Thứ Hai, 06/08/2018 10:45

Nhiều oái oăm từ vụ lách thuế trăm tỉ của Nguyễn Kim

Từ việc chuyển tiền lương chức danh, tiền thưởng (thu nhập chịu thuế) thành tiền tăng ca, làm thêm giờ (thu nhập không chịu thuế), Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (gọi tắt là Nguyễn Kim) đã né được khoản tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cao ngất: 104 tỉ đồng. 

 

Với vi phạm này, Nguyễn Kim đã bị Cục Thuế TP.HCM ra quyết định buộc nộp cho Nhà nước hơn 148 tỉ đồng, gồm tiền phạt, tiền thuế bị truy thu và tiền chậm nộp thuế TNCN.

Nào giờ việc ai đó làm này làm nọ để không phải nộp thuế hoặc nộp thấp hơn mức lẽ ra phải nộp thường được diễn tả bằng các từ né, lách thuế hoặc nói gọn là “trốn thuế”. Thành thử trước những xầm xì như “đại gia điện máy trốn thuế khủng”, “doanh nghiệp lớn mà lại trốn thuế”… thì chẳng mấy ai thấy có gì lấn cấn. Đến khi một lãnh đạo Cục Thuế TP lên tiếng Nguyễn Kim không trốn thuế mà chỉ là khai không đúng thì nhiều người mới ngớ ra tưởng vậy mà không phải vậy. Vậy khai sai để nộp ít thuế khác gì với trốn thuế?

Luật Quản lý thuế phân định hai loại hành vi vi phạm liên can đến việc trốn thuế như cách nghĩ chung đã nêu ở trên của xã hội: 1. Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp; 2. Trốn thuế, gian lận thuế.

Tuy không có văn bản nào minh định nhưng các mô tả hiện hữu cùng thực tiễn áp dụng cho thấy điểm khác nhau cơ bản của hai hành vi này nằm ở chỗ vô ý và cố ý trốn thuế. Nếu vô ý thì là “khai sai”, nếu cố tình thì là “trốn thuế, gian lận thuế”. Cùng bị áp dụng hình thức truy thu thuế nhưng “khai sai” nhẹ tội hơn “trốn thuế, gian lận thuế” khi chỉ bị phạt hành chính với mức phạt tiền 20%. Ngược lại, “trốn thuế, gian lận thuế” có mức phạt tiền hành chính từ 50% đến 300% và cá nhân lẫn pháp nhân vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội trốn thuế.

Điều đáng nói là dẫu được quy định khác nhau nhưng các thiết kế luật dường như tạo ra nghịch lý ở hai hành vi. Nếu “trốn thuế, gian lận thuế” được quy định kiểu liệt kê dễ dẫn đến bỏ lọt nhiều chiêu thức trốn thuế khác ở ngoài đời thì “khai sai” lại được quy định khá sơ sài. Thực tế cho thấy không phải trường hợp khai sai nào cũng đều do thực sự không biết hay do sơ suất nhưng quy định hiện hành lại không có sự chi tiết hóa khai sai cái gì và như thế nào thì mới được chấp nhận là khai sai không cố ý. Thiếu sót này dễ đưa đến những xác định chủ quan có lợi cho trường hợp nọ nhưng bất lợi cho trường hợp kia.

Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12 Thông tư 166/2013 của Bộ Tài chính là một đơn cử về những lơ mơ, nhập nhằng có liên quan. Theo điều khoản này, một trong các trường hợp khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp là “hành vi khai sai của người nộp thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp… đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế xác định là có hành vi khai man, trốn thuế…”.

Vậy là Bộ Tài chính cũng đã nhận ra như nhiều người là trong “khai sai” có việc “khai man, trốn thuế” nhưng hướng dẫn thế thì “khai sai” khác gì với “trốn thuế, gian lận thuế” để mọi người cùng nhận diện được? Tiếc là thay vì làm rõ hơn một quy định chung chung của luật thì Bộ Tài chính lại gây thêm hoang mang khi chính thức đánh đồng người ngay tình với người không ngay tình khai sai dẫn đến sự thiếu công bằng trong việc chế tài.

Trở lại vụ Nguyễn Kim được cho là “khai sai” chứ không phải là “trốn thuế”. Theo giãi bày của Nguyễn Kim thì ở công ty này không có sự che giấu, trốn thuế mà chỉ do hiểu chưa đúng Luật Thuế TNCN. Đúng là các quy định thuế đang có phần rối rắm, mông lung, đôi lúc đánh đố doanh nghiệp lẫn các cơ quan thuế. Tuy nhiên, với việc có những quy định mà đa số doanh nghiệp đều hiểu được để phải làm đúng (chẳng hạn là danh mục các loại thu nhập chịu thuế và được miễn thuế TNCN) nhưng tên tuổi lớn như Nguyễn Kim lại vấp trong một thời gian dài và chỉ lộ diện khi có thanh tra thuế thì khó tránh được những lẽ nghi ngờ.

Có lẽ giải pháp căn cơ là cần phải có chính sách thuế đơn giản, sát hợp hơn với thực tế vận hành cùng với việc cải tiến phương thức phối hợp xử phạt để có sự phân biệt rõ ràng giữa hành vi khai sai, gây thất thoát thuế do hiểu chưa đúng với hành vi lợi dụng sự nhập nhằng trong pháp luật thuế để né thuế, trục lợi. Khi đó, chỉ có việc khai không đúng do nhầm lẫn, tính toán sai về số liệu… (nên có quy định chi tiết đại loại vậy) mới được hưởng mức phạt nhẹ hơn các hành vi trốn thuế khác...

Thu Tâm

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Kết luận vụ nguyên thư ký ông Nguyễn Xuân Anh mượn nhà Vũ 'nhôm' (05/08/2018)

>   Thường vụ Quốc hội chưa xem xét luật đặc khu trong phiên họp tháng 8 (05/08/2018)

>   TPHCM và Bộ GTVT bàn cách cứu sân bay Tân Sơn Nhất (04/08/2018)

>   Lãi suất USD đang bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu (04/08/2018)

>   Nhà đầu tư Sky Mining ký tên kêu gọi Mỹ trục xuất ông Lê Minh Tâm (04/08/2018)

>   DATC rao bán kho khí hóa lỏng lớn nhất miền Bắc với giá khởi điểm 185 tỷ đồng (04/08/2018)

>   Cùng vào cuộc để gỡ 'thẻ vàng' (04/08/2018)

>   Sắp đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh tương tự Mumuso (04/08/2018)

>   Sắp đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh tương tự Mumuso (03/08/2018)

>   Bộ trưởng Công an sắp trả lời chất vấn về tội phạm kinh tế, chức vụ (03/08/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật