Mạnh tay điều chỉnh tỷ giá, thị trường sớm bình ổn?
Thị trường ngoại hối trong những ngày qua liên tiếp có những điều chỉnh từ nhà điều hành, khiến diễn biến trở nên cực kỳ sôi động. Với một loạt giải pháp được thực hiện liệu có giúp thị trường sớm bình ổn trở lại?
Tạo cớ để điều chỉnh?
NHNN gần đây cho thấy những giải pháp can thiệp khá mạnh lên thị trường ngoại tệ, cụ thể sau khi bán một lượng lớn ngoại tệ ra thị trường để hỗ trợ nguồn cung, thì tiếp đó điều chỉnh tăng mạnh hơn 1% ở chiều bán ra USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ở đây chúng ta cần chú ý một điều rất quan trọng là dù tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng khá chậm, nhưng việc tăng mạnh trở lại giá bán ra USD đã tạo cớ cho các NHTM tăng mạnh giá mua bán USD đối với khách hàng.
Cụ thể, tỷ giá trung tâm tính đến thời điểm này chỉ mới tăng 4 đồng so tháng trước và tăng 229 đồng, tương đương 1.02% so với đầu năm, tức chỉ chiếm 50% mục tiêu điều chỉnh tăng 2% trong năm nay, dù năm 2018 đã đi hơn một nửa chặng đường.
Trong khi đó, ngay sau khi NHNN tăng giá bán ra USD, thì hầu hết các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng mạnh giá giao dịch đối với khách hàng ở cả chiều mua vào và bán ra, với mức tăng khá cao từ 130 - 150 đồng.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra trên thị trường tự do, với giá bán ra USD đã vượt mốc 23.400, tức tăng 3% so với đầu năm nay, trong khi giá mua vào hiện tại là 23,370, tăng 2.9% so đầu năm. Cần lưu ý là giá mua vào và bán ra trên thị trường tự do hiện tại dù cũng đã tăng hơn 100 đồng so với cuối tuần trước, tuy nhiên với giá giao dịch tại các ngân hàng tăng mạnh hơn trong những ngày đầu tuần này nên chênh lệch giữa 2 thị trường này đã được thu hẹp xuống thêm 50 đồng.
Hình thành một biên độ mới
Như đã nói, nếu quan sát và theo dõi kỹ diễn biến trên thị trường, chúng ta có thể thấy rằng tỷ giá trung tâm vẫn được kiểm soát khá tốt và theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Trong khi đó, tỷ giá bán ra của NHNN dù được điều chỉnh tăng mạnh hôm 23/7, nhưng mốc 23,284 hiện nay vẫn còn thấp hơn mức 23,294 của ngày 02/7, thời điểm trước khi NHNN giảm mạnh 244 đồng. Do đó, có thể thấy tỷ giá niêm yết chính thức của NHNN vẫn cho thấy sự ổn định chứ không hề biến động mạnh.
Tuy nhiên, biện pháp trên của NHNN đã tạo không gian cho giá mua bán trên thị trường, cả chính thức lẫn phi chính thức có cơ hội bứt phá lên những tầm cao mới, từ đó phần nào dập tắt bớt kỳ vọng phá giá đã được dồn nén trong thời gian qua. Hay nói cách khác, chính sách giảm mạnh và rồi sau đó tăng trở lại của NHNN như là một hành động cất nóc cho thị trường, để giá mua bán tại các ngân hàng trở về đúng với diễn biến thực tế cung cầu trên thị trường.
Rõ ràng với những nhà đầu tư luôn chờ đợi một sự phá giá tiền đồng rõ ràng hơn thì diễn biến trên thị trường ngân hàng lẫn tự do đã thể hiện, vì vậy áp lực đè nén lên thị trường đã phần nào được giải tỏa. Trong khi đó, NHNN cũng thành công khi tỷ giá niêm yết chính thức (cả tỷ giá trung tâm lẫn giá mua bán tại SGD NHNN) vẫn trong tầm kiểm soát và giữ được sự ổn định). Giá mua vào của SGD NHNN so với đầu năm nay vẫn còn giảm 0.04%, trong khi giá bán ra chỉ mới tăng 0.89%.
Điều này cho thấy có vẻ như NHNN đã chủ động tạo ra một biên độ giao dịch mới cho thị trường, để có thể kiểm soát tốt hơn, thay vì cố gắng kìm nén hay bung ngoại tệ ra bán để bình ổn, chính sách nếu duy trì trong thời gian dài sẽ càng làm tăng kỳ vọng của thị trường và ngược lại gây tổn hại cho kho dự trữ ngoại hối. Thực tế là trong sáng nay, thị trường ngoại hối có dấu hiệu hạ nhiệt trở lại, cụ thể giá mua bán tại các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm so với hôm qua, trong đó Vietcombank giảm 30 đồng ở cả chiều mua và bán, trong khi giá bán ra trên thị trường tự do cũng giảm nhẹ 20 đồng so với chiều hôm qua.
Vẫn khó đoán định
Dù vậy, việc nhận định diễn biến tỷ giá như thế nào vẫn còn quá sớm và không có gì chắc chắn trong thời điểm hiện nay, khi mà tiền đồng của Việt Nam không chỉ bị tác động từ USD trên thị trường quốc tế, mà còn đến từ diễn biến phá giá liên tiếp gần đây của đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, các yếu tố vĩ mô trong nước như lạm phát, lãi suất và cán cân thương mại trở nên biến động liên tục trong thời gian gần đây, khiến những tác động tiềm tàng lên thị trường ngoại hối càng rủi ro hơn.
Vấn đề là thời gian tới tỷ giá niêm yết chính thức của NHNN liệu có tiếp tục điều chỉnh để tiệm cận với giá mua bán USD trên thị trường, hiện tại giá bán ra trên thị trường tự do đã vượt trần tỷ giá trung tâm từ hôm 23/7. Hay hy vọng giá mua bán trên thị trường sẽ tiếp tục hạ nhiệt trở lại để thu hẹp chênh lệch với tỷ giá niêm yết chính thức, điều đã được duy trì trong suốt những tháng đầu năm nay?
Ở phương án thứ nhất, nếu NHNN mạnh tay hơn thì tỷ giá trung tâm có thể phải chấp nhận vượt mục tiêu 2% đề ra trong năm nay, điều mà rõ ràng nhà điều hành không muốn vì phá vỡ cam kết tự đặt ra, trong khi một số chuyên gia cũng khuyến nghị không nên vì có thể càng làm tăng kỳ vọng phá giá, cũng như gây mất niềm tin của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, phương án thứ hai lại phụ thuộc vào diễn biến thị trường quốc tế vốn đang bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc chiến thương mại, cũng như các yếu tố cung cầu ngoại tệ trong nước vào thời gian tới.
Diễn biến tỷ giá từ đầu năm đến nay
|
Có vẻ như NHNN đã chủ động tạo ra một biên độ giao dịch mới cho thị trường, để có thể kiểm soát tốt hơn, thay vì cố gắng kìm nén hay bung ngoại tệ ra bán để bình ổn, chính sách nếu duy trì trong thời gian dài sẽ càng làm tăng kỳ vọng của thị trường và ngược lại gây tổn hại cho kho dự trữ ngoại hối.
|
Phan Thụy
FILI
|