Thứ Hai, 09/07/2018 11:26

6 tháng cuối năm: Mức xuất khẩu bình quân 20.45 tỷ USD/tháng là một thách thức rất lớn

Việc đạt mức xuất khẩu bình quân 20.45 tỷ USD/tháng cho 6 tháng cuối năm 2018 là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường.

Bộ Công Thương vừa cho biết, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113.93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017 (thấp hơn mức tăng 19.4% của cùng kỳ năm 2017) và bằng 48% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 33.1 tỷ USD, tăng 19.9% (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 16.3%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80.9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 20.7%).

Trong đó, những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22.5 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13.45 tỷ USD), hàng dệt, may (13.42 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7.8 tỷ USD), giày dép các loại (7.79 tỷ USD).

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu 6 tháng đầu năm có những điểm tích cực được thể hiện qua mức tăng trưởng của xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước. Trong 6 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 33.1 tỷ USD, tăng 19.9%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Số liệu xuất khẩu những năm gần đây cho thấy những kết quả tích cực trong mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp này (năm 2015 xuất khẩu giảm 2.6%; năm 2016 xuất khẩu chỉ tăng 5.5%, năm 2017 xuất khẩu tăng 17.7%).

Theo dõi số liệu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018, cho thấy xuất khẩu tăng cao ở quý 1 (tăng 24%) nhưng giảm đà tăng trưởng trong quý 2 (cả quý 2 tăng 10%). Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối, bình quân quý 2/2018 xuất khẩu đạt khoảng 19.5 tỷ USD/tháng, cao hơn bình quân quý 1/2018 (18.5 tỷ USD/tháng). Việc tăng trưởng quý 2 đạt mức thấp so với quý 1 là do năm 2017, xuất khẩu quý 1 ở mức thấp, đạt bình quân 14.9 tỷ USD/tháng và chỉ bắt đầu tăng trưởng từ quý 2 với mức bình quân 17.7 tỷ USD/tháng.

Ngoài ra, mức tăng trưởng của xuất khẩu điện thoại đã tác động khá lớn đến sự thay đổi mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữa quý 1 và quý 2. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong quý 1/2018 đạt 12.6 tỷ USD, tăng 62% trong khi quý 2 chỉ đạt 9.9 tỷ USD, giảm 15.5%. Sự thay đổi về tăng trưởng kim ngạch này xuất phát từ sự thay đổi về thời điểm xuất bán sản phẩm điện thoại mới trong hai năm 2017 và 2018, không thể hiện sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu. Thực tế, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại trong 6 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng 15.4% so với cùng kỳ năm 2017.

Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn có những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng.

Thứ nhất, sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp dự báo tăng tích cực xét trên các yếu tố như: nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng mạnh trong quý 1, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng khá. Nhóm hàng điện tử dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ việc Samsung tiếp tục xuất bán sản phẩm mới trong quý 3/2018 và việc dự án Samsung Display tiếp tục đẩy mạnh sản xuất màn hình phục vụ xuất khẩu.

Thêm vào đó, theo chu kỳ, thông thường xuất khẩu nông, thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý 2.

Thứ hai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.

Thứ ba, đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.

Mặc dù vậy, Bộ cũng cho rằng, xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu. Cụ thể như cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra; chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ, EC xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số nước (cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ,…).

Theo đó, Bộ nhấn mạnh, việc đạt mức xuất khẩu bình quân 20.45 tỷ USD/tháng cho 6 tháng cuối năm là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường.

Thái Hương

Fili

Các tin tức khác

>   Sức ép hàng Trung Quốc sẽ rất khủng khiếp với thị trường Việt Nam (09/07/2018)

>   Taxi truyền thống lại ‘tố’ Grab thao túng thị trường (09/07/2018)

>   Ngành điều lao đao vì thiếu vốn (09/07/2018)

>   "Năng lực ngành đường sắt yếu, không xứng trong chuỗi phát triển của Việt Nam" (08/07/2018)

>   7 hiệp hội "khóc" với Thủ tướng (08/07/2018)

>   Bộ Kế hoạch từ chối cấp phép đầu tư Nhiệt điện Vũng Áng 2 (08/07/2018)

>   Cả trăm ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống ruộng đồng mỗi năm (07/07/2018)

>   Ngành điện độc quyền cao nhất (07/07/2018)

>   Thuốc siêu rẻ, giá nào cũng sản xuất được (07/07/2018)

>   Nhọc nhằn xuất khẩu tôm (07/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật