Dầu đảo chiều sau 2 phiên giảm liên tiếp
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh trong ngày thứ Năm (02/08), khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô tại trung tâm phân phối dầu ở Cushing (Okla) giảm mạnh, qua đó góp phần hỗ trợ giá dầu.
Ngoài ra, giá dầu cũng phục hồi sau khi giá dầu WTI rơi xuống đáy 6 tuần trong ngày thứ Tư (01/08) vì nỗi lo về sản lượng dầu toàn cầu và đà tăng bất ngờ của nguồn cung dầu ở Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (02/08), hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex tiến 1.3 USD (tương ứng 1.9%) lên 68.96 USD/thùng, sau khi có lúc rơi xuống 66.92 USD/thùng. Hôm thứ Tư (01/08), hợp đồng này giảm 1.6% xuóng 67.66 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 21/06/2018.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn cộng 1.06 USD (tương đương gần 1.5%) lên 73.45 USD/thùng.
Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, cho hay, công ty cung cấp dữ liệu thị trường năng lượng Genscape ghi nhận rằng, dự trữ dầu thô tại Cushing giảm mạnh – qua đó châm ngòi cho sự đảo chiều của giá dầu WTI và khiến các chuyên viên giao dịch hoài nghi về đà tăng của dự trữ dầu do Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) ghi nhận hôm thứ Tư (01/08). Dữ lệu hàng tuần từ Genscape cho thấy dự trữ dầu thô giảm 3.6% xuống còn 24.6 triệu thùng vào ngày 31/07/2018.
Vào ngày thứ Tư (01/08), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vọt 3.8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 27/07/2018, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 2.4 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts. Tuy nhiên, tổng sản lượng dầu thô Mỹ trong tuần qua giảm 100,000 thùng/ngày xuống 10.9 triệu thùng/ngày, dữ liệu từ EIA cho thấy.
Giá dầu gần đây chịu nhiều áp lực sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các nhà sản xuất đồng minh (như Nga) quyết định nâng sản lượng vào cuối tháng 6/2018 sau hơn 1 năm kìm hãm sản lượng. Động thái này diễn ra khi giá dầu tăng mạnh nhờ rủi ro địa chính trị đối với nguồn cung dầu ở Iran, trong đó giá dầu Brent vượt ngưỡng 80 USD/thùng trong thời gian ngắn.
Các chuyên viên phân tích tại công ty tư vấn JBC Energy ước tính rằng, sản lượng OPEC tăng 300,000 thùng/ngày trong tháng 7/2018, trong đó Ả-rập Xê-út – quốc gia có sức ảnh hưởng nhất của OPEC – là lực lượng chủ chốt đằng sau đà tăng này.
Sản lượng khai thác của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tăng khoảng 85.000 thùng/ngày hồi tháng 7, trong khi sản lượng của Ả-rập Xê-út tăng lên gần ngưỡng kỷ lục 10,65 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, xung đột thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về khả năng suy giảm nhu cầu dầu toàn cầu. Hôm thứ Tư (01/08), Nhà Trắng cho biết sẽ xem xét nâng mức thuế đối với hàng rào thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.
Naeem Aslam, Trưởng Bộ phận Phân tích thị trường tại Think Markets UK, cho hay, các nhà đầu cơ trên thị trường dầu đã bắt đầu mua dầu ở mức thấp nhất trong phiên vì họ tin rằng tâm lý hiện tại sẽ không kéo dài lâu, còn Mỹ và Trung Quốc rồi cũng tiến tới thỏa thuận.
Những nỗi lo ngày càng gia tăng quanh nguồn cung dầu Iran cũng góp phần vào đà tăng của giá dầu trong ngày thứ Năm (02/08).
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 9 tiến 1.1% lên 2.068 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 9 cộng 1.6% lên 2.132 USD/gallon.
Giá khí thiên nhiên tăng mạnh sau khi EIA ghi nhận trong ngày thứ Năm (02/08) rằng nguồn cung khí thiên nhiên tại Mỹ tăng 35 tỷ feet khối trong tuần kết thúc vào ngày 27/07, thấp hơn dự báo tăng 45 tỷ feet khối của các chuyên viên phân tích tham gia cuộc thăm dò của S&P Global Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 9 tăng 5.8 xu (tương ứng 2.1%) lên 2.816 USD/MMBtu.
Vũ Hạo
FiLi
|