Vì sao chứng khoán không có thần đồng?
Chứng khoán là một ngành kỳ lạ. Ngay cả những nhân vật thông minh nhất, kiến thức nhiều nhất thế giới vẫn có thể thất bại tại đây. Đặc biệt, ngành này không hề có thần đồng.
Không phải cứ IQ cao là thắng
Isaac Newton là một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học… nổi tiếng người Anh. Nếu người viết nói ông A, ông B... là thiên tài thì có thể bị phản bác ngay nhưng nếu nói Newton là thiên tài thì cấm cãi. Đây là một trong số rất ít các thiên tài vĩ đại nhất trong lịch sử.
Nếu bạn nghĩ các thiên tài có thể vào thị trường chứng khoán rồi ung dung dùng trí tuệ siêu việt của mình để lấy tiền của thiên hạ thì thật sai lầm. Newton lỗ đến hơn 90% khi đầu tư chứng khoán. Ngẫm lại về thất bại này, Newton đã từng nói một câu nổi tiếng: "Tôi có thể tính được chuyển động của các thiên thể nhưng không thể đo được sự điên rồ của con người”.
Không chỉ có Newton mà ngay cả các thiên tài đoạt giải Nobel Kinh tế như Robert Merton, Myron Scholes cũng không thoát khỏi thua lỗ nặng khi tham gia đầu tư. Đầu tư chứng khoán không phải là làm toán vì có rất nhiều biến số không tính toán được. Nếu không cẩn thận, các rủi ro bất thường có thể xuất hiện bất cứ lúc nào để cướp đi thành quả lợi nhuận của bạn.
Hình vẽ Isaac Newton của Godfrey Kneller. Nguồn: Biography.com
Có phải kiến thức nhiều là ăn?
Nếu thực sự như vậy thì các giáo sư, tiến sỹ đã sớm thành đại gia chứng khoán cả rồi. Không phải cứ chỉ báo nhiều là sẽ phân tích kỹ thuật hiệu quả. Không phải cứ xài ELWAVE, Advanced GET là sẽ thành chuyên gia về sóng Elliott. Có khối người học hết cả chục lớp về phân tích kỹ thuật lẫn phân tích cơ bản mà vẫn lỗ chổng vó.
IBM đã chế ra siêu máy tính Deep Blue để đánh thắng đại kiện tướng cờ vua Garry Kimovich Kasparov. Google cũng đã chế ra siêu máy tính AlphaGo để đánh thắng đại kiện tướng cờ vây Ke Jie. Nhưng có vẻ chưa có siêu máy tính nào đánh thắng được các huyền thoại ở Wall Street. Vậy thì nhà đầu tư phải làm thế nào mới có thể chiến thắng trên thị trường?
AlphaGo đánh bại Ke Jie. Nguồn: CNBC
Chứng khoán coi trọng kinh nghiệm nên ít gặp thần đồng
Theo cách hiểu chung của xã hội thì thần đồng là một người nhỏ tuổi nhưng đã phát triển một hoặc nhiều kĩ năng vượt xa so với mức chuẩn ở tuổi đó. Một thần đồng thường là một trẻ em hoặc ít nhất cũng nhỏ hơn 18 tuổi, thể hiện được trình độ của một người trưởng thành được đào tạo bài bản trong một lĩnh vực nào đó.
Bạn có bao giờ tự hỏi: "Tại sao trong chứng khoán hiếm khi thấy thần đồng?". Thần đồng toán học thấy khá nhiều, thần đồng tin học cũng không ít, thần đồng tiếng anh lại càng nhiều như nấm sau mưa. Tuy nhiên, thần đồng chứng khoán thì hầu như không nghe nói. Đến ngay như John Arnold được coi là trẻ nhất mà cũng phải qua 30 tuổi mới có danh tiếng và thành tỷ phú được. Điều này cho thấy chứng khoán coi trọng kinh nghiệm và khả năng bình tĩnh trong những đợt biến động mạnh của thị trường.
Một cậu bé 8 tuổi có thể ung dung ngồi giải một bài toán khó trong vài phút, có thể nhàn nhã viết hàng trăm đoạn code trong vài giờ, có thể học hết cả ngàn từ tiếng Anh trong vài ngày… nhưng có khi lại hoảng loạn vì bị bố mẹ cắt tiền tiêu vặt chứ chưa nói là mất hàng tỉ đồng trên thị trường. Đụng đến cơm áo gạo tiền thì đừng nói thằng nhóc 8 tuổi đến ông già 80 tuổi cũng có thể hoảng lên nữa là. Chẳng phải hồi bao cấp vẫn hay có câu nói “Mặt buồn như mất sổ gạo” đấy sao.
Không có trải nghiệm thì sẽ không thể bình tĩnh. Sự bình tĩnh này không thể mới sinh ra vài năm mà có được nên không có thần đồng cũng phải thôi.
Sự kiên trì là rất quan trọng
Những quan điểm liều mạng theo kiểu “Lợn chết thì sợ gì nước sôi, tay trắng thì sợ gì phá sản” hay “Liều thì ăn nhiều” là vô cùng nguy hiểm. Lúc nghèo hèn, tài khoản vài chục triệu thì còn xài được chứ làm ăn lớn mà vẫn suy nghĩ như thế thì dễ sập tiệm, cháy tài khoản như chơi.
Chứng khoán cũng như làm ăn đều coi trọng chữ nhẫn. Ngay cả các huyền thoại như Warren Buffett, Irving Kahn cũng phải "nhẫn" đến 35-40 năm mới trở thành tỷ phú thì nói gì đến người thường như chúng ta.
Nhà đầu tư cần kiên trì nghiên cứu để tìm ra mã cổ phiếu tốt. Tìm ra xong lại phải kiên trì chờ đợi để nó về mức giá hấp dẫn mà mình kỳ vọng để mua. Nhìn chung, học kiến thức nhiều là một chuyện nhưng để biến những kiến thức cơ bản, kỹ thuật, vĩ mô đó thành tiền thì nhà đầu tư cần phải hết sức kiên trì.
Thế Phong
FILI
|