Những doanh nghiệp chuyển sàn trong 6 tháng đầu năm
Theo thống kê của Vietstock, tính trong 6 tháng đầu năm 2018 có 18 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) chuyển sàn, trong đó có 10 doanh nghiệp buộc phải lui về UPCoM do hoạt động thua lỗ nhiều năm liền và 8 doanh nghiệp bước sang một sân chơi mới rộng lớn hơn là HOSE hoặc HNX.
“Bế tắc” nhiều năm, buộc phải rời sàn
Sau gần 9 năm trên HNX, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 Việt Nam (HNX: TH1) buộc phải hủy niêm yết vào ngày 20/04/2018 trước tình trạng thua lỗ kéo dài suốt 3 năm liền. Tính đến hết năm 2017, lỗ lũy kế của TH1 đã lên đến 276 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp 135 tỷ đồng. Sau một tuần bị hủy niêm yết, hơn 13.5 triệu cp TH1 đã lên UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 5,500 đồng/cp. Mặc dù trong kế hoạch kinh doanh 2018, TH1 đặt mục tiêu lãi hơn 11 tỷ đồng nhưng chỉ trong quý 1 Công ty tiếp tục lỗ 2.2 tỷ đồng do gia tăng các khoản trích lập dự phòng và chịu lãi vay từ dư nợ vay cao.
Một doanh nghiệp khác buộc phải rời sàn là CTCP In Sách giáo khoa Thành phố Hồ Chí Minh (UPCoM: SAP). Theo Nghị quyết của HĐQT SAP ngày 27/07/2015, Công ty phải tạm ngừng sản xuất vô thời hạn khi nhóm cổ đông nắm giữ 50% cổ phần có quyền chi phối đã không vì mục đích phát triển Công ty. Cho đến tháng 9/2015, nhóm cổ đông này thoái vốn, nhà đầu tư khác nhảy vào, SAP bắt đầu sản xuất trở lại từ tháng 10.
Trong thời gian ngừng sản xuất, Công ty phải đối mặt với các khoản chi phí cao (lương chờ việc của công nhân, tiền thuê đất, các loại bảo hiểm, bảo trì máy móc,…), lao động sau một thời gian ngừng việc đã xin nghỉ hẳn dẫn đến thiếu lao động. Bên cạnh đó, Công ty cũng không có được nguồn thu từ khai thác lô đất tại KCN Cát Lái-Quận 2 như dự kiến. Những gánh nặng trên kéo dài đã khiến SAP “oằn mình” trong thua lỗ suốt 3 năm liền, buộc phải hủy niêm yết vào ngày 26/04/2018.
Không chỉ lỗ 3 năm liền như CTCP Sông Đà 7 (UPCoM: SD7) hay CTCP Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng TMC (UPCoM: BHT), nhóm PXA, BHT, L44, MLS còn có lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp tính đến ngày 31/12/2017. Theo BCTC kiểm toán năm 2017, CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (HNX: PXA) có lỗ lũy kế lên đến 151 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ thực góp chỉ ở mức 150 tỷ đồng. Theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 150 triệu cp PXA chính thức bị hủy niêm yết vào ngày 05/06/2018 sau hơn 7 năm trên sàn, kể từ tháng 02/2011.
Trước khi rời sàn, tổ chức kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC năm 2017 của KHL và TV1. Sau khi HNX xem xét, nhận thấy kết quả kinh doanh của KHL lỗ 3 năm liên tục đã ra quyết định hủy niêm yết kể từ ngày 01/06/2018. Về phía TV1, tại thời điểm cuối năm 2017, Công ty chưa đánh giá đầy đủ khả năng thu hồi một số khoản công nợ đã quá hạn thanh toán hơn 170 tỷ đồng để xem xét trích lập dự phòng. Đơn vị kiểm toán cũng không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi đối với số dư công nợ này. Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng không thu thập được các bằng chứng để đánh giá tác động của khoản mục chi phí kinh doanh dở dang 453.6 tỷ đồng (đầu kỳ là 516 tỷ đồng) trên BCTC, không tính toán được số lãi vay đã được vốn hóa trong giai đoạn sau khi nhà máy thủy điện Sông Bung 5 do TV1 làm chủ đầu tư đi vào hoạt động đến năm 2015.
* Nhiều khoản mục tài chính mù mờ khiến kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, TV1 phải rời sàn từ 13/06
* TV1 sẽ khắc phục tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết như thế nào?
* Rời HOSE, TV1 sắp xuống giao dịch tại UPCoM với giá tham chiếu 13,800 đồng/cp
Một trường hợp ngoại lệ khác là CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (UPCoM: KHA) tự nguyện rời HOSE sang UPCoM. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 (01/12/2017) của KHA, có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên hủy niêm yết cổ phiếu KHA trên HOSE hay không. Bởi lẽ, nhiều cổ đông cho rằng cổ phiếu KHA có mức thanh khoản kém, giao dịch ít và bản thân Công ty không tận dụng được kênh huy động vốn từ khi niêm yết đến nay trong khi chi phí duy trì niêm yết không nhỏ. Ngược lại, một số khác phản đối vì cho rằng sau khi hủy niêm yết, chuyển xuống UPCoM thì tính minh bạch về thông tin sẽ không được đảm bảo. Cuối cùng, với tỷ lệ tán thành là 70.66%, đại hội đã thông qua việc hủy niêm yết cổ phiếu KHA. Do đó, kể từ 03/05/2018, KHA rời HOSE theo diện hủy niêm yết tự nguyện.
Chọn sân chơi mới để “nở hoa”
Bên cạnh các DNNY không đủ sức trụ, buộc phải lui về “ao làng” thì cũng có không ít DNNY khác muốn vươn ra “biển lớn”. Mở đầu là phiên chào sàn của hơn 39 triệu cổ phiếu CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, HOSE: SGR) vào sáng ngày 15/01/2018 với giá tham chiếu 29,000 đồng/cp. Ngay sau đó, cổ phiếu SGR đã kịch trần tại mức 34,800 đồng/cp, tức tăng 20%.
Theo định hướng của SGR giai đoạn 2016-2020, kinh doanh bất động sản, đặc biệt sản phẩm căn hộ chung cư sẽ là mục tiêu chiến lược của Công ty. Với quỹ đất sạch hiện có hơn 25 ha và tỷ lệ dư nợ vay từ các tổ chức tín dụng được duy trì ở mức 8%, SGR đang thực hiện triển khai nhiều dự án trong năm 2018.
Kết quả kinh doanh của SGR trong những năm gần đây đã có sự bứt phá, nhất là khi lãi ròng năm 2016 đạt hơn 273 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần năm 2015; lãi ròng năm 2017 đạt gần 140 tỷ đồng trong khi những năm trước đó chỉ đạt vài chục tỷ đồng. Đi lên từ một xí nghiệp sửa chữa nhà với số vốn ban đầu là 8 triệu đồng, số vốn Công ty hiện nay đã gần 396 tỷ đồng sau 35 năm thành lập.
Bên cạnh SGR, còn nhiều những doanh nghiệp muốn tìm sân chơi lớn hơn cho mình như GEX, VPD, TEG, DPG, DBD,… Hơn 266 triệu cp GEX chính thức lên HOSE từ ngày 18/01 với giá tham chiếu 25,100 đồng/cp. Trong 1 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu GEX nằm trong khoảng 31,400 - 34,450 đồng/cp.
Hiện nay, GEX đang từng bước hoàn tất việc tái cấu trúc, nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric) lên mức tối đa 100% thông qua việc nhận chuyển nhượng vốn góp của GEX tại các công ty con là CAV, THI và HEM. Mục tiêu của GEX là đưa Gelex Electric trở thành công ty holding nhóm thiết bị điện trong hệ thống Gelex nhằm quản lý tập trung các doanh nghiệp thiết bị điện. Theo đó, Gelex Electric sẽ sở hữu các thương hiệu như Cadivi, Thibidi, HEM,…
Trường Thành và Đạt Phương cũng chính thức gia nhập sàn HOSE trong nửa đầu năm 2018. Chỉ mới thành lập vào cuối năm 2011, đến nay TEG đã có 3 lần tăng vốn từ 6 tỷ đồng lên mức 180 tỷ đồng vào năm 2017. TEG cũng đã đổi tên Công ty từ CTCP TECGROUP sang CTCP Bất động sản và Xây dựng Trường Thành để phù hợp với mô hình hoạt động mới, tập trung vào phát triển và kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng. Công ty cũng có kế hoạch phát hành 10 triệu cp để tăng vốn lần thứ 4 trong năm 2018.
Về phía Đạt Phương, gần 30 triệu cp DPG đã chính thức giao dịch trên HOSE vào ngày 22/05/2018 với giá tham chiếu 53,800 đồng/cp. Hoạt động kinh doanh của PDG hiện nay dựa trên 3 ngành cốt lõi là xấy lắp, bán điện thương phẩm và bất động sản. Trong đó, bất động sản chiếm khoảng 30% trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên theo dự kiến, đến năm 2019 PDG mới bắt đầu ghi nhận nguồn thu từ mảng này.
Ngoài ra, ở lĩnh vực dược phẩm còn có sự góp mặt của CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (HOSE: DBD). So với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dược phẩm hiện đang niêm yết trên thị trường, quy mô về tài sản và vốn của DBD chỉ đứng thứ 2 sau DHG. Nhìn chung, các chỉ tiêu tài chính của DBD đảm bảo mức tương đồng so với các doanh nghiệp trong ngành.
* DBD sẽ rời UPCoM sang niêm yết tại HOSE
Danh sách các DNNY chuyển sàn trong 6 tháng đầu năm 2018
|
Nguyên Ngọc
FILI
|