Thứ Ba, 07/08/2018 07:35

Nâng tiêu chuẩn khí thải ô tô: Chi phí, nhiên liệu đều khó

Nâng tiêu chuẩn khí thải là cần thiết nhưng sẽ tác động không nhỏ đến doanh nghiệp, chủ phương tiện bởi chi phí khắc phục, sửa chữa máy móc, duy trì khói thải ở mức cho phép sẽ tăng cao. Không chỉ thế, nguồn cung nhiên liệu để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới cũng đang là bài toán không dễ tính.

 

VN đang áp dụng kiểm định khí thải ô tô ở mức thấp nhất - ẢNH: NGỌC THẮNG

Chi phí tăng 30%

Là người trực tiếp kinh doanh vận tải, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, khẳng định: Việc nâng tiêu chuẩn khí thải để bảo vệ môi trường là hợp lý, nhận được sự đồng thuận của cả người dân và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên ông Lâm cũng thừa nhận, với hoạt động kinh doanh, sức khỏe tài chính của các DN vận tải hiện nay, việc sửa chữa, thay mới phương tiện để đáp ứng quy định khí thải cao vẫn là bài toán khó. Đó cũng là lý do vì sao xe đã hết hạn sử dụng, không đủ tiêu chuẩn nhưng nhiều DN, người dân vẫn không chịu giao giấy tờ lại cho cơ quan có thẩm quyền, vẫn tiếp tục chạy chui trái pháp luật. Với chính DN của mình, ông Vinh cho biết nếu áp theo đúng lộ trình mà Cục Đăng kiểm đề xuất sẽ có khoảng 30% số phương tiện hiện tại không đủ tiêu chuẩn tiếp tục lưu thông. Để thay mới hết 30% số phương tiện này phải mất chi phí không hề nhỏ. Nếu không đủ khả năng, DN sẽ phải tự cân đối để thu hẹp hoạt động kinh doanh. Đây cũng là bài toán mà các DN vận tải khác phải tính toán, cân nhắc.

Theo ông Vinh, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người dân, DN thay mới phương tiện. Ví dụ như miễn phí trước bạ, miễn lệ phí đăng ký khi cá nhân, tổ chức nộp lại giấy tờ xe không đủ tiêu chuẩn để mua phương tiện mới. “Như vậy vừa kích thích thay đổi phương tiện, giúp các hãng bán được xe, người dân có phương tiện tốt để đi và quan trọng là đảm bảo yêu cầu giữ gìn môi trường”, ông nói.

Đồng tình, PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ước tính để mua mới các phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải từ EURO 4 trở lên, chi phí ước tính sẽ phải cao hơn 30%. Ở các nước phát triển luôn có chính sách nhằm khuyến khích chủ phương tiện nâng cao khả năng tránh ô nhiễm môi trường của phương tiện. Xe sử dụng nhiên liệu càng sạch, các bộ xử lý khí thải càng hiện đại thì chế độ trợ cấp càng cao. “Người dân thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ rồi thì đối với các vấn đề liên quan môi trường, an sinh xã hội, đời sống của nhân dân, nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ, trợ cấp bằng những chính sách thiết thực, cụ thể”, ông đề xuất.

Thay xe mới, lo thiếu nhiên liệu sạch

Không chỉ cơ quan chức năng mà bản thân các DN vận tải, sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao quy định khí thải, giảm ô nhiễm môi trường. Thế nên khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu mới, hầu hết các DN đều đồng thuận, nghiêm chỉnh chấp hành.

Tuy nhiên, ngoài chênh lệch giá, khó khăn lớn nhất là chất lượng xăng dầu không bảo đảm. Xăng dầu sản xuất tại VN chưa đạt tiêu chuẩn Euro 4. Thực tế hiện nay, những chủ xe thường phàn nàn, các dòng xe cao cấp sử dụng động cơ có tiêu chuẩn khí thải cao, đặc biệt là những xe có dung tích xi lanh lớn phải thường xuyên xử lý đánh cặn, muội trong động cơ và bộ phận phun nhiên liệu, nguyên nhân do nhiên liệu không đáp ứng được chất lượng vận hành của động cơ. Giờ tăng tiêu chuẩn khí thải ô tô thì chất lượng xăng dầu cũng phải tăng. Để đáp ứng nhu cầu này, bắt buộc phải nhập từ nước ngoài với giá thành cao hơn. Như vậy, ngoài nỗi lo tăng chi phí thay xe mới, thì nỗi lo nhiên liệu, nỗi lo chi phí sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa cũng tăng theo. Đây không chỉ là bài toán khó đối với các DN vận tải mà còn tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, góp phần làm tăng chi phí xã hội.

Liên quan đến nguồn cung nhiên liệu sạch, trong cuộc họp với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM mới đây, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý vận tải hành khách công cộng, cho biết hiện hệ thống xe buýt của TP.HCM có 2.478 phương tiện tham gia hoạt động nhưng chỉ có 428 xe sử dụng khí nén thiên nhiên CNG. Nguyên nhân chính do thiếu nguồn cung cấp khí CNG. Hiện chỉ có Tổng công ty khí VN - PV Gas là đầu mối duy nhất cung cấp loại nhiên liệu này nhưng do nhiều khó khăn về quỹ đất đặt trạm nạp khí, giá đầu tư cao (khoảng 1 triệu USD/trạm), để hoàn vốn yêu cầu tối thiểu trên 80 xe sử dụng 1 trạm, nên mãi đến cuối năm vừa rồi, PV Gas mới có chủ trương tiếp tục đầu tư vào chương trình này.

Hà Mai

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   TP.HCM hút 4,69 tỷ USD vốn ngoại, bất động sản dẫn đầu (07/08/2018)

>   Ôtô miễn thuế tràn về, người dân có mua được xe giá rẻ? (06/08/2018)

>   Thí điểm 5 điểm đón taxi tại trung tâm TP.HCM (06/08/2018)

>   Ngành gỗ tự tin vượt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD (06/08/2018)

>   Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị các tập đoàn, tổng công ty trong tháng 9 tới (06/08/2018)

>   Nhiều oái oăm từ vụ lách thuế trăm tỉ của Nguyễn Kim (06/08/2018)

>   Kết luận vụ nguyên thư ký ông Nguyễn Xuân Anh mượn nhà Vũ 'nhôm' (05/08/2018)

>   Thường vụ Quốc hội chưa xem xét luật đặc khu trong phiên họp tháng 8 (05/08/2018)

>   TPHCM và Bộ GTVT bàn cách cứu sân bay Tân Sơn Nhất (04/08/2018)

>   Lãi suất USD đang bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu (04/08/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật