mà nhiều công ty chứng khoán lớn dự phóng và sử dụng cho các mô hình định giá cổ phiếu dầu khí. Không khó dự đoán giá nhóm cổ phiếu dầu khí sáng nay mở đầu trong sắc đỏ. Chỉ còn le lói một vài mã tăng giá như PVC.
Lãnh đạo NCT vừa thông qua quyết định chi trả cổ tức tạm ứng lần 1 năm 2018 bằng tiền mặt. Tỷ lệ thực hiện là 40%/mệnh giá. Với hơn 26 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền công ty phải trích ra khoảng 105 tỷ đồng. Ngày chốt quyền nhận cổ tức vào 16h ngày 31/8 và thời gian thanh toán dự kiến 28/9. Cổ phiếu này sáng nay hồi nhẹ 1.1% sau khi giảm liên tục kể từ đầu tháng 7 đến nay.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) mới đây cho biết ngày 09/08, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) – thuộc Bộ thương mại và Công nghiệp Ấn Độ - đã thông báo khởi xướng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Nguyên đơn là Hiệp hội sản xuất ống thép không gỉ và một số công ty sản xuất của Ấn Độ. Lại một tin không vui nữa cho ngành thép Việt Nam.
Hoàng Nam
FILI
|