Chưa biết khi nào thu hồi xong 659 ha đất sai phạm
Trong số 659 ha đất sai phạm cơ quan điều tra đề nghị thu hồi, nhiều năm nay cá nhân ông Huệ và ông Sâm, ông Trung, đều đã bị khởi tố, vẫn sử dụng hàng trăm héc ta đất thu lợi bất chính nhiều tỉ đồng.
Chiều 14.8, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh đã triển khai việc thu hồi gần 659 ha đất liên quan đến những sai phạm của ông Cao Minh Huệ, nguyên Giám đốc Sở Địa chính (nay là Sở TN-MT) Bình Dương, theo đề nghị của Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Tuy nhiên, khi nào thu hồi xong thì chưa thể khẳng định.
Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Bình Dương liên quan bị can Cao Minh Huệ (64 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng nhiều bị can khác gây thiệt hại của nhà nước trên 131 tỉ đồng, bị cơ quan điều tra khởi tố từ năm 2009.
Thế nhưng, trong số 659 ha đất sai phạm cơ quan điều tra đề nghị thu hồi, nhiều năm nay cá nhân ông Huệ và ông Đỗ Văn Sâm (60 tuổi, nguyên cán bộ Phòng TN-MT H.Bến Cát), Phan Văn Trung (64 tuổi, nguyên Trưởng phòng TN-MT H.Bến Cát), đều đã bị khởi tố, vẫn sử dụng hàng trăm héc ta đất thu lợi bất chính nhiều tỉ đồng.
Vườn cao su của gia đình ông Cao Minh Huệ
ĐỖ TRƯỜNG
|
Cả gia đình ông Huệ đứng tên mua đất
Theo điều tra của Bộ Công an, năm 2000 Công ty chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu (Sobexco) bán trên 306 ha đất rừng cao su để trả nợ ngân hàng. Sau đó, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sobexco (đã chết 2011 - PV), cùng ông Huệ, Trung, Sâm cấu kết lập hồ sơ, bán thanh lý cho 30 cá nhân với giá 22 triệu đồng/ha. Đây là giá bán vườn cây, không nêu giá trị đất, nhưng sau đó các cán bộ này lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người mua.
Đến năm 2001, Sobexco thanh lý đợt 2 diện tích 352 ha đất vườn cao su để trả nợ ngân hàng, với giá 50 triệu đồng/ha (không nêu giá trị đất). Thời điểm này, các ông Huệ, Trung, Sâm và Hải tiếp tục lập các tờ trình, hồ sơ để cấp “sổ đỏ” cho 41 người mua. Trong lần thanh lý vườn cây cao su đợt 2, ông Huệ lập hồ sơ chuyển nhượng và cấp “sổ đỏ” cho 8 người trong gia đình gồm: vợ, con, em vợ, em rể, em bà con... với tổng diện tích trên 75 ha, số tiền trên 3,6 tỉ đồng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định việc chuyển nhượng diện tích gần 659 ha đất vườn cao su cho các cá nhân là vi phạm pháp luật do Công ty Sobexco là doanh nghiệp nhà nước, chưa được xác nhận có hay không nguồn vốn của nhà nước nên không thể bán, chuyển nhượng vườn cây, đất mà không thông qua đấu giá tài sản. Đáng chú ý, khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Huệ khai “không biết những người trong gia đình đứng ra ký hợp đồng mua vườn cao su”.
Nhận bồi thường xong tiếp tục kinh doanh
Đến năm 2007, tỉnh Bình Dương thành lập KCN An Tây nằm trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ An Tây (nay là KCN Ascendas -Protrade), phải giải tỏa và bồi thường trên 440 ha đất nằm trong diện tích 659 ha đã được cấp “sổ đỏ” trái pháp luật của Sobexco. Trong đó, những người nhà gia đình ông Huệ đã nhận số tiền bồi thường trên 1,3 tỉ đồng nhưng vẫn tiếp tục khai thác, thu lợi từ vườn cao su trên 75 ha cho đến gần đây.
Sáng 14.8, PV Thanh Niên có mặt tại khu vườn cao su của gia đình ông Huệ, một người dân cho biết các vườn cao su này đã ngừng khai thác mủ khoảng 1 tháng nay. Cạnh đó, diện tích hàng chục héc ta đất của ông Sâm đang cho thuê để trồng khoai mì. Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết việc triển khai thu hồi đã được tiến hành nhưng “khi nào xong thì chưa thể xác định được”.
Nhiều cán bộ đương chức đối diện kỷ luật
Theo kết luận điều tra Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển Viện KSND tối cao vào tháng 7.2018, ngoài đề nghị truy tố các bị can Cao Minh Huệ, Phan Văn Trung, Đỗ Văn Sâm về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hành trong khi thi hành công vụ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương có biện pháp thu hồi toàn bộ số tiền đã bồi thường và đất đã giao trái quy định của pháp luật, đồng thời xem xét, xử lý hành chính nghiêm khắc trách nhiệm cá nhân các cán bộ liên quan.
Trong đó, ông Nguyễn Hữu Chí, nguyên Phó chủ tịch UBND H.Bến Cát (hiện là Bí thư H.Bàu Bàng) đã ký cấp “sổ đỏ” cho 70 người mua vườn cây cao su; bà Trần Thị Kim Vân, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (hiện đã nghỉ hưu), đã ký quyết định chỉ đạo UBND H.Bến Cát lập thủ tục giao đất cho 30 cá nhân mua vườn cao su; bà Nguyễn Thị Minh Thủy, nguyên Chủ tịch xã An Tây (H.Bến Cát, hiện là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương), ký xác nhận 41 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty Sobexco... Cơ quan điều tra xác định hành vi của các cán bộ nêu trên có dấu hiệu vi phạm các quy định quản lý đất đai, nhưng trong quá trình điều tra chưa phát hiện tư lợi, vụ lợi nên kiến nghị xử lý hành chính nghiêm khắc.
Trả lời câu hỏi của PV, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết việc thi hành kỷ luật các cán bộ này cần phải có hướng dẫn của cấp trên.
ĐỖ TRƯỜNG
THANH NIÊN
|