Đừng thắt ngặt tiền lương tối thiểu
Chính sách tiền lương cần được tính toán hợp lý sao cho người lao động có thể sống được và có tích lũy.
Hai ngày qua, chủ đề được chị Lê Thị Thương, 34 tuổi, công nhân (CN) Công ty TNHH Giày da Huê Phong (Gò Vấp, TP HCM) và đồng nghiệp bàn tán nhiều nhất là việc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất không tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2019. "Mấy năm nay, lương tăng nhỏ giọt trong khi chi phí sinh hoạt tăng nên anh chị em CN phải tằn tiện lắm mới sống được. Tôi chẳng hiểu VCCI căn cứ vào đâu để đề xuất không tăng LTT. Mấy vị đó có khi nào vi hành xuống nhà trọ để tìm hiểu đời sống của CN hay không" - chị Thương nói.
Phải nghĩ cho công nhân
Chị Thương cho biết khi chưa lập gia đình và có con nhỏ, nếu chịu khó chắt chiu thì mỗi tháng còn dư chút đỉnh. Thế nhưng, sau khi sinh con thì cuộc sống của chị luôn thiếu trước hụt sau. "Công ty tôi đang làm lương tạm ổn so với mặt bằng chung, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của gia đình. Có tháng, vợ chồng tôi phải chi thêm một số khoản phát sinh như ma chay, hiếu hỉ, do vậy lương tháng nào là xào hết tháng đó" - chị Thương cho biết thêm.
Nền lương tối thiểu thấp khiến cuộc sống người lao động khó khăn. Ảnh: TRỰC NGÔN
|
Anh Trần Ngọc Đại, 30 tuổi, CN Công ty TNHH Mannequins Đông Á (quận 7, TP HCM) bày tỏ: "Chẳng hiểu sao đến năm 2018 rồi mà chúng ta vẫn chỉ bàn LTT phải đáp ứng mức sống tối thiểu. CN bán sức lao động, bán cả tuổi trẻ cho doanh nghiệp (DN) nên xứng đáng được chăm lo nhiều hơn chứ. Đến khi nào CN thoát được gánh nặng cơm áo gạo tiền thì chừng ấy họ mới có thể tận lực làm việc. Muốn biết đời sống CN khó khăn như thế nào, VCCI cần khảo sát thu nhập, nhu cầu chi tiêu trên diện rộng thì mới có thể đề xuất mức tăng LTT phù hợp".
Cùng tâm trạng, anh Hoàng Gia Lộc, CN một công ty gia công cơ khí tại quận Bình Tân, TP HCM, cho rằng đề xuất không tăng LTT trong năm 2019 của đại diện VCCI vừa vô cảm vừa vô lý. "Anh em chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, tha hương vì miếng cơm manh áo và chỉ trông vào tiền lương hằng tháng. Nghe bàn thảo tăng LTT thì ai cũng phấn khởi. Thế nhưng, khi biết đại diện VCCI đề xuất không nên tăng LTT, chúng tôi hết sức thất vọng. Họ nghĩ gì khi CN hằng ngày vẫn phải đối diện với hàng loạt khó khăn, vật giá sinh hoạt thì tăng phi mã" - anh Lộc đặt câu hỏi.
Chí ít cũng phải bằng năm ngoái
Trao đổi với phóng viên về đề xuất của VCCI, giám đốc một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại quận Thủ Đức, TP HCM, bày tỏ sự ngạc nhiên: "Người lao động (NLĐ) sống chủ yếu bằng lương, có thu nhập khá thì cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn. Do vậy, VCCI phải tính toán kỹ phương án đề xuất, sao cho DN vẫn phát triển mà cuộc sống NLĐ không bị ảnh hưởng".
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết công ty nơi vị giám đốc này điều hành có hơn 450 CN. Ngoài tiền lương cơ bản (4,2 triệu đồng), CN còn được ban giám đốc hỗ trợ thêm các khoản như xăng xe, nhà trọ, phụ cấp tay nghề, chuyên cần… tổng cộng hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng. Tính ra các khoản này chiếm gần 1/3 tổng thu nhập hằng tháng của NLĐ. Theo vị giám đốc này, các khoản phụ cấp nói trên nằm trong chính sách thực hiện trách nhiệm xã hội của DN và CN là đối tượng ưu tiên. "95% CN tại công ty là lao động ngoại tỉnh, áp lực chi tiêu đè nặng khiến họ gần như không có cơ hội nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Để giúp NLĐ ổn định cuộc sống, theo tôi, ít nhất mức tăng LTT chí ít cũng phải bằng năm ngoái" - vị này góp ý.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHN Thương mại và Xây dựng Kiến Thành (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho rằng bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia phải nghiên cứu kỹ tình hình DN, đặc biệt thu nhập, chi tiêu của NLĐ để xây dựng phương án tăng lương phù hợp. "Mục tiêu các bên hướng đến là hài hòa lợi ích của DN lẫn NLĐ. Nếu mức tăng cao, vượt quá sự chịu đựng của DN thì cũng không ổn bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến công việc làm và thu nhập của NLĐ. Tuy nhiên, cũng cần tính toán hợp lý sao cho NLĐ có thể sống được bằng lương" - ông Tùng đề xuất.
Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Phải tạo động lực làm việc cho NLĐ
Điều 91 Bộ Luật Lao động quy định: Mức LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Thế nhưng, qua khảo sát tình hình thực hiện LTT trong năm 2018, chỉ 65,7% NLĐ tạm hài lòng về tiền lương, thu nhập. Điều đáng lo hơn là khi điều chỉnh LTT vùng, không ít DN tùy tiện cắt giảm một số khoản phụ cấp của NLĐ, trong đó mức cắt giảm cao nhất là 500.000 đồng (một doanh nghiệp FDI), mức thấp nhất là 50.000 đồng (một doanh nghiệp nhà nước). Bên cạnh đó, thực trạng các DN có từ 2 hệ thống thang, bảng lương, một để trả lương thực tế, một để làm căn cứ đóng bảo hiểm và chi trả các chế độ khác theo lương như thực hiện chính sách, lương làm thêm giờ, tăng ca... khá phổ biến. Đưa ra thực trạng này cho thấy việc tăng LTT ở các DN chưa có tác dụng động viên NLĐ.
|
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|