MaritimeBank khuyến cáo khách hàng cách giao dịch thẻ và Ngân hàng điện tử an toàn
Để an toàn, tránh bị tội phạm công nghệ tấn công có chủ đích vào tài khoản thẻ hay tài khoản ngân hàng điện tử, theo Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank, MSB), trước hết, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản như: cách nhận biết hành vi gian lận, cách sử dụng thẻ và Ngân hàng điện tử/Ebank an toàn để tự bảo vệ tài khoản của mình.
Cách nhận biết hành vi gian lận của tội phạm công nghệ
Nếu thấy một trong số những hành vi dưới đây thì hãy thật cảnh giác bởi đó có thể là “chiêu” của tội phạm công nghệ:
- Email có địa chỉ gửi từ các Tổ chức thẻ Quốc tế (TCTQT) Visa, Mastercard, Amex, JCB… với nội dung thông báo giao dịch bị từ chối, trong khi bạn không hề thực hiện giao dịch qua thẻ; hoặc email thông báo thẻ của bạn bị khóa và yêu cầu bạn cung cấp lại thông tin cá nhân, trong đó có thông tin thẻ để kích hoạt/mở lại thẻ hoặc yêu cầu cung cấp bổ sung thông tin cá nhân, thông tin tài khoản thẻ vào link sẵn có.
- Cuộc gọi từ một số điện thoại lạ với đầu số + 31385 hoặc +36022… dàn dựng giả vụ án bắt cóc để đòi tiền chuộc gửi đến một tài khoản lạ.
- Các cuộc gọi mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc cảnh sát yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân quan trọng như mã ngân hàng/số tài khoản…
- Cuộc gọi mạo danh cơ quan chính quyền hay email; cuộc gọi đề nghị chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định để nhận tiền mặt/quà có giá trị rất lớn từ nước ngoài…
Cách giao dịch để thẻ và Ebank an toàn
Thực tế, các Ngân hàng, tổ chức tín dụng và các TCTQT không bao giờ yêu cầu bạn cung cấp các thông tin cá nhân hoặc thông tin bảo mật như số tài khoản ngân hàng, số PIN thẻ ATM, mã truy cập và mật khẩu Internet Banking qua email hay điện thoại.
Nếu có thì đó là thư mạo danh Ngân hàng hoặc TCTQT nhằm đánh cắp thông tin của Chủ thẻ.
Vậy để giao dịch thẻ và Ebank được an toàn, MaritimeBank đã đưa ra một số khuyến cáo sau cho khách hàng:
- Tuyệt đối không bao giờ cung cấp thông tin thẻ, thông tin cá nhân từ các email/cuộc gọi mạo danh, đặc biệt: Số Thẻ (gồm 16 số); Ngày hiệu lực của thẻ ; Số CVC2 - 3 số in nghiêng trong ô màu trắng, liền sau dải chữ ký thẻ quốc tế; Địa chỉ nhận sao kê hàng tháng (bởi các Ngân hàng đều đã có thông tin cá nhân của bạn khi đăng ký dịch vụ).
- Trong mọi tình huống, không nên nhấp chuột vào các đường link lạ và tuyệt đối không mở các file đính kèm từ các email giả mạo hoặc không rõ nguồn gốc
- Tuyệt đối không cung cấp Tài khoản đăng nhập, Mật khẩu, Mật khẩu dùng một lần (OTP) trong bất kỳ trường hợp nào yêu cầu để nhận/nạp tiền.
- Không sử dụng mã PIN gắn liền với các thông tin cá nhân như số di động, số CMT ngày sinh, ghi số PIN bỏ vào ví… và tiết lộ mã PIN cho người khác.
- Không nạp/chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ khi nhận được các cuộc gọi lạ.
- Không mở hộ thẻ/tài khoản cho người khác kể cả cho mượn hoặc bán.
- Không nên dùng wifi/mạng internet tại các địa điểm công cộng để truy cập và sử dụng các dịch vụ Ebank mà không chắc chắn hay tin tưởng độ bảo mật của các mạng này.
Nếu không may đã cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thẻ… của mình cho người lạ/email/cuộc gọi lạ hoặc gặp bất cứ tình huống lạ nào khác, ngay lập tức bạn hãy gọi cho MaritimeBank - dịch vụ khách hàng 24/7 qua số hotline 1800 59 9999 (miễn phí trong nước) hoặc (024) 39 44 55 66 để khoá thẻ tự động qua tổng đài và được tổng đài viên hỗ trợ; hoặc bạn có thể tự chủ động khoá thẻ trên MSB Internetbanking, ứng dụng MSB Mobile banking và Email: Cardrisk@msb.com.vn để được tư vấn, hỗ trợ xử lý tiếp theo.
FILI
|