Cắt khuyến mại trả trước, bao nhiêu người dùng chuyển sang trả sau?
Thông tư 47/2017/TT-BTTTT được cho là sẽ khuyến khích người dùng trả trước chuyển sang sử dụng dạng trả sau. Tuy nhiên khuyến mại đã cắt, còn hiệu quả thì không như mong đợi.
Sau 4 tháng siết khuyến mại nạp thẻ cho thuê bao trả trước từ mức 50% về chỉ còn 20%, chị T. Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn tiếp tục sử dụng SIM Vinaphone trả trước.
“Chắc chắn tôi sẽ không đổi sang sử dụng trả sau vì SIM trả trước có rất nhiều ưu điểm như linh hoạt và kiểm soát tốt lượng cước sử dụng hàng tháng”, chị Hà chia sẻ.
Việc siết khuyến mại của thuê bao trả trước đang không tạo được hiệu ứng như kỳ vọng. Ảnh: Ngô Minh.
|
Chị Hà cho rằng việc sử dụng thuê bao trả sau không phù hợp với mình. “Nếu có ai đó kiểm soát được điện thoại tôi rồi gọi và sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng qua tin nhắn tràn lan thì rất khó để giới hạn lượng cước điện thoại thiệt hại. Hơn nữa việc thanh toán cước trả trước cũng tiện lợi và dễ dàng hơn”, khách hàng của Vinaphone này nhận định.
Số khách hàng chung quan điểm với chị Hà không ít. Theo thống kê của các nhà mạng, sau gần 2 tháng kể từ thời điểm 1/3, chỉ có thêm 130.000 thuê bao di động chuyển từ dạng trả trước sang thuê bao trả sau, tương đương 0,1% số thuê bao trả trước chuyển thành thuê bao trả sau.
Nhà mạng muốn tăng khuyến mại
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành thông tin và truyền thông ngày 9/7, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT, cho biết văn bản quy định khuyến mại tối đa 20% với thuê bao trả trước của Bộ TT&TT không phù hợp về quản lý doanh nghiệp, thậm chí không tuân thủ kinh tế thị trường. Trên thế giới, ít có cơ quan quản lý nào quy định doanh nghiệp khuyến mãi chỉ 20%.
“Tôi thấy rằng cơ sở pháp lý của quy định này chưa phù hợp với thị trường. Ở nước ngoài vẫn khuyến mãi 70-80% tùy vào hàng tồn kho của doanh nghiệp để quyết định”, ông Trần Mạnh Hùng lý giải.
Trước đó, các nhà mạng đã liên tục “than” về việc siết khuyến mại làm ảnh hưởng tới doanh thu. Cả ba nhà mạng là Viettel, Vinaphone và MobiFone đều có con số doanh thu đầu năm không đạt kỳ vọng mà nguyên nhân được các nhà mạng đưa ra một phần là do quy định mới của Thông tư 47.
Các doanh nghiệp đều "than" doanh thu bị ảnh hưởng vì quy định siết khuyến mại. Ảnh: Ngô Minh.
|
Thực tế, trong ngày cuối cùng khuyến mại cho thẻ nạp thuê bao trả trước ở mức 50%, các doanh nghiệp đều ghi nhận doanh thu tăng đột biến.
“Doanh thu tăng gấp 20 lần ngày thường và tăng gấp 4-5 lần so với những ngày khuyến mại trước đó”, đại diện một nhà mạng lớn chia sẻ với Zing.vn. Thậm chí, máy chủ của Viettel còn gặp nhiều trục trặc kỹ thuật do lượng nạp thẻ qua các kênh quá lớn dẫn tới một số thời điểm hệ thống quá tải.
Nhu cầu nạp thẻ khuyến mại ở mức 50% của người dùng là rất lớn, mang lại rất nhiều doanh thu cho người dùng. Trong khi đó, siết khuyến mại về 20%, lượng người dùng trả trước chuyển về trả sau biến động không rõ rệt, còn doanh thu thẻ nạp của các hãng viễn thông đã có sự suy giảm.
“Trước đây tôi thường nạp thẻ vào ngày khuyến mại để hưởng mức 50% cộng thêm. Giờ việc chờ ngày khuyến mại không còn quá quan trọng bởi mức khuyến mại 20% là không đủ hấp dẫn”, anh Q. Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay.
“Tài khoản ít tiền đi nên tôi cũng chuyển sang gọi điện thoại qua các ứng dụng OTT cho tiết kiệm, chất lượng không thua kém nhiều nhưng lại không mất tiền cước”, anh Đức nói thêm.
Trả trước lấn át trả sau
Từ lâu lượng thuê bao trả trước đã lấn át hoàn toàn lượng thuê bao trả sau. Theo số liệu từ Bộ TT&TT, tính tới tháng 12/2017, tổng số thuê bao di động có phát sinh lưu lượng tại Việt Nam là hơn 120 triệu, trong đó thuê bao 2G hơn 75 triệu (gồm 70,5 triệu trả trước và gần 4,6 triệu thuê bao trả sau); thuê bao 3G là 44,8 triệu (trả trước là 40,78 triệu, trả sau là 4,065 triệu).
Có thể thấy lượng thuê bao 2G trả trước áp đảo hoàn toàn lượng thuê bao 2G trả sau. Điều này đồng nghĩa với việc nhóm người dùng thoại và nhắn tin không mặn mà với thuê bao trả sau.
Con số 0,1% số thuê bao trả trước chuyển thành thuê bao trả sau sau khi khuyến mại bị siết cũng phần nào thể hiện điều đó.
Hiện cứ 10 thuê bao trả trước mới có một thuê bao trả sau, và nếu tốc độ chuyển đổi 0,1% trong gần 2 tháng tiếp tục duy trì, sẽ mất tới hàng chục năm để 2 loại thuê bao viễn thông này cân bằng số lượng.
Tuy nhiên, hiện cơ quan quản lý vẫn kiên trì với phương án hạn chế ưu đãi cho thuê bao trả trước. Đại diện Cục Viễn thông đã giải thích cơ sở pháp luật quy định tối đa khuyến mãi 20% đối với thuê bao trả trước hoàn toàn hợp lý theo Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định hướng dẫn Luật Viễn thông.
Mục tiêu của quy định này là tăng cường thuê bao trả sau, vì sử dụng thuê bao trả trước xuất hiện nhiều tin nhắn rác. Áp dụng quy định này, khách hàng sẽ chuyển từ thuê bao trả trước sang thuê bao trả sau, khi đó quyền lợi của khách hàng không đổi.
“Nếu để phục vụ quản lý thì chúng tôi đã đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân, chụp cả ảnh chân dung, điều mà rất nhiều nước trên thế giới còn không yêu cầu. Vậy tại sao cứ ép người dùng phải chuyển sang trả sau bằng cách siết khuyến mại?”, chị Hà bức xúc.
“Tôi khẳng định sẽ không chuyển sang trả sau chỉ vì 30% giá trị khuyến mại. Thuê bao trả sau không phù hợp với tôi và tôi không đồng tình với việc bị ép buộc sử dụng loại thuê bao tôi không muốn”, khách hàng của Viettel này nói thêm.
Ngô Minh
ZING.VN
|