Hướng đi nào cho Kiểm toán nội bộ trong tương lai?
Nâng cao chất lượng nhân sự kiểm toán nội bộ (KTNB) đang là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp khi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về KTNB theo các tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam hiện nay đang có sự thiếu hụt lớn, vì vậy các chuyên viên kiểm toán nội bộ cần chú trọng tích lũy kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn hành nghề quốc tế để đáp ứng yêu cầu hiệu quả hoạt động của bộ phận KTNB.
Đó là nhận định của ông Phạm Ngọc Hoàng Thanh - Giám đốc Điều hành Smart Train tại Hội thảo “Cách thức xây dựng và vận hành chức năng kiểm toán nội bộ hiệu quả tại Việt Nam và thông lệ quốc tế” diễn ra chiều ngày 15/08/2018.
Ông Phạm Ngọc Hoàng Thanh, Giám đốc Điều hành Smart Train tại hội thảo
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trầm Tuấn Vũ – Phó Tổng Giám Đốc HOSE đã nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của kiểm toán nội trong hoạt động của các doanh nghiệp. Ông Vũ cho biết thêm KTNB là công cụ giúp kiểm tra việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động, thông qua công cụ này, ban lãnh đạo doanh nghiệp có thể phát triển những sơ hở, gian lận trong quản lý, bảo vệ tài sản doanh nghiệp nhằm cải thiện, hoàn thiện hệ thống quản lý, giúp nâng cao khả năng hoàn thành chiến lược kinh doanh. Hệ thống KTNB sẽ giúp gia tăng niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư. Tại Việt Nam, KTNB đang được triển khai nhiều hơn và đã đưa vào khuôn khổ pháp lý. Đồng thời, ông khẳng định Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty niêm yết, các công ty chứng khoán thành viên trong công tác quản trị doanh nghiệp và áp dụng những mô hình quản trị tiên tiến.
Bà Lê Thị Tuyết Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán – Bộ Tài chính cho biết hiện tại, có một số doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp Nhà nước đã quan tâm tổ chức bộ phận KTNB, hướng theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chưa tổ chức được chức năng KTNB. Một trong những nguyên nhân được bà Nhung đưa ra là do chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể quy định và hướng dẫn về KTNB. Hơn nữa hoạt động nghề nghiệp về KTNB tại Việt Nam cũng chưa được chuẩn hóa, đội ngũ làm việc chưa được đào tạo bài bản. Do đó, tại buổi hội thảo, bà Nhung đã trao đổi thêm một số điểm then chốt như nhiệm vụ và quyền hạn của bộ phận kiểm toán nội bộ, điều lệ, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực chuyên môn, phương pháp thực hiện kiểm toán nội bộ và quan hệ giữa kiểm toán nội bộ với các bên liên quan.
Đại diện Hiệp hội kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) ông Richard F. Chamber – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc toàn cầu IIA với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro, ở vị trí lãnh đạo ông đã chỉ ra tầm nhìn mà bộ phận kiểm toán nội bộ có thể tập trung vào trước mắt như: đánh giá rủi ro một cách liên tục, nhận diện và phản ứng nhanh chóng với các rủi ro mới nổi. Ngoài ra, theo ông Richard F. Chamber, bộ phận kiểm toán nội bộ còn phải hiểu biết về các thách thức đặt ra trước mắt, đặc biệt là vấn đề nhân sự...
Ông Richard F. Chamber – Chủ tịch kiêm tổng giám đốc toàn cầu IIA
|
Ngoài ra, những thách thức chính trong KTNB tại Việt Nam cũng được ông Ivan Phạm – Phó tổng giám đốc của Deloitte Việt Nam chia sẻ thêm như các điểm kiểm soát chưa được ban hành và thực hiện, những giá trị của KTNB chưa được thừa nhận một cách đúng đắn hoặc là bộ phận được kiểm toán không muốn cung cấp thông tin. Những kỹ năng về KTNB cần có trong tương lai để khắc phục các khó khăn cũng được ông chia sẻ thêm.
Hàn Đông
FILI
|