Nửa cuối năm 2018: Kế hoạch giao dịch của nhà đầu tư cá nhân ra sao?
Vào nửa đầu năm 2018, biến động mạnh của chỉ số VN-Index đã ảnh hưởng đến kết quả giao dịch cũng như tâm lý của không ít nhà đầu tư cá nhân. Bước sang nửa cuối năm, liệu thị trường sẽ tốt hơn và các nhà đầu tư cá nhân sẽ quay lại tham gia thị trường nhộn nhịp hơn?
Nửa đầu năm: VN-Index gần như không tăng
Kết thúc giao dịch ngày 28/06, VN-Index đóng cửa ở mức 957.35 điểm. So với đầu năm, VN-Index không những không tăng mà còn giảm 38.42 điểm. Mặc dù có thêm hàng chục cổ phiếu mới niêm yết lần đầu trên sàn HOSE và vốn hóa thị trường tăng gần 300,000 tỷ đồng nhưng khối lượng và giá trị giao dịch lại không tăng.
Quý 1/2018, VN-Index tăng 19.33% so với đầu năm và có thời điểm vượt đỉnh lịch sử 11 năm, giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trở thành TTCK tăng trưởng mạnh nhất thế giới trong 3 tháng đầu năm. Nhưng sang đến quý 2, VN-Index lại đảo chiều giảm mạnh sau khi đạt đỉnh mới 1,204.33 điểm (ngày 09/04), khiến Việt Nam trở thành TTCK giảm mạnh thế giới trong tháng 4. Hiện tại, biểu đồ kỹ thuật vẫn đang cho thấy xu hướng giảm.
Với tình hình như mô tả trên, nhiều nhà đầu tư chứng khoán cá nhân đã bị thua lỗ. Một số nhà đầu tư bán bớt cổ phiếu theo nguyên tắc “up-trend thì mua, down-trend thì bán” và chọn nắm giữ phần lớn tiền mặt trong giai đoạn này, cũng như không lướt sóng nhiều như trước. “Thị trường ‘xương nhiều thịt ít’ nên lướt sóng tỷ lệ tăng yếu, đôi khi ngồi im là đỡ rủi ro nhất” – một nhà đầu tư nói.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư khác lại không chịu nổi áp lực tâm lý, bán tháo cổ phiếu, rút tiền ra khỏi thị trường, “người ra đi đầu không ngoảnh lại”. Một số khác bỗng dưng… trở thành nhà đầu tư dài hạn khi không biết phản ứng ra sao trước tình hình suy giảm của giá cổ phiếu.
Kế hoạch giao dịch của nhà đầu tư ra sao vào nửa cuối năm?
Trước mắt, thị trường chứng khoán vẫn chưa thực sự vào xu hướng tăng trở lại. Vậy, trong nửa cuối năm 2018, kế hoạch giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân như thế nào?
Chị V (kỹ sư, làm việc quận 1, TPHCM, đầu tư chứng khoán được vài năm) cho biết chị định bán hết cổ phiếu trong tài khoản nhưng mấy tháng nay giá cổ phiếu giảm quá nên chưa bán, chờ giá hồi lên lại sẽ bán, gom tiền về kinh doanh thứ khác, không đầu tư chứng khoán nữa. “2-3 tháng nay ngồi im không giao dịch gì hết” – chị nói.
Chị N (nhân viên văn phòng, làm việc tại quận 1, cũng đầu tư chứng khoán được vài năm) cho biết trong xu hướng giảm gần đây của thị trường chứng khoán, chị vẫn nắm giữ cổ phiếu nhưng không nhiều như trước, và đầu tư thêm bất động sản giá rẻ. Theo nguyên văn lời chị nói là: “Kệ, rải tiền ra, đầu tư mỗi kênh một ít. Hy vọng giá cổ phiếu sẽ tăng lại vào nửa cuối năm”.
Một nhà đầu tư cũng có vài năm bám sàn là anh H (kế toán, làm việc tại quận 10) chia sẻ lúc trước, đầu tư cổ phiếu cơ sở có lời thì anh đầu tư cổ phiếu cơ sở, giờ thị trường đang xu hướng giảm, đầu tư cổ phiếu không có lời nên anh chốt hết, chuyển sang đầu tư chứng khoán phái sinh. Hiện tại, anh đang giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30, tháng 9 này sẽ hết hạn.
Trên các diễn đàn, một số nhà đầu tư cá nhân khác thì tuyên bố: “Không cần biết như thế nào, khi nào thị trường up-trend trở lại thì mới vào lại”.
Chờ đợi dấu hiệu tích cực hơn
Những ngày gần đây, VN-Index đã tăng trở lại từ mức thấp nhất kể từ đầu năm là 931.75 điểm (ngày 29/5). Một số nhà đầu tư cá nhân bắt đầu quay lại thị trường sau đợt điều chỉnh giảm, lên các diễn đàn hỏi thăm mua cổ phiếu A, B, C, D được không, nhờ tư vấn.
Trên các phương tiện truyền thông, một số chuyên gia dự báo tình hình kinh tế vĩ mô vẫn tốt trong nửa cuối năm, mặc dù cho rằng có một số hạn chế và khuyên nhà đầu tư cần thận trọng hơn trước. Sắp tới, các doanh nghiệp sẽ phát hành báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và nửa đầu năm 2018, kỳ vọng sẽ thúc đẩy cổ phiếu tăng trưởng tốt.
Nhận định về cơ hội thị trường, các công ty chứng khoán cho rằng: “Tình hình vĩ mô trong nước tương đối ổn định; Nhiều cổ phiếu tốt đang có mức định giá hợp lý; Triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành: ngân hàng và bán lẻ - hàng tiêu dùng tích cực”.
Trong khi đó, những rủi ro có thể ảnh hưởng đến thị trường là “Căng thẳng thương mại trên thế giới, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam nhiều khả năng sẽ chậm lại trong các quý còn lại của năm. Ngoài ra, áp lực lạm phát, tỷ giá cũng là các yếu tố cần được theo dõi”.
Một nhà tư vấn đầu tư cổ phiếu đề xuất chiến lược giao dịch cho nhà đầu tư như sau: “Ai đã cắt rồi thì nên đứng ngoài, chờ thị trường thật sự ổn thì vào lại. Tiến hành bán cổ phiếu giảm mạnh và có tính bất lợi. Còn cổ phiếu nào xác định ôm dài hạn thì cứ ôm (không dùng margin hoặc margin ít), xác định ôm như ôm đất”.
Gia Nghi
FILI
|