Đất nông nghiệp ở Bình Chánh, Củ Chi sẽ được chuyển đổi nhiều nhất
Từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ chuyển mục đích khoảng 26.000 hecta đất nông nghiệp sang dùng cho các mục đích khác. Đây là một nguồn lực lớn để TP.HCM chi cho đầu tư, phát triển thời gian tới.
TP.HCM có diện tích đất nông nghiệp lớn. Nếu chuyển mục đích 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ thì tính sơ bộ sẽ mang về 1,5 triệu tỉ đồng. Trong ảnh: đất nông nghiệp trồng lúa tại huyện Bình Chánh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Về diện tích đất này, ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, cho biết:
- Chính phủ cho phép TP.HCM chuyển mục đích sử dụng hơn 29.000 ha đất nông nghiệp thành các loại đất phi nông nghiệp trong kỳ quy hoạch sử dụng đất từ 2010 đến 2020.
Từ năm 2010 đến 2015 đã chuyển được hơn 3.000ha. Hơn 26.000ha đất còn lại trong chỉ tiêu sẽ được chuyển mục đích sử dụng từ năm 2016 đến năm 2020.
Chiếm khoảng 22,5% quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM, diện tích đất này sẽ được chuyển mục đích theo kế hoạch sử dụng đất và tiến độ thực hiện các dự án hằng năm.
Diện tích đất chuyên trồng lúa nước vẫn giữ nguyên, không được xâm phạm.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Ảnh: TỰ TRUNG
|
* Đó là những loại đất nào, phân bố ở đâu, thưa ông?
- Diện tích này nằm rải rác trên địa bàn nhiều quận huyện, phần lớn là do các hộ dân đang quản lý, sử dụng, chỉ có một phần đất do Nhà nước quản lý (xem đồ họa).
Trong đó, chỉ một phần người dân đang canh tác nông nghiệp theo đúng mục đích, một phần không còn trồng trọt được do ảnh hưởng của đô thị hóa nên đất bị ô nhiễm, không còn hệ thống thủy lợi để tưới tiêu...
Nếu đất nông nghiệp của dân thuộc quy hoạch đất ở thì người dân cũng có thể chuyển mục đích để xây nhà.
* Thưa ông, liệu có tình trạng đất đã được chuyển mục đích rồi, nay đưa vào quy hoạch chuyển đổi để hợp thức hóa?
- Không có chuyện này. Vì quy hoạch sử dụng đất phải do UBND TP.HCM trình, Bộ Tài nguyên - môi trường thẩm tra và có tờ trình Chính phủ một lần nữa mới qua hội đồng thẩm định.
Hội đồng thẩm định có hơn 50 người, gồm đại diện các bộ ngành trung ương, thẩm tra từng chi tiết nên không có chuyện hợp thức hóa.
* Việc chuyển mục đích sử dụng đất diễn ra như thế nào?
- Không phải diễn ra cùng một lúc, mà phải tùy thuộc tiến độ thực hiện các dự án của chủ đầu tư hay Nhà nước. Khi nhà đầu tư có dự án đầu tư và đã chọn được khu đất dự kiến để tiến hành dự án thì làm hồ sơ trình UBND TP.HCM.
Và muốn chuyển được mục đích sử dụng khu đất đã chọn, nhà đầu tư phải được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Sau đó chủ đầu tư sẽ thỏa thuận bồi thường đất đối với người dân. Sau khi hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án mới làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
Riêng với các dự án do Nhà nước thu hồi đất, Nhà nước phải bồi thường giải phóng mặt bằng xong mới thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, tiến độ chuyển mục đích sử dụng đất tùy thuộc vào từng dự án.
* Hiện tại, việc bồi thường giải phóng mặt bằng là khâu bị người dân khiếu kiện nhiều nhất. Vậy thu hồi đất của dân làm sao để tránh khiếu kiện, thưa ông?
- Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, chỉ những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh và dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo điều 61 và 62 Luật đất đai 2013 thì Nhà nước mới thu hồi đất.
Những dự án còn lại nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân trên cơ sở thuận mua vừa bán, vậy sẽ giảm thiểu việc khiếu nại, khiếu kiện.
* Việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp lớn như vậy sẽ gặp thuận lợi, khó khăn gì?
- Thuận lợi lớn nhất là pháp lý đã có, khi chuyển mục đích sử dụng đất sẽ thu được tiền để chi đầu tư phát triển TP.HCM. Bên cạnh đó, việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp là tạo điều kiện để phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Thực tế nhiều diện tích đất nông nghiệp ở TP.HCM hiện đang để trống, hoặc có sử dụng nhưng hiệu quả kinh tế thấp.
Tuy nhiên, cũng sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Có những lúc, thời điểm đưa ra lượng diện tích đất nông nghiệp cần chuyển đổi nhưng thực tế không làm kịp đúng thời hạn như đã định.
Các dự án thường bị vướng khâu bồi thường giải phóng mặt bằng có khi kéo dài nhiều năm.
Thực tế, việc chuyển mục đích sử dụng đất nhanh hay chậm còn phải tùy thuộc năng lực của các chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư có năng lực tài chính tốt, thỏa thuận nhanh thì tiến độ chuyển mục đích sử dụng đất nhanh.
Đồ họa: V.CƯỜNG
|
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong:
Đất nông nghiệp có hiệu quả thấp
Hiện nay, đất nông nghiệp chiếm 54,68% tổng diện tích tự nhiên toàn TP.HCM. Bất hợp lý trong cơ cấu sử dụng đất là nông nghiệp chỉ đóng góp 0,06% tổng giá trị sản phẩm xã hội của TP.HCM.
Đất phi nông nghiệp chiếm 44,8% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích 19 quận nội thành chiếm 23,5% diện tích đất; 5 huyện chiếm 76,5% diện tích do đất nông nghiệp chiếm phần lớn.
Lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 cho phép TP.HCM điều chỉnh giảm 30.047ha đất nông nghiệp (tức được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang mục đích khác - PV).
Khoảng 26.000ha sắp chuyển đổi sẽ thu về 1,5 triệu tỉ đồng. Điều này cho thấy giá trị đất của TP.HCM rất lớn.
Công tác thẩm định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các quận huyện phải thực hiện đúng quy định để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất. Sau khi được chuyển đổi phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả.
Ưu tiên dành đất cho phát triển công nghiệp, chọn lọc thu hút đầu tư những ngành công nghệ cao, ít sử dụng lao động và dành đất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo.
Ông Hoàng Minh Trí (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Nên làm thí điểm để đánh giá hiệu quả
TP.HCM cần xác định 26.000ha nằm ở những vị trí nào, đánh giá lợi thế các khu đất phù hợp cho loại hình chuyển đổi nào, khi đó mới tính toán thực hiện chuyển đổi chức năng cho từng khu vực. Trong đó, quan trọng nhất cần đánh giá được việc có bao nhiêu nhà đầu tư sẽ vào đầu tư.
Hiện chỉ có khoảng 60% diện tích mặt bằng tại các khu công nghiệp tập trung được lấp đầy, còn lại vẫn để trống.
Trong khi quỹ đất hiện hữu dành cho dịch vụ và công nghiệp chưa sử dụng hết, TP.HCM cần đánh giá nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp dịch vụ.
Đồng thời đánh giá kỹ năng lực tài chính của các chủ đầu tư xin làm dự án, tránh việc doanh nghiệp chỉ lợi dụng chính sách để "xí phần" đất, sau đó không đủ năng lực thực hiện, bỏ trống gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Thời gian để thực hiện việc chuyển đổi chỉ còn khoảng hai năm rưỡi, tốt nhất nên làm thí điểm một vài dự án để đánh giá hiệu quả từ việc chuyển đổi. Sau đó nhân rộng ra chuyển đổi những khu vực khác.
|
GS.TS Nguyễn Thị Cành (giảng viên cao cấp Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM): Không để đầu cơ làm bất động sản
Chủ trương chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp của TP.HCM là cần thiết, góp phần tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai.
TP.HCM không có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Nhiều khu vực đất nông nghiệp, người dân sử dụng không hiệu quả, sản xuất nhỏ lẻ, để trống, hoang hóa... gây lãng phí.
Do đó phải chuyển đổi để phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các mục đích khác.
TP.HCM nên nghiên cứu, ưu tiên chuyển đổi phần lớn diện tích đất nông nghiệp sang chức năng sử dụng phục vụ các ngành sản xuất kinh tế, nhất là sản xuất công nghiệp.
Mở rộng các khu công nghiệp đã có hoặc phát triển các khu công nghiệp mới. Xây dựng các trung tâm phát triển công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo.
Hạn chế việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang thực hiện các dự án khu đô thị. Không để các chủ đầu tư lợi dụng chính sách chuyển đổi đất để đầu cơ, phát triển các dự án bất động sản.
* Ông Võ Trí Dũng (trưởng Phòng tài nguyên - môi trường quận 9):
Phù hợp với cơ cấu kinh tế của quận
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, quận 9 chuyển mục đích sử dụng khoảng 2.000ha đất nông nghiệp. Diện tích đất này nằm rải rác ở các phường Phú Hữu, Long Bình, Long Trường, Long Phước, bao gồm cả nông trường dừa 156ha của Novaland làm dự án.
Phần lớn diện tích đất được chuyển đổi là đất nông nghiệp thuần, ít có nhà của dân. Trong từng dự án có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, có phương án tái định cư và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân.
Hi vọng sau khi có chính sách bồi thường mới, giá bồi thường đất nông nghiệp sẽ cao hơn, người dân sẽ dễ dàng chấp thuận di dời.
Theo định hướng chung, cơ cấu kinh tế của quận 9 sẽ là thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp đô thị, sử dụng đất ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn. Việc chuyển mục đích sử dụng 2.000ha đất phù hợp với cơ cấu kinh tế của quận trong thời gian tới.
* Nguyễn Tiến Hùng (người dân xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh):
Mong giảm bớt đất nông nghiệp
Hiện nay, quy hoạch đất nông nghiệp trên địa bàn xã quá nhiều, dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà ở thường bị vướng quy hoạch, vì vậy thường xảy ra việc xây nhà trái phép ở khu vực này.
Trong khi đó, đất không thể sản xuất được bởi xung quanh đã có rất nhiều nhà ở, không có hệ thống thủy lợi, trồng trọt nhỏ lẻ không đem lại hiệu quả kinh tế.
Mong rằng với chủ trương mới của Chính phủ, TP.HCM sẽ có quy hoạch hợp lý hơn cho những vùng đất đang đô thị hóa mạnh như khu vực Vĩnh Lộc, giảm bớt diện tích đất bị quy là đất nông nghiệp.
Lúc đó, hi vọng người dân nơi đây sẽ đủ điều kiện xây nhà hợp pháp, không bị mang tiếng là khu vực nóng xây dựng trái phép nữa.
|
NGỌC HÀ - TIẾN LONG
TUỔI TRẺ
|