Doanh số bán ôtô toàn thị trường trong tháng Bảy và 7 tháng giảm
Ngày 10/8, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) công bố doanh số bán hàng trong tháng 7/2018 của toàn thị trường đạt 21.466 xe, giảm 8% so với tháng 6/2018.
Xe ôtô thành phẩm tại Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai-Trường Hải (Quảng Nam). (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
|
Trong tổng doanh số bán hàng trên, doanh số của xe du lịch đạt 14.124 xe, doanh số của xe thương mại đạt 6.948 xe và doanh số của xe chuyên dụng đạt 394 xe. Với doanh số bán hàng này, ở cả ba phân khúc xe là du lịch, thương mại và xe chuyên dụng đều giảm so với tháng 6/2018 với mức giảm lần lượt 9%, 4% và 19%.
Về xuất xứ xe, trong khi doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 18.093 xe, giảm 6% thì doanh số của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 3.373xe, giảm tới 18% so với tháng trước (tháng 6/2018 có mức giảm tương ứng 1% và 24% so với tháng 5/2018).
Trong tháng Bảy vừa qua, Hyundai Thành Công đã bán được 5.921 xe, trở thành thương hiệu bán nhiều xe nhất trên thị trường, đứng ở vị trí thứ 2 là Toyota Việt Nam bán được 4.270 xe, vị trí thứ 3 là Kia có 2.487 xe được bàn giao đến tay khách hàng cả nước.
Tính chung tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tô Việt Nam bảy tháng năm 2018 đạt 148.536 xe, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xe du lịch tăng 9%, xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm tới 42%.
Tính theo xuất xứ xe, tính đến hết tháng 7/2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 12% trong khi xe nhập khẩu giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của giới kinh doanh, sức tiêu thụ của toàn thị trường ôtô Việt Nam trong tháng Bảy và trong bảy tháng năm 2018 đều giảm một phần vì các mẫu xe “hot” vắng bóng thị trường, những mẫu xe khách hàng cần mua thì không có, xe mới sắp ra mắt nên họ có tâm lý chờ đợi.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn là do các yếu tố tác động từ Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ôtô có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Nghị định 116 đã đặt ra một số quy định về “giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài” (VTA). Điều này, VAMA trước đó cho rằng không phù hợp với thông lệ quốc tế bởi các nước chỉ cấp chứng nhận với xe lưu hành trong nước, chứ không chứng nhận cho xe xuất khẩu.
Bên cạnh đó là quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu cũng được cho là gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp...
Kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực, thị trường ôtô nhập khẩu bảy tháng năm 2018 gần như “đóng băng,” ngoại trừ Honda và GM Việt Nam nhập được số lượng xe rất hạn chế về phân phối trong tháng Ba và tháng Năm.
Sau Honda và GM Việt Nam, bước sang đầu tháng Tám này là Toyota, Mitsubishi và Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) cũng đã hoàn tất thủ tục theo quy định của Nghị định 116 để đưa một số dòng xe về phân phối sau bảy tháng vắng bóng thị trường.
Xe nhập khẩu không về được, nguồn cung xe ôtô từ đầu năm đến nay chủ yếu là xe sản xuất lắp ráp trong nước với các doanh nghiệp và thương hiệu dẫn dắt thị trường như Thaco, Hyundai Thành Công, GM Việt Nam, Toyota Việt Nam... Điều này cũng thể hiện ở doanh số bán hàng của riêng xe sản xuất lắp ráp trong nước trong bảy tháng qua phục hồi mạnh, cụ thể là đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái./.
Văn Xuyên
Vietnam+
|