Thứ Tư, 25/07/2018 10:44

Ngân hàng Việt sẽ là 'miếng mồi ngon' cho các đại gia Hàn Quốc

Trong 5 tháng đầu năm nay, có khoảng 300 doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đến tôi và bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng".

Ông Michael Dc Choi, Phó giám đốc Trung tâm M&A Hàn Quốc - Kotra

Đây là chia sẻ của ông Michael Dc Choi, Phó giám đốc Trung tâm M&A Hàn Quốc thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2018.

Theo đánh giá của ông Choi, xu hướng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong suốt 25 năm qua. Ở giai đoạn đầu tiên, các doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu đầu tư vào các dự án có thâm dụng lao động như dệt may hay da giày khi các công ty nước này muốn tận dụng Việt Nam như một trung tâm sản xuất.

Bắt đầu từ giữa thập niên 2000, xu hướng đầu tư tập trung vào lĩnh vực điện tử, giá trị đầu tư đã tăng lên. Ở làn sóng thứ 3, nguồn vốn từ đất nước Đông Á này tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Và đến làn sóng đầu tư thứ 4 cũng chính là trong giai đoạn sắp tới, lĩnh vực tài chính - ngân hàng và fintech tại Việt Nam sẽ là một miếng "mồi ngon" cho các đại gia Hàn Quốc.

Mặc dù không còn giữ được vị trí số 1 về đầu tư vào Việt Nam do Nhật Bản có dự án đô thị thông minh của tập đoàn Sumitomo, song đại diện Kotra đánh giá, xét về nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc vẫn giữ được khoảng cách khá gần so với Nhật Bản trong nửa đầu năm 2018.

Ông Choi cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, ông đã làm việc với khoảng 300 doanh nghiệp Hàn Quốc có mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và sản xuất chế tạo.

Cũng từ sau khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết, số lượng các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đến Việt Nam để đầu tư đã tăng lên mạnh mẽ.

Lý giải điều này, ông Choi cho rằng Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc bởi nguồn dân số đông và trẻ; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt cũng được đánh giá tích cực. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ tại Việt Nam vẫn được các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá là trung tâm của khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hết sức quan tâm vào lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, trong đó có sự giao thoa giữa đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Ông Đặng Xuân Minh, tổng giám đốc công ty AVM Việt Nam.

"Hàn Quốc sẽ là nhà đầu tư nước ngoài tiên phong trong các lĩnh vực tài chính tại Việt Nam như bảo hiểm, ngân hàng, thuê mua,… Không những số lượng mà chất lượng, cơ cấu của các thương vụ M&A trong lĩnh vực này cũng sẽ có những chuyển dịch", ông Minh nhận định.

Theo báo cáo của AVM, xu hướng được các nhà đầu tư quan tâm trong thời gian tới là các lĩnh vực tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng... Theo đó, vốn còn nhiều tiềm năng đối với Việt Nam.

Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhìn nhận, ngân hàng và tài chính đang được các nhà đầu tư quan tâm khi 70% trong số 95 triệu dân của Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng; xu hướng tiêu dùng cũng đã thay đổi rất nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, một đại diện của Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhìn nhận, các thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng hiện nay vẫn chủ yếu do các ngân hàng của Việt Nam thực hiện; sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế do các quy định về vốn, thủ tục đăng ký...

Theo đó, đại diện của SHS dự báo trong 10 năm tới, các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc sẽ tham gia vào các ngân hàng hoặc các công ty fintech hơn là các công ty tài chính.

Trong khi đó, báo cáo của AVM chỉ ra rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn cơ hội, chẳng hạn như BIDV hay một số ngân hàng vẫn còn chỗ cho nhà đầu tư chiến lược; các công ty tài chính, ngân hàng cũng sẽ cần tìm đối tác để phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông DC Choi cho biết, hiện nay Kotra cũng đã nhận được nhiều yêu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các tổ chức tài chính cũng như các tổ chức đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc. Đại diện Kotra dự báo sẽ có nhiều nhà đầu tư chiến lược cũng như nhiều nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam thông qua M&A trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm tới các công ty công nghệ tài chính (Fintech) có liên kết với các công ty tài chính tại Việt Nam.

Theo chia sẻ của đại diện Kotra, tổ chức này đã tham gia tư vấn cho KB Secirities thuộc tập đoàn tài chính KB của Hàn Quốc mua lại công ty chứng khoán Maritime vào năm ngoái. Riêng trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, 3 công ty đang hoạt động tích cực tại thị trường Việt Nam là KIS Việt Nam, Mirae Asset Việt Nam và Shinhan Việt Nam.

Tính đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có 2 ngân hàng 100% vốn Hàn Quốc (trong 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài) là Shinhan Bank và Woori Bank. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng lớn khác của Hàn Quốc cũng đã thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam như KEB Hana, Industrial Bank of Korea, Kookmin, Busan, Nonghyup, Ngân hàng Nông nghiệp Hàn Quốc...

Bên cạnh những cơ hội, ông Choi cho rằng vẫn còn tồn tại một số khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào các công ty tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là việc thiếu thông tin, khó khăn trong việc hiểu rõ thị trường đầu tư, kinh doanh mới; xem xét và cải tổ lại hệ thống doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Choi nhìn nhận, quy định nhà đầu tư nước ngoài mua, bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam được nắm giữ tối đa 49% tổng số cổ phiếu của công ty cổ phần đại chúng sẽ khiến họ không thể nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Để tận dụng được tính hấp dẫn của thị trường tài chính ngân hàng đang xuất phát từ bản thân thị trường và nhu cầu của khách hàng Việt Nam, ông Phạm Văn Thinh cho rằng cần tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng có hoạt động yếu kém; có thể hợp nhất một số ngân hàng với các ngân hàng khác.

Quỳnh Chi

Nhà quản trị

Các tin tức khác

>   Khủng hoảng niềm tin: Từ Khaisilk đến Con Cưng (25/07/2018)

>   Phát hiện vụ vận chuyển 97.000 USD trái phép (24/07/2018)

>   Thủ tướng: Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình gian lận thương mại (24/07/2018)

>   Kho tiền của người tổ chức mạng lưới đánh bạc chục nghìn tỷ đồng (24/07/2018)

>   Bí thư Đà Nẵng nói gì về phiên tòa xét xử Vũ "nhôm"? (24/07/2018)

>   Việt Nam nhập gần 140.000 tấn thịt trong nửa đầu năm 2018 (24/07/2018)

>   Quy mô của Con Cưng ra sao trước khi dính khủng hoảng? (24/07/2018)

>   Kết luận nhiều sai phạm tại các cửa hàng của Con Cưng (24/07/2018)

>   Út 'trọc' đã mạo nhận và trốn thuế như thế nào? (24/07/2018)

>   Cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp thực phẩm (24/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật