Thứ Tư, 11/07/2018 06:10

Đơn hàng dệt may, da giày sẽ tăng đột biến?

Đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh cuộc chiến thương mại có thể giúp kim ngạch xuất khẩu dệt may, da giày tăng vọt

Thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 47% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam và tỉ lệ này với mặt hàng da giày là 37%. Do đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và mở rộng thêm nhiều lĩnh vực sẽ tác động đáng kể lên hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Cơ hội nhiều, rủi ro cũng không ít

Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam, trong đó đáng lưu ý là nguy cơ các sản phẩm dệt may, da giày của Trung Quốc tràn vào nước ta. Ở góc độ khác, trong cuộc chiến thương mại này, Mỹ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ. Với ngành da giày, cơ hội sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc sang...

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết trước mắt trong 1-2 tháng tới, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại chưa lan tới ngành da giày xuất khẩu, bởi các mặt hàng Mỹ đánh thuế đợt đầu lên hàng hóa Trung Quốc chủ yếu là nhóm công nghệ, kỹ thuật cao như hàng điện tử. Tuy nhiên, nếu giai đoạn kế tiếp, Mỹ tiếp tục áp thuế vào hàng Trung Quốc thì tác động sẽ lan sang các nhóm ngành hàng khác, trong đó tập trung vào hàng tiêu dùng như giày dép, quần áo... Khi đó, ngành da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp với cả cơ hội và nguy cơ.

Đơn hàng xuất khẩu da giày, dệt may có thể tăng đột biến trong thời gian tới, vượt khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước Ảnh: Vĩnh Tùng

Nếu thuận lợi, đơn hàng có thể tăng đột biến từ Trung Quốc chuyển sang khi các nhà nhập khẩu muốn tránh bị áp thuế cao ở thị trường này và Việt Nam là sự lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, không chỉ ngành da giày mà các ngành xuất khẩu khác như dệt may, đồ gỗ... cũng sẽ có sự dịch chuyển đơn hàng và cần nhân công. Khi đó, áp lực cạnh tranh về nguồn nhân lực sẽ rất lớn giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Siết chặt việc "mượn" xuất xứ

"Điều lo lắng hơn cả là trong bối cảnh dịch chuyển đơn hàng này, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đổ sang Việt Nam. Bên cạnh những nhà đầu tư thật, sẽ có những DN chỉ "mượn" Việt Nam làm nơi chuyển tải sản phẩm bán thành phẩm, nghĩa là chỉ đặt nhà máy ở nước ta, nhập hàng bán thành phẩm để làm công đoạn cuối rồi gắn xuất xứ và xuất khẩu qua Mỹ" - ông Diệp Thành Kiệt nói.

Lãnh đạo Lefaso nhìn nhận việc này từng xảy ra khoảng 10 năm trước, khi DN Trung Quốc tận dụng hạn ngạch xuất khẩu của Việt Nam đem sản phẩm da giày thành phẩm qua, chỉ gắn thêm nhãn "made in Vietnam" rồi đóng gói, xuất khẩu.

"Điều này cực kỳ nguy hiểm, bởi khi đó toàn bộ ngành da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị vạ lây. Chỉ cần vài DN da giày, dệt may làm ăn không đàng hoàng, mượn xuất xứ thì cả ngành xuất khẩu sẽ bị đình đốn. Đây là điều mà hiệp hội và cơ quan quản lý lo ngại. Dù vậy, nhà nước đã có kinh nghiệm kiểm soát vấn đề này những năm trước" - ông Kiệt nhận định.

Với ngành dệt may, thời gian qua đã có sự dịch chuyển về số lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo báo cáo về ngành dệt may của Công ty Chứng khoán SSI, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc giảm gần bằng mức tăng xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái (khoảng 3 tỉ USD). Chi phí nhân công cạnh tranh, mạng lưới các hiệp định thương mại là lợi thế giúp Việt Nam trở thành điểm đến Trung Quốc +1. Chính phủ nước này cũng đang từng bước chuyển trọng tâm kinh tế vĩ mô từ hàng dệt may sang các ngành công nghiệp khác như công nghệ...

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho rằng sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục diễn ra. Cơ quan quản lý của Việt Nam cần cảnh giác với chiêu núp bóng, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ né xuất xứ rồi xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ.

Nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng những bất ổn liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đến xuất khẩu dệt may Việt Nam. Cụ thể, nếu tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc tăng đột biến khoảng 20%-30% trong các quý tới, Việt Nam có thể bị vào diện theo dõi đặc biệt từ Mỹ và áp dụng mức thuế cao hơn.

Cần thông tin sớm để chủ động ứng phó

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Trường ĐH Fulbright, cho rằng cuộc chiến thương mại đang ở bước đầu nên tác động chưa lớn nhưng biến động tiếp theo trong tương lai là hoàn toàn có khả năng leo thang nếu cả Mỹ và Trung Quốc không nhượng bộ. Khi đó, một loạt sản phẩm bị áp thuế cao hơn, trong đó có dệt may, da giày... Khi đó, cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực tới Việt Nam.

Theo các DN dệt may, hiện thông tin xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động cụ thể đến ngành xuất khẩu dệt may vẫn chưa rõ ràng. Do đó, điều DN cần nhất lúc này là thông tin cụ thể, cảnh báo sớm từ cơ quan quản lý để họ chủ động, có giải pháp ứng phó.


THÁI PHƯƠNG

Người Lao Động

Các tin tức khác

>   Khởi tố vụ MobiFone mua AVG, bắt tạm giam ông Lê Nam Trà (10/07/2018)

>   Trả lại tên 'trạm thu phí' cho tất cả 'trạm thu giá' trước 20-7 (10/07/2018)

>   Sẽ công khai nợ công, nợ nước ngoài cho người dân biết (10/07/2018)

>   Cảnh cáo Ban cán sự Đảng bộ Thông tin truyền thông (10/07/2018)

>   Đưa vé máy bay vào phương án kiểm soát giá (10/07/2018)

>   Bay thử ở sân bay Vân Đồn, dự kiến khai thác từ tháng 10 (10/07/2018)

>   Thủ tướng đồng ý TP.HCM chuyển 26.000ha đất nông nghiệp sang dịch vụ (10/07/2018)

>   Hoãn Atiga đến 2020: Tin vui của ngành đường? (10/07/2018)

>   Hàng Trung Quốc "lách" qua Việt Nam vào Mỹ: Cơ hội hay rủi ro? (10/07/2018)

>   Cuộc chiến taxi chưa hạ nhiệt (10/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật