Dow Jones rớt hơn 300 điểm trước nỗi ám ảnh về cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày thứ Tư (15/08) khi nỗi lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đu bám tâm trí nhà đầu tư. Ngoài ra, đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ và ngân hàng cũng gây sức ép lên các chỉ số chung.
Tính tới lúc 21h50 ngày thứ Tư (15/08 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 309.5 điểm (tương ứng 1.22%), còn chỉ số S&P 500 lùi 34.99 điểm (tương ứng 1.23%). Bên cạnh đó, chỉ số Nasdaq Composite mất 131.32 điểm (tương ứng 1.67%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ lúc 21h50 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Cổ phiếu ngân hàng giảm trên diện rộng, trong đó Bank of America và Citigroup rớt hơn 1.5%. Ngoài ra, cổ phiếu JPMorgan cũng lùi 0.9%. Lĩnh vực công nghệ sụt hơn 1%.
“Có vẻ như chúng ta có thời gian 'tạm nghỉ' trong ngày hôm qua, nhưng hôm nay dường như xuất hiện một chút tác động lan truyền”, ông Jack Ablin, đối tác sáng lập của Cresset Wealth, cho hay. “Giá hàng hóa và các đồng tiền giảm, các thị trường mới nổi cũng lao dốc. Tôi không nghĩ tôi có thể ngồi ở đây và nói với bạn rằng nó sẽ biến mất thôi”, ông nói thêm.
Trong ngày thứ Tư (15/08), một cơ quan điều hành ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đang giới hạn các giao dịch hoán đổi tiền tệ của các ngân hàng. Động thái này là nhằm kìm hãm các động thái bán khống đồng Lira – một đồng tiền đã giảm rất mạnh trong thời gian gần đây.
Trước đó trong tuần này, đồng Lira đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, khi nhà đầu tư toàn cầu lo ngại rằng, các rắc rối kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ có thể tác động tới các nền kinh tế khác trên thế giới. Tháng trước, lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức 16%, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 5% của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.
Pedro Martins, Chiến lược gia tại JPMorgan, lưu ý rằng, “chúng ta cần phải xem xét các động thái đối phó về chính sách và vĩ mô một cách toàn diện” để đánh giá lại các khuyến nghị về cổ phiếu.
“Nhóm vĩ mô của JPMorgan tin rằng, một động thái về chính sách sẽ cần phải có những yếu tố sau: Nâng lãi suất chính sách từ 5% đến 10%, tái cấp vốn cho các ngân hàng và giải quyết nợ xấu, hỗ trợ tài chính có mục tiêu đối với phần lớn các lĩnh vực đang gặp căng thẳng – một khuôn khổ chính sách chung thừa nhận sự cần thiết của việc giảm bớt đòn bẩy và công nhận rằng một cuộc suy thoái chỉ là tác dụng phụ tự nhiên của quá trình này”, ông Martins cho biết trong báo cáo ngày thứ Ba (14/08).
Đà giảm cũng diễn ra sau khi phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ rời Washington mà không đạt được bước tiến nào rõ ràng về vụ việc bắt giữ mục sư người Mỹ, Andrew Brunson. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông cho phép nâng gấp đôi thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp trả lại, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định áp thuế bổ sung lên các hàng hóa Mỹ, từ xe hơi cho tới gạo và rượu, theo một sắc lệnh vừa công bố trong ngày thứ Tư (15/08). Theo sắc lệnh trên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp thuế bổ sung 50% lên gạo Mỹ, 140% lên rượu và 120% đối với xe hơi.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tăng hơn 13% lên 15.13 điểm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 2.868% trong ngày thứ Tư (15/08).
Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng góp phần vào đà giảm chung, khi các cổ phiếu Facebook, Apple, Netflix và Alphabet đồng loạt lao dốc. Lĩnh vực công nghệ chịu áp lực sau khi ông lớn Tencent của Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất kể từ năm 2015. Cổ phiếu Tencent niêm yết ở Mỹ rớt 6.6%.
Nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 3% và là nhóm lao dốc mạnh nhất trong S&P 500. Giá dầu giảm 3.2% sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ Mỹ tăng vọt 6.8 triệu thùng.
Chứng chỉ quỹ iShares MSCI Emerging Markets ETF (EEM) rớt hơn 3% và bước vào thị trường con gấu, tức giảm hơn 20% so với mức đỉnh 52 tuần.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|