Hãm phanh tín dụng sau 3 năm tăng nóng
Dư nợ tín dụng đã có 3 năm liên tiếp gần đây tăng trưởng trên mốc 18%, tuy nhiên năm nay có thể sẽ là lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng không được phép vượt mục tiêu đề ra, thậm chí phải thấp hơn, không chỉ vì định hướng kiềm chế của nhà điều hành mà còn từ những yếu tố khác của thị trường.
Nhưng năm nay mọi thứ đã thay đổi, nhất là khi chính sách tiền tệ hiện nay không còn cần phải mở rộng quá mức để hỗ trợ cho tăng trưởng, do đó NHNN cũng khó có thể đồng ý điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vượt mức cho các ngân hàng.
|
Từ định hướng của nhà điều hành
Lần gần đây nhất tăng trưởng tín dụng nằm dưới mốc 15% là vào năm 2014 khi ở mức 14.39%, trước đó năm 2013 là 12.52%, 2012 là 6.45% và 2011 là 10.9%. Có thể thấy sau một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng lên đến hàng chục % từ những năm 2010 trở về trước đã kéo theo sự bất ổn của nền kinh tế, nợ xấu tăng vọt, thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã chủ động hãm phanh tín dụng như là một giải pháp để ổn định vĩ mô.
Và điều này dường như đang được lặp lại. Dù những dấu hiệu bất ổn như lạm phát và tỷ giá chỉ mới chớm xuất hiện, nhưng nhà điều hành gần đây liên tiếp cho thấy ý định thắt chặt chính sách hơn để hạn chế những bất ổn tiềm tàng. Trong một chia sẻ gần đây, một lãnh đạo của NHNN cũng cho biết cơ quan này có thể không nhất thiết phải đạt mục tiêu tín dụng 17% đặt ra cho năm nay.
Ngay sau lời nói trên là một quyết định rõ ràng hiện thực hóa định hướng của NHNN, khi hôm 18/7 vừa qua cơ quan này đã có công văn số 5321/NHNN-TTGSNH ngày 17/7/2018 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) về việc thực hiện quy định về lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên, theo đó một nội dung quan trọng được đề cập là yêu cầu các TCTD kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NHNN thông báo, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Có thể thấy thông điệp yêu cầu kiểm soát tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn sau một thời gian dài đã xuất hiện trở lại, cho thấy nhà điều hành không chỉ muốn các TCTD phải kiểm soát vốn ra phù hợp với nguồn vốn hiện có, mà dường như đang lo ngại khả năng các ngân hàng có thể bước vào một cuộc đua lãi suất huy động mới, nhất là trong bối cảnh tỷ giá và lạm phát cũng đang gây áp lực lên mặt bằng lãi suất.
Nhà điều hành cũng muốn nhắc nhở sớm các ngân hàng cần phải tuân thủ mục tiêu tín dụng đã được giao, tránh trường hợp tăng vượt mức và rồi sau đó xin điều chỉnh hạn mức như năm 2017, theo đó một số ngân hàng đã tăng trưởng lên đến hàng chục %. Nhưng năm nay mọi thứ đã thay đổi, nhất là khi chính sách tiền tệ hiện nay không còn cần phải mở rộng quá mức để hỗ trợ cho tăng trưởng, do đó NHNN cũng khó có thể đồng ý điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vượt mức cho các ngân hàng.
Trước đó NHNN cũng đã nhiều lần cảnh báo các ngân hàng phải hạn chế rót vốn vào các khu vực rủi ro như các dự án BOT, BT, bất động sản hay chứng khoán. Cũng cần lưu ý rằng giai đoạn 2015-2017 tăng trưởng tín dụng đạt mức cao là do nhu cầu vốn vay để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng bằng hình thức BOT, BT rất mạnh và nhiều ngân hàng đã tài trợ vốn cho những dự án như vậy. Tuy nhiên, điều này giờ đây không còn nữa, do đó tăng trưởng tín dụng có giảm tốc cũng là điều tất yếu.
Đến yếu tố thị trường
Không chỉ ở các dự án đầu tư nói trên, mà vốn vay cho bất động sản hay chứng khoán cũng đã bị khóa chặt hơn. Với thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn nhiều rủi ro, thị trường bất động sản tiềm ẩn bong bóng, thì không chỉ chính các TCTD chủ động hạn chế vốn vay cho khu vực này, mà chính giới kinh doanh cũng thôi mạo hiểm vay vốn để đầu tư mạnh mẽ như giai đoạn trước đây.
Đối với hoạt động cho vay tiêu dùng sau một thời kỳ tăng trưởng nóng thì gần đây cũng đã bị NHNN cảnh báo rủi ro về chất lượng tín dụng, trong khi chính người vay cũng cảnh giác hơn sau hàng loạt chiêu trò của các công ty tài chính tiêu dùng, từ giai đoạn thiết lập khoản vay cho đến lúc đòi nợ gây ra không ít bức xúc. Có thể thấy dư nợ tín dụng tiêu dùng cũng là một trong những động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong năm 2017.
Một yếu tố quan trọng khác cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể lên con số tăng trưởng tín dụng năm nay chính là hoạt động cho vay ngoại tệ. Theo quy định thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải tất toán các khoản cho vay ngoại tệ vào cuối năm nay, sau nhiều lần đã được gia hạn. Với dư nợ của nhóm này lên tới vài trăm nghìn tỷ đồng được tất toán thì tất yếu sẽ ảnh hưởng đến con số tăng trưởng dư nợ chung của toàn hệ thống.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng NHNN tiếp tục cho phép gia hạn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong tình hình tiền đồng thời gian qua lên giá so với các đồng tiền khác trong khu vực, khi các nước này chủ động phá giá, mà đồng Nhân dân tệ là một minh chứng cụ thể.
Ngoài ra, dư nợ ngoại tệ của nhóm khách hàng doanh nghiệp nhập khẩu cũng phần nào bị tác động trong bối cảnh rủi ro tỷ giá như hiện nay. Như hôm đầu tuần này (23/7), NHNN đã bất ngờ tăng mạnh trở lại giá bán USD ra thị trường thêm 223 đồng, kích hoạt giá giao dịch tại các ngân hàng tăng thêm từ 130 – 150 đồng, tương ứng tăng đến 0.6% chỉ trong vòng 1 ngày, mức tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Rõ ràng trước tình hình thị trường ngoại hối ngày càng biến động khó lường theo diễn biến của thị trường quốc tế, trong khi rủi ro của cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang, thì những doanh nghiệp có cơ sở để lo lắng nếu muốn vay vốn ngoại tệ phục vụ cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa.
Theo quy định thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải tất toán các khoản cho vay ngoại tệ vào cuối năm nay, sau nhiều lần đã được gia hạn. Với dư nợ của nhóm này lên tới vài trăm nghìn tỷ đồng được tất toán thì tất yếu sẽ ảnh hưởng đến con số tăng trưởng dư nợ chung của toàn hệ thống.
|
Phan Thụy
FILI
|