Liên tục lao dốc, cổ phiếu Trung Quốc trở nên hấp dẫn trong mắt khối ngoại
Dù thị trường cổ phiếu 2.5 ngàn tỷ USD của Trung Quốc liên tục lao dốc vì căng thẳng thương mại với Mỹ và đà giảm tốc của nền kinh tế, nhưng trong cái rủi cũng có cái may: Khối ngoại tỏ ý muốn nhảy vào.
Việc mua cổ phiếu định danh bằng đồng Nhân dân tệ hiếm khi trở nên rất dễ dàng và ít tốn kém cho nhà đầu tư nước ngoài như lúc này. Đồng Nhân dân tệ đang dao động gần mức thấp nhất trong 16 tháng và hoạt động phòng hộ trước đà giảm của đồng tiền này cũng rất rẻ. Mức định giá của thị trường cổ phiếu Trung Quốc đang thấp hơn 16% so với thời điểm MSCI lần đầu thêm cổ phiếu Trung Quốc loại A vào các chỉ số chuẩn của mình từ 2 tháng trước. Bên cạnh đó, các giới hạn về khả năng tiếp cận cũng được nới lỏng, hạn ngạch hàng ngày đã gia tăng và cơ chế giao dịch đã vượt qua các đợt thử nghiệm.
Cổ phiếu tại Trung Quốc đại lục gần như chưa bao giờ xuất hiện trong các danh mục quốc tế - một khiếm khuyết mà Trung Quốc đang cố gắng giải quyết trong nhiều năm qua, khi họ dần dần mở cửa nền kinh tế của mình. Hoạt động mua cổ phiếu gần đây cho thấy, các trader nước ngoài đang cố gắng săn lùng giá trị ở Trung Quốc, sau khi chỉ số CSI 300 có lúc “bốc hơi” tới 32% (xét trên phương diện đồng USD) so với tháng 1/2018. Nhờ đó, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu Trung Quốc đại lục của khối ngoại đã tăng từ 2% lên 5.3% khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float), theo công ty quản lý tài sản Robeco.
“Tình hình hiện nay đem lại cho những nhà đầu tư dài hạn một điểm vào tốt hơn rất nhiều”, Victoria Mio, Trưởng Bộ phận Đầu tư Trung Quốc ở Robeco chi nhánh Hồng Kông, cho hay. “Họ không bị cuốn vào đà giảm và có thể tỏ ra ít cẩn trọng hơn so với tháng 1/2018 – khi mọi thứ trở nên quá đắt đỏ. Những người định tham gia vào thị trường có lẽ muốn làm ngay lúc này”.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 3.7 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc đại lục kể từ ngày 25/07/2018, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Tuần này, MSCI đã liệt kê thêm 10 cổ phiếu Trung Quốc loại A mà họ dự định thêm vào các chỉ số của mình vào cuối tháng này. Nhờ đó, tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc loại A tăng lên 0.75% trong chỉ số MSCI Emerging Markets Index. Dù tỷ trọng vẫn còn khá thấp, nhưng cũng đánh dấu thêm một bước tiến để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường cổ phiếu Trung Quốc.
Trong khi đó, nhà cung cấp chỉ số FTSE Russell dự kiến công bố kế hoạch về cổ phiếu Trung Quốc loại A vào tháng 9/2018.
Hiện có các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn cải thiện khả năng tiếp cận cho các nhà đầu tư nước ngoài – một động thái có thể hỗ trợ cho thị trường chứng khoán “thiếu sinh khí” của nước họ. Tuần trước, các nhà điều hành Trung Quốc cho biết, họ sẽ nới lỏng một số giới hạn giao dịch đối với các nhà đầu tư nước ngoài, như các nhà bảo hiểm, quỹ hưu trí hoặc quỹ quản lý tài sản quốc gia. Tuyên bố này đã châm ngòi cho đà tăng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, dù chúng chỉ tồn tại trong chốc lát.
Đà giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ giúp hạ thấp mức định giá của cổ phiếu Trung Quốc. Một chỉ số chỉ bao gồm những cổ phiếu vốn hóa lớn có hệ số P/E ở mức 8.4 lần (xét trên lợi nhuận dự phóng), giảm từ mức 12 lần trong tháng 1/2018.
“Mọi thứ đều có giá”, Charles Feng, Trưởng Bộ phận Giao dịch vĩ mô tại Standard Chartered Plc ở Hồng Kông, cho hay. “Tại một thời điểm nào đó, mọi người sẽ nhảy vào và bắt đầu bắt đáy. Đó là lý do tại sao tôi không hề bi quan về mọi thứ”.
Việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở nên cực kỳ quan trọng đối với thị trường cổ phiếu Trung Quốc, khi 142 triệu trader trong phiên (day traders) ngày càng chán nản với thị trường chứng khoán nước nhà. Được biết, các day trader chiếm tới hơn 80% khối lượng giao dịch hàng này.
“Nhà đầu tư nước ngoài cần thời gian để hiểu về thị trường này, biết về các công ty Trung Quốc và cảm thấy đủ tự tin để đặt vị thế bên ngoài top 15 cổ phiếu lớn nhất”, Lee, Trưởng Bộ phận tiếp cận vốn Trung Quốc tại CLSA, cho hay. “Giờ là thời điểm tuyệt vời để làm điều đó”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|