Chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp: Dân được lợi gì?
Khi chuyển đổi, giá trị đất cao hơn nhiều so với đất nông nghiệp, không những dân được lợi mà TP HCM cũng phát triển
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chia sẻ xung quanh Nghị quyết 80/NQ-CP 2018 (viết tắt NQ 80) của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) trên địa bàn TP HCM.
Phóng viên: Thưa ông, NQ 80 tạo đà để TP giải quyết những khó khăn như thế nào?
- Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến: NQ 80 cho phép TP HCM điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là điều hết sức ý nghĩa. Có những vấn đề buộc TP phải điều chỉnh như chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, giúp TP phát triển những mục tiêu chiến lược như khu công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là những thế mạnh về thương mại dịch vụ. Hai là, giúp TP chống lại biến đổi khí hậu, những khu vực phát triển không phù hợp gây lún sụp, ngập sẽ được điều chỉnh. Ba là, cho phép TP cập nhật phát triển du lịch sinh thái ở Cần Giờ. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì Cần Giờ trước nay chưa được đầu tư phát triển đúng mức.
Hơn nữa, có NQ 80, TP sẽ cơ cấu lại quỹ đất cho phù hợp. Hiện đất nông nghiệp chiếm diện tích lớn hơn 50% nhưng chỉ đóng góp chưa tới 1% trong tổng cơ cấu kinh tế của TP. Ngoài ra, việc cơ cấu lại quỹ đất sẽ giúp TP sử dụng nguồn tài nguyên này hiệu quả hơn, tránh lãng phí.
Người dân sống trên đường Sông Suối (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) không được phép xây nhà ở vì lâu nay khu vực này là đất nông nghiệp Ảnh: LÊ PHONG
|
Trong 5 nhóm giải pháp mà TP đưa ra để thực hiện NQ 80, TP đặc biệt quan tâm giải pháp nào, thưa ông?
- Để thực hiện NQ 80, TP phải nghiên cứu kỹ trong từng nhóm giải pháp để làm thế nào bố trí, sử dụng quỹ đất hiệu quả. Sự tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ giúp TP tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Hiện nay, Ban Thường vụ đã cho phép UBND TP thuê tư vấn để điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Trên quy hoạch chung đó sẽ gắn kết với quy hoạch sử dụng đất. TP sẽ phát triển theo hướng đẩy mạnh khu công nghiệp công nghệ, những hoạt động gắn với phát triển công nghệ cao với phương châm là sử dụng quỹ đất ít nhưng hàm lượng giá trị tăng trưởng phải thật sự cao.
Hiện ở TP HCM có rất nhiều dự án treo, lãng phí nguồn đất rất lớn. Vậy TP sẽ xử lý vấn đề này thế nào, thưa ông?
- TP đang cho rà lại tất cả các dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa thực hiện và sẽ thu hồi để đấu giá hoặc đấu thầu nhằm chọn lựa những nhà đầu tư thật sự có năng lực. Theo đó, sẽ chia thành 3 nhóm dự án: Các dự án đã giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng doanh nghiệp không triển khai thì sẽ thu hồi chủ trương, trả lại quyền lợi hợp pháp về nhà đất cho người dân bị ảnh hưởng. Với các dự án đã ủy quyền cho quận, huyện thu hồi mà chậm thực hiện thì sẽ phân tích nguyên nhân chậm, tùy theo nguyên nhân để đề xuất hướng xử lý. Còn nhóm dự án đã đăng ký trong kế hoạch mà 3 năm vẫn chưa triển khai thì thu hồi theo quy định.
Đây là vấn đề khó, đòi hỏi sự quyết tâm làm và sẽ tốn nhiều thời gian. Ví dụ dự án Bình Quới - Thanh Đa, TP buộc phải đấu thầu chọn lại nhà đầu tư. Nếu không làm quyết liệt để nhà đầu tư không đủ năng lực đảm nhận, dự án sẽ tiếp tục bị kéo dài hoặc bỏ giữa chừng.
Trong NQ 80, Thủ tướng Chính phủ cho phép TP chuyển đổi hơn 26.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Khi chuyển đổi như vậy, người dân được lợi gì?
- Rõ ràng là người dân được lợi hơn. Khi đền bù giải tỏa thì đất phi nông nghiệp phải cao hơn đất nông nghiệp. Tất nhiên là người dân phải làm nghĩa vụ tài chính khi chuyển đổi nhưng khi nhà nước có nhu cầu thu hồi thì đất đô thị lúc nào cũng cao hơn. Ngoài ra, người dân thực hiện mua bán, giá cũng cao hơn. Hơn nữa, đất nông nghiệp không được xây dựng, đất đô thị được xây dựng. Không những người dân mà TP cũng phát triển.
Lộ trình chuyển đổi sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Khi TP tiến hành chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp thì phải bảo đảm 3 yêu cầu: Gắn với sự phát triển của TP; thuận lợi cho sự phát triển của người dân và doanh nghiệp; phù hợp với biến đổi khí hậu. Khi thực hiện chuyển đổi thủ tục phải chặt chẽ, không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Chuyển đổi trong 3 năm
Theo NQ 80, nhóm đất nông nghiệp của TP HCM được điều chỉnh đến năm 2020 là 88.005 ha. TP được phép chuyển 26.246 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. TP đã thực hiện chuyển 498 ha trong năm 2016. Lộ trình các năm còn lại từ 2017 đến 2020 là 9.158 ha; 11.743 ha; 2.771 ha và 2.076 ha. Nhóm đất phi nông nghiệp là 188.890 ha; trong đó đất phát triển hạ tầng là 34.921 ha, tăng 15.233 ha so với năm 2015.
|
Phan Anh ghi
Người Lao động
|