Thứ Năm, 05/07/2018 15:09

Nhịp đập Thị trường 05/07: Lở chứng

Cơn sụt lở chứng khoán trong những phút cuối của phiên sáng tiếp tục làm điên đảo nhà đầu tư trong phiên chiều, với hàng loạt cổ phiếu nằm sàn, kể cả cổ phiếu lớn. Dù có 1 đợt khởi nghĩa xuất phát từ 1 số Large Cap như VIC, VCB, GAS… nhưng đến đợt ATC, lệnh bán lại xả ra nhấn chìm mọi thứ.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1.7% về 899.4 điểm, thủng mốc 900 điểm. VN-Index tuy giảm nhẹ hơn nhiều so với phiên 03/07, tuy nhiên đó là do tác động đỡ từ một số ít Large Cap, còn nhìn chung cổ phiếu giảm giá cũng rất mạnh. VN30-Index về 883.8 điểm, giảm 1.9% với 24 mã giảm giá (so với 5 mã tăng). Chỉ số sàn HNX thậm chí giảm mạnh hơn, tới 3.6% và lùi sâu dưới mốc 100.

Với tốc độ giảm giá mạnh không chỉ hôm nay mà tính từ đầu tháng Bảy, dường như nhiều cổ phiếu đang ở trạng thái call margin, do đó cứ khi có một đợt hồi là lệnh bán lại được xả ra. Hơn nữa, lệnh xả cũng không hẳn đến từ khối ngoại. Ví dụ như GAS, hôm nay khối ngoại mua bán ít và cân bằng, nhưng cổ phiếu này có lúc giảm về đúng mức sàn.

Là khối được kỳ vọng sớm công bố BCTC quý 2 tốt đẹp, không ngờ cổ phiếu ngân hàng vẫn bị bán như thác. Chiều nay, hàng loạt mã trong nhóm này giảm giá hơn 5% lúc đóng cửa như VCB, MBB, BID, CTG, ACB… Không rõ cổ phiếu nhóm này giảm có phải do yếu tố call margin hay không.

Giá cổ phiếu giảm mạnh, khối ngoại có lẽ vẫn kiên nhẫn gom ở bên dưới tham chiếu. Một số mã Large Cap được họ mua ròng nhiều hôm nay ví dụ như VCB, HDB, SSI, NT2… và đa số đều giảm giá khá mạnh. Tuy nhiên, khối ngoại cũng bán ròng nhiều ở các mã như STB, VHM, VIC, MSN, BID, DXG

Liên quan đến chính giao dịch khối ngoại, có lẽ VIC là một trường hợp hiếm khi giữ giá, thậm chí còn có xu hướng tăng nhẹ.

Quỹ VinaCapital vừa mua vào 100,000 cổ phiếu CTD làm tăng tỷ lệ sở hữu lên 5.09%, trở thành cổ đông lớn. CTD nằm trong số cổ phiếu Large Cap giảm mạnh nhất kể từ đầu năm của sàn HOSE, dù kết quả kinh doanh tính đến quý 1/2018 vẫn rất tốt. Trong tháng 6, CTD đã tổ chức đại hội cổ đông, qua đó cũng hé lộ nhiều tình tiết có thể lý giải tại sao cổ phiếu giảm giá, nhưng cũng nhờ đó mà hồi phục chút ít lên trên 160,000 đ/cp. Gần đây, cổ phiếu này lại giảm về 135,000 đ/cp. Tính trên P/E, dường như CTD đang rất hấp dẫn, có lẽ chính vì thế mà thu hút VinaCapital.

HOSE vừa công bố Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lớn nhất quý 2 và bán niên năm 2018. Trong số đó, SSI tiếp tục giữ vững ngôi đầu, thậm chí còn tăng thị phần. Tuy nhiên, điều này đi ngược với diễn biến giá cổ phiếu này trong hơn 3 tháng qua. Hiện giá SSI chỉ còn 26,850 đ/cp, giảm đến gần 40% so với đỉnh 44,400 đ/cp hồi giữa tháng tư.

Mà đâu chỉ SSI, nhiều cổ phiếu trong chính Top 10 thị phần này cũng giảm giá mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên trong nhóm này cũng có một “kẻ” đi ngược là ART. Với lượng khớp lệnh lên đến gần 1.3 tr.cp, ART hiên ngang… tăng trần dù không được khối ngoại đỡ, hay không nằm trong Top 10 thị phần.

Phiên sáng: Sụt lở cuối phiên sáng

VN-Index duy trì sắc xanh gần hết phiên sáng, nhưng lại đỏ vào phút cuối. VHM vẫn tăng hơn 2%, BVH vẫn xanh, nhưng một loạt Large Cap khác đổ đèo như GAS, MWG, CTG, VRE, VCB… Nhóm VN30 rớt mạnh hơn chỉ số, do có đến 23 mã giảm giá so với 5 tăng giá.

Nhóm ngân hàng tiếp tục giảm giá ngay sau phiên hồi hôm qua. Chỉ có TCBTPB tăng giá, trong đó TCB găm cứng trần nhờ tin chia thưởng. VCB ban đầu loanh quanh ngay bên dưới tham chiếu, nhưng đến cuối phiên sáng đã giảm mạnh hơn dù được khối ngoại mua ròng. Tương tự là MBB.

Dù được coi là hưởng lợi nhờ World Cup, nhưng không ngờ MWG lại giảm giá khá mạnh trong thời gian gần đây. Cổ phiếu này đã giảm hơn 20% trong nửa tháng qua, trong đó có khá nhiều phiên có “nến đỏ dài”. FRT có vẻ may mắn hơn 1 chút, trong 2 phiên trước và sáng hôm nay đều đứng giá, riêng sáng nay chưa khớp 1 cp nào.

Khối ngoại có lẽ đang ở trạng thái bán ròng. Trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, như thường lệ, họ vẫn bán ròng trên MSN, VIC, VHM. Sáng nay VNM cũng đang bị bán ròng. Ngược lại bên mua ròng đáng kể thì có HPG, VCB. Hơn nữa, có vẻ như khối ngoại khi mua thì vẫn kiên nhẫn gom ở giá thấp, còn khi bán, họ sẵn sàng đè giá. Như vậy khối ngoại cũng có nhiều “loại” có mục đích khác nhau.

Trên HNX, VGC đã giảm tới 9.3% dù khối ngoại mua ròng từ sớm. Thật không thể tin là cổ phiếu này, từ khi có thông tin Nhà nước thoái vốn đến nay, lại giảm kéo dài như vậy. Rõ ràng biến động giá VGC có tác động không nhỏ lên chỉ số HNX-Index. So với HOSE, chỉ số chính sàn HNX đã giảm 1 lèo kể từ khoảng 9h30 cho đến 11h30.

Tương tự chỉ số HNX là UPCoM-Index. Chỉ số này cũng giảm 1 lèo suốt phiên sáng, dưới sự tác động tiêu cực từ những cổ phiếu như MSR, VGT, SDI, VIB hay BSR.

Nhóm chứng khoán có nhiều mã đang và sắp mất hết thành quả tăng giá kể từ đầu năm, bao gồm cả những cổ phiếu trong Top5 thị phần. VCI tuy tăng giá nhẹ 0.4%, nhưng hiện giá đang gần như là bằng đúng mức giá khớp trong phiên cuối năm 2017. SSI, HCM thậm chí đã giảm hơn thời điểm cuối năm 2017.

DXG giảm sàn, có lẽ do liên quan đến thông tin về kiến nghị thu hồi đất của 1 dự án ở quận 7. Khối ngoại đang bán ròng chừng 240,000 cp, dù cách đây mấy hôm 1 quỹ ngoại dã mua hơn 700,000 cp.

Tháng 7 này HOSE cũng sẽ thông báo điều chỉnh lại cơ cấu rổ VN30. PNJ, VPB, VRE là 4 mã được dự báo vào VN30 trong kỳ này, thay cho KDC, NT2, HSGBMP. Tuy vậy loại thông tin này cũng không có nhiều ý nghĩa trong giai đoạn suy giảm hiện nay.

10h30: Diễn biến của index có lợi cho sàn phái sinh

VN-Index giảm xuống dưới tham chiếu sau đợt ATO, nhưng nhanh chóng bật ngược lên. Tác nhân chính dẫn đến kết quả này đến từ một số mã vốn hóa lớn như VHM, VJC, GAS, BVH, trong đó trừ VHM đã tăng suốt từ đầu phiên, những mã sau đó khởi đầu giảm hoặc đứng giá, sau đó mới tăng. Dù vậy, việc đỡ chỉ số này vẫn mang tính đơn lẻ và mong manh. Có lẽ chỉ có lợi cho sàn phái sinh, với những ai đánh intraday.

Nhóm ngân hàng đang nghiêng nhiều hơn vào sắc đỏ. Trừ TCB tăng trần vì chia thưởng, đa số cổ phiếu đang giảm bình quân 1-1.5%.

TCB đã quay lại dư mua trần, lượng khớp hiện đã đạt ½ lượng khớp cả ngày hôm qua. Cổ phiếu này đã hết room cho khối ngoại, nên có thể hiểu rằng đợt tăng giá này thể hiện kỳ vọng của NĐT nội địa vào kết quả quý 2.

Trên HNX, VGC bất ngờ giảm mạnh đén 7.8% dù khối ngoại đang mua ròng hơn 200,000 cp. Thông tin DC thoái lui có lẽ đang tác động mạnh nhất lên giá cổ phiếu này.

Dù GAS tăng rồi lại giảm, nhưng 3 cổ phiếu nhỏ hơn trong nhóm phân phối khí là CNG, PGDPGS lại đang tăng khá tốt, trong đó PGS tăng đến 6%. Quy định mới nhất về cơ chế cho phép các thương nhân nhỏ lẻ phân phối gas có lẽ không còn tác động xấu lên PGS.

Nhóm sắt thép đang có 1 phiên khá khởi sắc. Trừ HPG và HSG là 2 đại gia trong ngành nhưng cổ phiếu giảm giá, khá nhiều cổ phiếu nhỏ hơn lại tăng giá, trong đó có POM, TVN, VIS

Hôm nay là ngày cổ đông HDB (nằm trong danh sách được chốt vào 21/06/2018) sẽ được nhận cổ tức 13% (tiền về tài khoản đối với trường hợp đã lưu ký tại công ty chứng khoán). HDB cũng hội đủ điều kiện được HOSE cho phép giao dịch ký quỹ. Đây là tin tốt cho cổ phiếu này, tuy vậy thị giá sáng nay vẫn chỉ tăng nhẹ chừng 0.9%.

Thông tin Samsung “lôi kéo” thêm 200 doanh nghiệp phụ trợ Hàn quốc đầu tư nhà máy ở Việt Nam dường như chưa tác động tốt lên cổ phiếu KBC, nên giá vẫn giảm hơn 2% sáng nay.

DHG tăng giá 6.6% rõ ràng nhờ thông tin Daisho chào mua cổ phiếu giá 120,00 đ/cp. Cho dù việc chào mua khi thực hiện có thể không chịu lệ thuộc vào biên độ giá trên sàn, nhưng những ai mua DHG bây giờ đều có cơ hội chốt lời 1 phần khi đăng ký bán cho Daisho. Rủi ro lớn nhất của DHG lúc này có lẽ là yếu tố thị trường: nếu thị trường suy giảm, cổ phiếu này vẫn có thể giảm theo.

Mở cửa: Rẻ vẫn giảm

VN-Index mở cửa sáng nay chỉ cao hơn tham chiếu vài line, cho thấy nhà đầu tư vẫn còn rất e ngại trước những thông tin vĩ mô. “Cổ phiếu đã trở nên rẻ và hấp dẫn”, thông điệp kiểu này dù được một số chuyên gia kỳ cựu trên “sàn chứng” tuyên bố hôm qua chưa đủ sức “lay động lòng người”, nên giá cổ phiếu vẫn có rủi ro giảm tiếp.

Trong nhóm Large Cap sàn HOSE, số cổ phiếu giảm giá vẫn nhiều hơn số tăng. Riêng trong nhóm VN30, số cổ phiếu giảm đang gấp 2 lần số tăng. Trên sàn HNX, gần 80% cổ phiếu… đứng giá. VHM tiếp tục tăng sau phiên trần hôm qua, nhưng lực tăng không đỡ nổi chỉ số. Giảm giá mạnh nhất là ROS (cổ phiếu này có lẽ không biết đâu là đáy), sau đó là MSN.

Nhóm ngân hàng đang phân hóa, các đại gia có gốc nhà nước giảm giá, khối tư nhân có nhiều mã tăng. TCB tăng trần 6.9% nhờ yếu tố chia thưởng, tiếp sau đó là TPB.

Sàn HNX sau khi tăng trong vài phút đầu phiên thì đã chuyển sang sắc đỏ. PLCDBC tăng gần 7.6% và 4.1% nhưng khá đơn độc trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn của sàn này. VGC vẫn giảm dù thông tin thoái vốn nhà nước ngày càng trở nên “nóng”.

TCB hôm nay giao dịch không hưởng cổ phiếu thưởng, đầu phiên ATO lệnh mua rất lớn, và nhờ đó cổ phiếu này khớp ở giá trần 28,850 đồng/cp. Tuy nhiên sau đó lượng bán gia tăng khiến giá cổ phiếu này đang lui xuống. Trong giai đoạn hiện nay, khi cổ phiếu ngân hàng giảm nhiều hơn tăng, việc mua trần là rất rủi ro cho những ai lướt sóng.

Nhóm Dragon Capital công bố đã bán tổng cộng 1,270,000 cp Tổng công ty Viglacera (VGC). Qua đó, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm giảm từ 10.14% về 9.85%, ứng với số lượng còn lại 44,199,500 cổ phiếu. Cụ thể, Vietnam Enterprise Investment Limited bán 360,000 cp, Norges Bank bán 310,000 cp, KB Vietnam Focus Balanced Fund bán 70,000 cp, Vela SPC Ltd bán 430,000 cp. Đây là thông tin bất ngờ, vì VGC đang trên con đường thoái vốn Nhà nước.

PNJ tiếp tục tăng phiên thứ hai sau phiên bắt đáy hôm qua. Tuy nhiên khối lượng lệnh hai bên mua bán đang rất thấp.

YEG tiếp tục đo sàn với dư mua bằng 0. Vốn được coi là cô đặc, do đó có lẽ lượng bán sàn mấy hôm qua và sáng nay thuộc về các cổ đông đã nắm giữ cổ phiếu từ trước. Dù vậy, P/E trailing của YEG vẫn khá cao.

Hoàng Nam

FILI

Các tin tức khác

>   VN30 Futures 05/07: Cửa bán vẫn an toàn hơn? (04/07/2018)

>   Vietstock Daily 05/07: Khối ngoại ồ ạt thoát khỏi thị trường (04/07/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 04/07: Bất động sản dậy sóng (04/07/2018)

>   VN30 Futures 04/07: Chỉ còn kỳ vọng vào vị thế đầu cơ giá xuống (03/07/2018)

>   Vietstock Daily 04/07: Hy vọng cạn dần (03/07/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 03/07: Nhiều ngành giảm sâu, thị trường đỏ lửa (03/07/2018)

>   VN30 Futures 03/07: Đảo vị thế bán tại vùng đáy tháng 05/2018 của VN30-Index? (02/07/2018)

>   Vietstock Daily 03/07: Giữ vững vùng đáy tháng 05/2018? (02/07/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 02/07: VN-Index mất gần 14 điểm (02/07/2018)

>   VN30 Futures Weekly 02-06/07/2018: Chờ đợi tín hiệu xác nhận xu hướng của VN30-Index (01/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật