USD tăng, hàng trong nước áp lực tăng giá
Chỉ trong 3 tuần trở lại đây, giá USD của các ngân hàng thương mại tăng thêm 220 đồng/USD, tương ứng 1%. Nếu tính từ đầu năm, tổng cộng mức tăng đạt 320 đồng/USD, tương ứng 1,4%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đều vui khi giá USD tăng
Ảnh: Gia Khiêm
|
Xuất khẩu hưởng lợi
Chuyên gia Phan Dũng Khánh nhận định: Các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán trong lĩnh vực dầu khí, điện... có tỷ trọng vay ngoại tệ lớn cần tính toán lại trong bối cảnh giá USD tăng cao. Các DN có thể tính toán đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm tỷ giá để tránh rủi ro này.
|
Hôm qua (4.7), sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đột ngột điều chỉnh giảm giá bán USD xuống còn 23.050 đồng trước đó thì giao dịch trên thị trường ngoại tệ trở nên dè chừng hơn, giá USD giảm nhẹ 15 -
20 đồng, kéo giá mua ở nhiều ngân hàng xuống dưới 23.000 đồng và giá bán ra cũng xoay quanh mức 23.070 đồng. Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do giảm khoảng 30 đồng xuống còn 23.080 đồng và giá bán giảm 10 đồng xuống 23.120 đồng.
Diễn biến tỷ giá USD gần đây khiến bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương), tỏ ra vui mừng vì công ty này chuyên gia công xuất khẩu giày đi các nước. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng của Liên Phát tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng công ty này xuất khẩu 200.000 đôi giày đi nhiều nơi như Mỹ, châu Âu… và thu về được khoảng 500.000 USD. Khi giá USD tăng thêm 1% thì có thêm hơn 100 triệu đồng. “Đây là niềm vui và cũng là sự khích lệ cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu như chúng tôi”, bà Trương Thị Thúy Liên chia sẻ.
Bà Chu Thị Bình, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú, cho biết giá tôm xuất khẩu trên thị trường thế giới đang giảm, nên giá USD tăng là tin vui lớn đối với các DN trong ngành.
Lý do khiến USD tăng giá, theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn - Ngân hàng HSBC VN, do USD chịu áp lực từ cả các yếu tố nội tại cũng như các yếu tố có phần tiêu cực từ thị trường quốc tế. Trong nước, yếu tố mùa vụ với nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng cao của DN nhập khẩu trong những ngày cuối quý 2 và nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các DN khối FDI gia tăng. Thứ hai, theo số liệu gần nhất của Tổng cục Thống kê, mặc dù cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu từ tháng 1 - 4, nhưng đã bắt đầu nhập siêu 814 triệu USD trong tháng 5.
Trên thị trường quốc tế, những diễn biến bất ổn về thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã đẩy tâm lý nhà đầu tư vào trạng thái tiêu cực. Các yếu tố như USD mạnh hơn so với các tiền tệ chủ chốt, nhân dân tệ liên tục trượt giá, dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường vốn châu Á đã ảnh hưởng tới sự ổn định tiền đồng.
Ngoại tệ hắt hơi, DN trong nước ốm yếu
Trái ngược với niềm vui của các đơn vị xuất khẩu, các DN sản xuất hàng trong nước đang chịu nhiều áp lực khi giá ngoại tệ tăng. Cuối tháng 6 vừa qua, một số công ty thép xây dựng tại phía nam đã tăng giá bán thêm 200.000 đồng/tấn, lên 14,2 triệu đồng/tấn (chưa có VAT).
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, cho biết những lần tăng giá bán ra trước đó đều do giá nguyên liệu thế giới đi lên. Nhưng đợt tăng giá bán tuần trước hoàn toàn do giá USD tăng khiến giá thành sản phẩm nhích theo. Bình quân hằng tháng chỉ riêng Thép Việt phải nhập khẩu khoảng 84.000 tấn phế liệu. Với giá nhập khoảng 350 USD/tấn, mỗi tháng công ty này chi ra khoảng 29,4 triệu USD, tương đương 670 tỉ đồng. Khi giá ngoại tệ này lên thêm 1% thì hiện công ty mỗi tháng phải chi thêm gần 8 - 9 tỉ đồng nữa để nhập đủ lượng phế liệu trên.
“Giá ngoại tệ tăng sẽ khiến người tiêu dùng trong nước phải gánh chịu vì DN sẽ tăng giá bán. Nhưng nếu mức tăng quá cao thì chắc chắn sức mua sẽ giảm sút. Điều đó cũng khiến DN gặp khó trong tiêu thụ hàng hóa, doanh số đi xuống… Biến động về tỷ giá ngoại tệ chủ yếu do diễn biến thế giới, nên khó DN nào dự báo trước được ngay từ đầu năm”, ông Thái phân tích thêm.
Hàng loạt DN trong nước khác cũng lo lắng vì giá ngoại tệ đi lên. Bởi theo Tổng cục Thống kê, tính chung sau 6 tháng đầu năm nay cả nước đã xuất siêu 2,71 tỉ USD. Những tưởng nhiều công ty sẽ vui mừng khi giá USD tăng lên, nhưng số xuất siêu chủ yếu thuộc về các DN có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) với 15,65 tỉ USD còn khối DN trong nước lại nhập siêu đến 12,94 tỉ USD.
Theo ước tính, vẫn có gần 90% DN trong nước bỏ ngỏ quản trị rủi ro tỷ giá, nhất là DN vừa và nhỏ. Vì vậy khi giá ngoại tệ “hắt hơi” sẽ ngay lập tức khiến nhiều DN trở nên “ốm yếu”.
Trong khi đó, ông Ngô Đăng Khoa khẳng định hiện nay nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của DN vẫn được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Tất nhiên, giữa xu hướng thị trường còn nhiều bất ổn, đặc biệt dưới áp lực từ lạm phát, bản thân DN có nhu cầu ngoại tệ nên chủ động trong việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá phù hợp nhằm tránh những cú sốc tương tự trong tương lai.
Mai Phương
Thanh niên
|