EEC khởi xướng điều tra biện pháp tự vệ toàn cầu đối với thép nhập khẩu
Vào ngày 07/08/2018, Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEC) đã ra thông báo khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm thép hợp kim và không hợp kim, thời kỳ điều tra 2015-2017.
Cụ thể, các sản phẩm bị điều tra trong đợt này bao gồm một số sản phẩm thép cán nóng, cán nguội, thép mạ có các mã HS: 7208, 7209, 7210, 7211, 7212, 7225, và 7226.
Trước mắt, EEC không có quy định cụ thể về giai đoạn điều tra và ra kết luận trong vụ việc tự vệ. Theo thông lệ thông thường của các nước khác, thời gian điều tra có thể kéo dài từ 09 đến 12 tháng.
EEC cáo buộc rằng, trong giai đoạn 2015-2017 đã có sự gia tăng lượng nhập khẩu các sản phẩm bị điều tra vào khối này cả về mặt tuyệt đối và tương đối, dẫn đến việc sụt giảm thị phần và gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.
Ngoài ra, EEC cũng đưa ra cáo buộc về sự đe dọa thiệt hại trong tương lai do khối này lo ngại ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dư thừa thép, sự phát triển của các biện pháp an ninh đặc biệt và chống bán phá giá với các sản phẩm thép trong giai đoạn 2015-2017 (đặc biệt là biện pháp 232 của Hoa Kỳ với thép) có thể dẫn đến phân phối lại sự nhập khẩu thép trên thị trường thế giới, bao gồm cả thị trường của EEC.
Theo quy trình, thủ tục của EEC (Nghị định thư về việc áp dụng biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nước thứ ba - Phụ lục 8 Hiệp ước về Liên minh kinh tế Á-Âu):
- Trong vòng 25 ngày kể từ ngày khởi xướng, các bên có quyền đăng ký làm bên có liên quan để tham gia vụ việc.
- Trong vòng 45 ngày kể từ ngày khởi xướng, các bên liên quan có quyền yêu cầu tổ chức tham vấn công khai.
- Trong vòng 60 ngày kể từ ngày khởi xướng, các bên liên quan có quyền bày tỏ quan điểm (bằng văn bản).
Nguyên Ngọc
FILI
|